Vì Sao Trái Cây Đặc Sản Mãi Bấp Bênh?
Sản xuất theo phong trào, chất lượng chưa đồng bộ, chưa xây dựng được thương hiệu, bỏ ngỏ thị trường nội địa… là những hạn chế cố hữu của nông sản nói chung và trái cây nói riêng.
Việc nông dân, doanh nghiệp Bình Thuận đang khốn đốn vì thanh long rớt giá, phải đổ bỏ; còn thanh long đạt chất lượng, tiêu chuẩn để xuất khẩu lại khan hiếm là chuyện không phải cá biệt. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), nếu không cải thiện được khâu sản xuất, không đầu tư mạnh cho xúc tiến thương mại mà chỉ phụ thuộc vào một thị trường thì nhiều loại trái cây chủ lực của Việt Nam cũng sẽ “chết”.
“Thoát chết” nhờ thị trường nội địa
Tổng kết mới đây của Bộ Công thương cho thấy mùa vải thiều năm 2014 thắng lợi ngoạn mục với 60.000 tấn được tiêu thụ tại các tỉnh, thành phía Nam - chiếm hơn 60% sản lượng thu hoạch, tương đương lượng vải xuất khẩu sang Trung Quốc năm 2013 nhưng giá bán lại cao hơn.
Thành quả ngoài mong đợi này có phần do tâm lý người tiêu dùng ủng hộ hàng Việt trong lúc diễn biến tình hình biển Đông phức tạp, vải thiều khó xuất sang Trung Quốc, nhưng quan trọng hơn là sự hỗ trợ xúc tiến thương mại của các cơ quan chức năng. Cụ thể, từ giữa tháng 6, Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT đã phối hợp cùng tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và TP.HCM tổ chức xúc tiến thương mại mặt hàng vải thiều; UBND TP.HCM ký kết hỗ trợ tiêu thụ mặt hàng đặc sản này.
Các hệ thống phân phối cũng nhanh chóng vào cuộc, trực tiếp tổ chức thu mua, đẩy nhanh khâu tiêu thụ. Chỉ riêng hệ thống Co.opmart đã tiêu thụ 400 tấn, Metro tiêu thụ khoảng 200 tấn, Big C cũng tiêu thụ một lượng lớn vải thiều so với cùng kỳ năm 2013.
Cây nho ở Ninh Thuận đã giúp người dân địa phương thoát nghèo, thậm chí làm giàu.
TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho rằng trái vải “thoát chết” là nhờ có sự tham gia xúc tiến thương mại tích cực của các bộ - ngành, UBND các tỉnh, thành. Thành công này nếu được nhân rộng sẽ mang lại sự thay đổi tích cực cho nông dân nói chung và người trồng các loại trái cây xuất khẩu chủ lực Việt Nam nói riêng.
Giảm lệ thuộc vào thị trường dễ tính
Theo ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), sự bấp bênh đầu ra của các loại trái cây đặc sản ngoài nguyên nhân phát triển quá nóng diện tích trồng còn do phụ thuộc quá lớn vào thị trường dễ tính Trung Quốc, dẫn đến việc nông dân dễ dãi trong trồng trọt, không đầu tư, chậm ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Hậu quả là chất lượng kém, an toàn vệ sinh thực phẩm không bảo đảm. Khi Trung Quốc siết lại tiêu chuẩn nhập khẩu, xuất khẩu trái cây Việt Nam lập tức ách tắc. Trong khi đó, với những thị trường khác, nhà nhập khẩu đòi hỏi sản phẩm phải đồng đều, đúng quy chuẩn, đáp ứng yêu cầu chứng nhận về chất lượng thì Việt Nam không đáp ứng được.
“Nhà nông vẫn giữ thói quen trồng gì bán đó, chưa có ý thức xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu mà chủ yếu phụ thuộc vào thương lái nên rất bấp bênh. Còn doanh nghiệp, người trồng chỉ chăm chăm vào xuất khẩu mà bỏ quên thị trường nội địa với 90 triệu dân nên sự rủi ro là rất lớn” - ông Khuất Quang Hưng, đại diện Metro Cash & Carry Việt Nam, nhận định.
Không chỉ trái thanh long và vải thiều, theo Bộ NN-PTNT, hiện xuất khẩu chiếm hơn 10% tổng sản lượng trái cây của cả nước, trong đó xuất sang Trung Quốc chiếm khoảng 80%. Đây là yếu tố tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Mặc dù trái cây Việt Nam đã thâm nhập những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Chile, New Zealand… nhưng khó khăn cũng gia tăng vì cạnh tranh trong lĩnh vực này ngày càng gay gắt.
“Muốn xây dựng được chuỗi giá trị cho trái cây thì phải phát triển mô hình kinh tế tập thể - HTX. Nếu để nông dân làm ăn manh mún, mạnh ai nấy làm thì rất khó xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho trái cây. Bưởi da xanh, bưởi Tân Triều, xoài cát Hòa Lộc… là những ví dụ cụ thể” - TS Võ Mai dẫn chứng.
Related news
Mô hình liên kết sản xuất ngô lai thương phẩm mang lại nhiều hiệu quả kinh tế.
Trước thực trạng hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng) liên tiếp gặp khó khăn trong tiêu thụ những niên vụ gần đây; đặc biệt là giá trị thị trường luôn rớt xuống ở mức rất thấp mỗi khi bước vào vụ thu hoạch rộ, tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp trước thềm niên vụ hành sắp tới.
Tận dụng tiềm năng, lợi thế đất đai, bà con nông dân trong tỉnh Bắc Ninh mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình nuôi trồng cây, con đặc sản, gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa. Qua đó, nhiều gia đình vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.
Trồng cỏ voi, cỏ sả để nuôi bò, nhất là bò lai, cho thu nhập khá. Mấy năm gần đây, trồng cỏ nuôi bò đã trở thành phong trào rộng khắp của bà con nông dân huyện Phù Mỹ (Bình Định).
Thời gian qua, tình trạng bơm nước vào heo hơi trước khi giết mổ làm tăng ký, ăn gian người tiêu dùng diễn ra ngày càng tăng, với nhiều thủ đoạn phức tạp và có hành vi chống đối ngành chức năng. Đây không chỉ là hành vi gian lận thương mại mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khoẻ của người tiêu dùng.