Việt Nam Nuôi Thành Công Đông Trùng Hạ Thảo
Công ty cổ phần Ứng dụng Khoa học Kỹ thuật Việt Nam đã nghiên cứu nuôi trồng thử nghiệm thành công Đông trùng hạ thảo - loại nấm trị giá cả tỷ đồng/kg.
Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Công nghệ Sinh học thuộc Công ty cổ phần Ứng dụng Khoa học Kỹ thuật Việt Nam-Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE), đã phân lập và nhân nuôi thành công chủng nấm có trong Đông trùng hạ thảo.
Đây là một loại dược liệu quý hiếm, người bị bệnh ở Việt Nam thường xuyên phải mua từ nước ngoài với giá rất đắt (người tiêu dùng phải mua loại nấm này với giá lên tới cả tỷ đồng/kg).
Người dân thường cho rằng đó là loài sinh vật đặc biệt, mùa đông ở dạng côn trùng, sang mùa hạ lại hóa thành cây cỏ. Chính vì thế mới mang tên Đông trùng hạ thảo và có khả năng chữa được rất nhiều thứ bệnh, kể cả ung thư.
Nhưng qua nghiên cứu, các nhà khoa học xác định, Đông trùng hạ thảo là tên gọi chung cho một nhóm nấm kí sinh trên ấu trùng một loài côn trùng đặc hữu của vùng Tây Tạng (Trung Quốc), trong đó thường là nấm Cordyceps sinensis và nấm Cordyceps militaris .
Nghiên cứu sâu hơn, người ta xác định trong quả thể của nấm Cordyceps militaris chứa khá nhiều hoạt chất có hoạt tính sinh học cao như Cordycepin, Adenosine, Mannitol, Cordypolysaccarid, Superoxide, Dismutise…
Một số nghiên cứu khác về y học cũng khẳng định nấm Cordyceps militaris có khả năng điều hoà tim mạch, điều trị bệnh thận do giảm immunoglobin A. Có tác dụng hỗ trợ điều trị các bệnh virus, đái tháo đường và suy giảm tình dục; tác dụng ngăn ngừa và kìm hãm sự phát triển ung thư.
Vì thế, trong thời gian gần đây, nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…đều nghiên cứu, nhân nuôi phát triển các loài nấm này, để bào chế thành thuốc, bán với giá rất cao.
Nhận thấy giá trị cũng như tiềm năng ứng dụng vô cùng lớn của các loài nấm trong Đông trùng hạ thảo, Công ty cổ phần Ứng dụng Khoa học Kỹ thuật Việt Nam đã đầu tư và giao cho nhóm tác giả trẻ (đứng đầu là Thạc sĩ Vũ Xuân Tạo) nghiên cứu nuôi trồng thử nghiệm loại nấm này tại Việt Nam, nhằm hạ giá thành xuống thấp nhất để người Việt có cơ hội sử dụng.
Sau nhiều năm sưu tập, nghiên cứu các sản phẩm trong và ngoài nước, nhóm tác giả đã chọn lọc và nhân nuôi thành công một số chủng nấm có chất lượng cao, song giá thành vẫn không được thị trường chấp nhận do quy trình nhân nuôi chưa ổn định và giá thể (chủ yếu là ấu trùng sâu) dùng để nhân nuôi các loài nấm quý vẫn phải mua của nước ngoài.
Nhóm tác giả tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ; đồng thời tìm ra một số cơ chất sẵn có trong nước, có thể thay thế sản phẩm của nước ngoài, làm giá thể nuôi nấm, cho kết quả tốt.
Nhân nuôi trên giá thể mới, trong điều kiện ở Việt Nam, chủng nấm Cordyceps militaris không những phát triển tốt, mà còn cho quả thể chứa nhiều hoạt chất quý, tương đương các sản phẩm loại I của nước ngoài.
Hiện nay Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Công nghệ Sinh học đã làm chủ được quy trình công nghệ nuôi trồng nấm Cordyceps militaris cho ra sản phẩm có chất lượng.
Điều quan trọng là giá thành nấm chỉ bằng 1/5 giá sản phẩm của nước ngoài. Công nghệ này đã được chuyển giao cho một số đơn vị và cá nhân trong nước, tạo sinh kế mới cho người dân.
Related news
Do ảnh hưởng của mưa bão, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) có 600 ha sắn bị hư hại
Sau hơn năm tháng triển khai thực hiện thí điểm dự án “nuôi luân canh lúa-cá” tại ấp Bắc, xã Tân Phú, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) bước đầu đã mang lại hiệu quả “kép”, đồng thời mở ra triển vọng giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích, giải quyết lao động nhàn rỗi và tăng thu nhập.
Sau 4 ngày diễn ra (từ ngày 25 đến 28-10), Hội chợ chăn nuôi - thú y - thủy sản thành phố Hà Nội lần thứ nhất đã khép lại và các sản phẩm chăn nuôi - thú y - thủy sản được trưng bày tại hội chợ đã khẳng định được thương hiệu, nhãn hiệu an toàn, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Thủ đô. Thông qua hội chợ đã mở ra cơ hội bao tiêu sản phẩm cho người dân và xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi.
Ngày 29/10, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Cà Mau tổ chức hội thảo mô hình nuôi tôm sú công nghiệp theo hướng VietGap tại hộ ông Lê Chí Linh, ấp Kinh Tư, xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước.
Tối 29/10, tại Trung tâm Thương mại Cửu Long tỉnh Cà Mau, Hội chợ thủy sản - thương mại Mekong 2013 đã chính thức khai mạc. Đây là một trong những hoạt động nằm trong chương trình xúc tiến thương mại quốc gia do UBND tỉnh Cà Mau phối hợp với Bộ Công thương tổ chức. Đến dự có Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công thương Lê Hoàng Oanh và UV BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Dũng.