VIETSHRIMP 2018: Các vấn đề khoa học công nghệ nổi bật
Hội thảo khoa học công nghệ Vietshrimp 2018 gồm 2 chủ đề: “Khoa học công nghệ phục vụ nuôi tôm công nghệ cao” và “Phát triển nuôi tôm bền vững” đã diễn ra thành công. Một số vấn đề khoa học, công nghệ nổi bật đã được đề cập đến trong hai ngày diễn ra hội thảo.
Nuôi tôm hai giai đoạn là một trong những công nghệ được mở rộng tại nhiều địa phương Ảnh: Thanh Cường
1/ Tôm bố mẹ
Moana Technologies thành công trong phát triển tôm sú bố mẹ sạch bệnh, có tốc độ sinh trưởng nhanh, rút ngắn thời gian nuôi. Năng lực sản xuất hiện đạt 18.000 tôm bố mẹ/năm. Tôm bố mẹ chọn giống theo hướng kháng bệnh đang được quan tâm, tuy nhiên thành tựu còn rất hạn chế, xa với mong đợi.
2/ Dịch bệnh tôm
Năm 2018, nguy cơ dịch bệnh hoại tử gan tụy cao, đáng lo ngại (8% mẫu phân tích nhiễm tác nhân gây bệnh). Nguyên nhân từ nhiễm Vibrio tại trại sản xuất tôm giống, dùng thức ăn tươi sống nhiễm bệnh cho tôm bố mẹ, thời tiết nắng nóng kéo dài và mức độ ô nhiễm cao từ môi trường vùng nuôi.
Vibrio gây hoại tử gan tụy ở tôm phát triển tốc độ nhanh so với vi sinh vật có lợi, phát triển nhanh khi nhiệt độ cao, độ mặn, pH cao và có nước mới. Tác nhân gây bệnh là Vibrio có mang gen độc PirA và PirB, khoảng 4 - 5 loài Vibrio có mang gen gây độc gây hoại tử gan tụy ở tôm. Các đặc điểm này cần được lưu ý trong quản lý môi trường, trong việc sử dụng chế phẩm vi sinh để kiểm soát Vibrio gây bệnh hoại tử gan tụy trên tôm nuôi.
Tôm giống sạch bệnh là yếu tố quan trọng giảm rủi ro nuôi tôm. Đánh giá sạch bệnh thông qua xét nghiệm, tuy nhiên âm tính giả cũng còn xảy ra cần lưu ý trong kiểm dịch.
3/ Công nghệ nuôi tôm
Công nghệ nuôi tôm theo giai đoạn, 2 - 3 giai đoạn chứng minh hiệu quả thực tế, giảm rủi ro trong nuôi tôm.
Hệ thống nuôi tuần hoàn khép kín (RAS) được đánh giá có nhiều ưu điểm trong phát triển nuôi tôm công nghệ cao. Việc áp dụng hệ thống RAS cải tiến: Hệ thống các ao nuôi cá để xử lý nước ao nuôi là phù hợp về khả năng đầu tư và hiệu quả sản xuất. Mô hình nuôi luân canh tôm - cá rô phi của Công ty TNHH Khoa Kỹ Sinh vật Thăng Long có hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường, tiềm năng phát triển mở rộng ở các vùng nuôi tôm.
Công nghệ Biosipec, công nghệ kết hợp giữa Biofloc với MBBR và hệ thống quan trắc tự động là các giải pháp công nghệ có nhiều triển vọng trong nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao.
Tôm - lúa, tôm - rừng, quảng canh cải tiến có tiềm năng phát triển theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
4/ Kiến nghị từ hội thảo
Áp dụng Biosecurity cho trại giống cần được chú trọng là giải pháp hiệu quả đảm bảo sản xuất tôm giống sạch bệnh.
Phát triển nuôi tôm công nghệ cao và nuôi thâm canh không chú ý đến bảo vệ môi trường sẽ có nguy cơ hủy hoại môi trường rất cao. Cần có các chế tài về việc bảo đảm bảo vệ môi trường từ các trang trại nuôi thâm canh, công nghệ cao.
Trong bối cảnh rủi ro dịch bệnh, chất lượng tôm nuôi và gia tăng cạnh tranh trên thị trường tôm quốc tế, các hệ thống tôm - lúa, tôm - rừng và quảng canh cải tiến chiếm tới 80% diện tích nuôi tôm vùng ĐBSCL (gần 500.000 ha) có tiềm năng nâng cao năng suất, hiệu quả (giá thành sản xuất thấp, chất lượng cao, vốn đầu tư không lớn, công nghệ dễ tiếp cận, ứng dụng với trình độ người dân), cần được xác định là trong các định hướng ưu tiên trong phát triển ngành tôm Việt nam.
Ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật trong môi trường và trong một số sản phẩm sử dụng trong nuôi tôm gây nguy cơ bệnh ở tôm rất lớn, cần được chú ý trong quản lý việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và quản lý chất lượng các sản phẩm, vật tư dùng trong nuôi tôm.
Để phòng trị bệnh tôm có hiệu quả, giảm thiểu tác động môi trường từ nuôi tôm, các nghiên cứu tiếp tục chuyên sâu về hoại tử gan tụy ở tôm, giải pháp bacteriophage trong phòng trị bệnh tôm, công nghệ xử lý bùn thải từ nuôi tôm thâm canh là cần thiết, cần được ưu tiên.
Tổ chức biên soạn tài liệu hướng dẫn để phổ biến rộng rãi các tiến bộ khoa học công nghệ đến người nuôi, các bộ khuyến ngư…:(i) Khắc phục các vấn đề về xét nghiệm tôm, sử dụng chế phẩm vi sinh, vitamin, quản lý môi trường trong kiểm soát Vibrio gây hoại tử gan tụy ở tôm nuôi và (ii) Những vấn đề cần khắc phục trong nuôi tôm: Áp dụng Biofloc, chất lượng thức ăn và mật độ nuôi, duy trì mật độ nuôi phù hợp với sức tải môi trường, nhu cầu ôxy, phương pháp duy trì pH… để thành công trong nuôi tôm.
Hiệp hội Thủy sản các tỉnh ven biển ĐBSCL, đặc biệt các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau đại diện cho các tổ chức và cá nhân ngành tôm bày tỏ mong muốn, thiện chí hợp tác với các nhà khoa học, các doanh nghiệp đưa tiến bộ khoa học công nghệ, các sản phẩm mới, tiên tiến phục vụ ngành tôm vào áp dụng tại địa phương.
Hội thảo khoa học công nghệ phục vụ ngành tôm Việt Nam tại VietShrimp 2018 không thể thành công nếu không có sự nỗ lực của các báo cáo viên, tham gia tích cực của các nhà khoa học, người nuôi tôm, các doanh nghiệp phục vụ ngành tôm tại 2 phiên hội thảo. Hội thảo đánh giá cao các đóng góp vô giá đó. Ban tổ chức Hội thảo xin chân thành cảm ơn.
>> Hội thảo đã nghe và thảo luận 16 báo cáo chuyên đề về hiện trạng, định hướng, kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến 2025; các thành tựu về phát triển tôm bố mẹ; các công nghệ ương nuôi tôm mật độ cao; các giải pháp phòng trị bệnh, sử dụng các chế phẩm vi sinh trong nuôi tôm; nuôi tôm không kháng sinh…
Related news
Ngành tôm nuôi tại Thái Lan vẫn không ngừng nỗ lực để phục hồi và nhận thấy trên con đường phát triển bền vững không thể bỏ sót các hộ sản xuất vừa và nhỏ
Dự án “xử lý chất thải trong nuôi trồng thủy sản, chuyển đổi thành năng lượng điện thông qua pin nhiên liệu rắn thế hệ mới” đã thu hút sự quan tâm
Nhân rộng các mô hình nuôi tôm bằng ứng dụng công nghệ mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà huyện nghèo Cần Giờ đẩy mạnh để hoàn thành