Việt Nam dự kiến xuất khẩu 5,7 triệu tấn gạo
Sáng 29.6, giá lúa, gạo trong nước tại một số tỉnh ĐBSCL bắt đầu tăng nhẹ. Giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 5.000– 5.200 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.400 – 5.500 đồng/kg.
Tại các tỉnh như Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang… nhiều loại lúa tươi hạt dài đang được nông dân bán cho thương lái ở mức 4.550- 4.900 đồng/kg, lúa tươi IR 50404 có giá khoảng 4.300 - 4.400 đồng/kg. Mức giá này tăng từ 100 – 200 đồng/kg so với thời điểm cách đây 1 tuần.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng cho biết, giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 6.600 – 6.700 đồng/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.300 – 6.400 đồng/kg tùy chất lượng. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 7.500 – 7.600 đồng/kg, gạo 25% tấm có giá khoảng 7.200 – 7.300 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.
Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ NNPTNT, giá gạo xuất khẩu bình quân trong 5 tháng đầu năm nay đạt 449USD/tấn, tăng 3,28% so với cùng kỳ năm 2015.
Theo nhận định của ông Huỳnh Minh Huệ - Tổng Thư ký VFA, nguyên nhân giá lúa, gạo có xu hướng tăng là do tình hình tồn kho của các doanh nghiệp sau vụ đông xuân năm nay không lớn. Tới thời điểm tháng 6, tồn kho trong kho doanh nghiệp chỉ khoảng 1,15 triệu tấn gạo các loại trong khi hợp đồng đã ký khoảng 1,25 triệu tấn, hụt khoảng 100.000 tấn.
Do đó, xu hướng giá lúa gạo trong nước và xuất khẩu sẽ không sụt giảm nhiều. Ông Huệ cho rằng, nếu có nhu cầu nhập khẩu mới thì giá gạo sẽ tăng trở lại. Ngoài ra, hiện tại, chỉ có Việt Nam có lúa mới, thu hoạch vụ hè thu trong khi hầu hết các nước bắt đầu thu hoạch từ tháng 9 – 10. Do đó, lợi thế giá sẽ thuộc về các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Huỳnh Thế Năng – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood II) cũng cho biết, một số thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như Philippines, Indonesia sẽ có nhu cầu nhập khẩu mới vào các tháng cuối năm 2016. Đặc biệt, ông Năng cho rằng, giá mua lúa, cũng như giá gạo xuất khẩu đang có chiều hướng tăng.
Do đó, nếu có hợp đồng xuất khẩu mới, giá sẽ tăng dần và khả năng tăng đột biến. Theo nhận định, trong 6 tháng cuối năm, khả năng Việt Nam còn xuất khẩu được khoảng 3,9 triệu tấn gạo. Dự kiến cả năm 2016, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 5,7 triệu tấn gạo.
Related news
Hội Nông dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đã lên tiếng sau khi Chính phủ công bố nguyên nhân gây ra sự cố ô nhiễm môi trường tại các tỉnh ven biển miền Trung.
Liên tiếp chịu ảnh hưởng bởi tình trạng rét đậm, hạn hán, xâm nhập mặn, cá chết… đã khiến ngành nông nghiệp nước ta rơi vào thế tăng trưởng âm. Đó là nhận định được đưa ra tại Hội nghị sơ kết sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm do Bộ NNPTNT tổ chức hôm qua (29.6).
Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang đe dọa nghiêm trọng đến vùng sản xuất nông nghiệp, sinh kế của người dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Do đó việc liên kết, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện các dự án thích ứng BĐKH… được nhiều đại biểu đưa ra tại Diễn đàn ĐBSCL, do Bộ NNPTNT phối hợp Ngân hàng Thế giới tổ chức tại TP.HCM mới đây.