Vì Sao Phải Ứng Dụng Tiêu Chuẩn Sản Xuất An Toàn Thực Phẩm Trên Cây Trái?
Đó là chủ đề chính trong hội thảo khoa học vừa được Sở Khoa học và Công nghệ, UBND huyện Chợ Lách và Ban Quản lý Dự án DBRP phối hợp tổ chức tại Chợ Lách (Bến Tre). Nhiều nhà khoa học đến từ các viện, trường và hàng trăm nông dân trong, ngoài tỉnh đã đến dự.
Hội thảo xoay quanh việc ứng dụng tiêu chuẩn sản xuất an toàn thực phẩm (GlobalGAP, VietGAP) trên một số loại cây trái chủ lực như: chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh… Th.s Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Chợ Lách nêu vấn đề về sự cần thiết sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn GAP trong thời gian tới. Theo ông Liêm, Nam Bộ là vùng trọng điểm cây trái của cả nước, với tổng diện tích 415.800ha, sản lượng 4,3 triệu tấn; trong đó đồng bằng sông Cửu Long chiếm diện tích 288ha. Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, ngoài áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trên rau, quả, lúa, cà phê do Bộ NN&PTNT ban hành còn có GlobalGAP, 4C, UTZ.
Phía Nam có tổng diện tích được chứng nhận GAP khoảng 110 ngàn héc-ta, trong đó có 100 ngàn héc-ta cà phê được chứng nhận UTZ, 4C; 453ha ca cao chứng nhận UTZ, 400ha lúa được chứng nhận GlobalGAP, 7.000ha thanh long Bình Thuận được chứng nhận VietGAP. Riêng đồng bằng sông Cửu Long có 300ha mô hình cây ăn trái khác được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP. Tính đến nay, cây ăn trái nước ta được chứng nhận GAP chưa nhiều, chỉ khoảng 0,14% diện tích chứng nhận.
Thanh long Bình Thuận đã có hơn 7.000ha được chứng nhận VietGAP, trong đó có hơn 500ha được các công ty ở Mỹ sang kiểm tra và hợp đồng thu mua. Bưởi da xanh Bến Tre có khoảng 38ha sản xuất theo VietGAP, sản phẩm được tiêu thụ ở nhiều nơi trong nước và xuất khẩu. Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang) chỉ có 11ha sản xuất theo VietGAP, Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc Mỹ Xương (Đồng Tháp) chỉ có 21ha sản xuất theo VietGAP. Các mô hình sản xuất cây trái được chứng nhận khác như: chôm chôm Java Tiền Giang, Bến Tre, nhãn tiêu da bò Bến Tre.
Theo ông Liêm, các mô hình thành công đều có sự gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ. Một số mô hình chưa đạt được như mong muốn và nhiều nông dân quay lưng lại với GAP, do có sự nhầm lẫn là tiêu chuẩn GAP mang lại giá trị gia tăng thêm cho sản phẩm. Thật ra, tại nhiều nước, nếu không sản xuất theo GAP thì sẽ không bán được sản phẩm. Theo TS. Nguyễn Hồng Thủy - Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Tiền Giang, mục tiêu của GlobalGAP là an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, an toàn cho người lao động, truy vết sản phẩm.
Cho nên, sắp tới, tất cả nhà vườn phải sản xuất theo GAP; nếu không, thì hàng hóa làm ra sẽ không thể tiêu thụ được. Có nhiều giải pháp để áp dụng GAP thành công như: tổ chức tập huấn, hội thảo, đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất (gồm nhà vệ sinh tự hoại, kho phân bón - thuốc bảo vệ thực vật, điểm pha thuốc bảo vệ thực vật), kỹ thuật canh tác (vệ sinh chuồng trại, rác thải, chất thải chăn nuôi, ghi chép và lưu trữ hồ sơ).
Theo TS. Võ Hữu Thoại - Viện Cây ăn quả miền Nam, bưởi da xanh, sầu riêng, măng cụt là đặc sản của Bến Tre. Hiện toàn tỉnh có 4.144ha bưởi da xanh, 1.848ha sầu riêng, trên 2.000ha măng cụt. Tuy nhiên, diện tích sản xuất theo GAP chưa nhiều, cần tiếp tục đầu tư nhân rộng các mô hình hiện có. Do vậy, sản xuất theo GAP là việc chọn lựa hàng đầu đối với nhà vườn. Sự liên kết giữa các vùng sản xuất hiện đang có điều kiện khá tốt để có vùng sản xuất tương đối tập trung. Đồng thời, Bến Tre cũng đang có mạng lưới thu mua khá mạnh.
Theo ông Đàm Văn Hưng - Chủ cơ sở Hương Miền Tây, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bưởi da xanh Bến Tre, từ khi có nhà máy xử lý, đóng gói, bảo quản bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP và bao tiêu sản phẩm cho các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất theo GAP đến nay, thị trường mở rộng nhanh, nhất là cuối năm 2011, đã xuất sang nhiều nước như: Canada, Hồng Kông, Trung Quốc…
Related news
Để chuyển đổi cây trồng hiệu quả kinh tế hơn, một số hộ dân ở khu vực 7, phường Ngã Bảy, thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) đã chọn trồng cây dâu xanh, dâu bòn bon.
"Tình hình dịch cúm gia cầm hiện nay đang rất nguy hiểm bởi nguy cơ xâm nhập virus cúm A/H7N9 từ Trung Quốc vào Việt Nam là rất cao, còn trong nước, dịch cúm gia cầm H5N1 chưa lên đến đỉnh".
Với diện tích 3.000 m2 trồng thanh long ruột đỏ, sau 4 năm chăm sóc, năm 2013 vừa qua ông Triết thu nhập trên 100 triệu đồng. Đây là mô hình tiêu biểu để cựu chiến binh xã Thạnh Phú nhân rộng trong hội viên.
Sau Tết, hàng chục người dân ở xã Phổ Thạnh (Đức Phổ - Quảng Ngãi) nhộn nhịp ra đồng muối để vớt rau câu bán cho thương lái. Nhờ nghề này, nhiều người có khoản thu nhập thêm sau Tết.
Hiện ông Huỳnh Văn Giã đã trồng thành công giống dừa sáp trên đất mặn, 40 gốc dừa sáp đã cho trái. Mỗi trái dừa sáp bán ra thị trường giá từ 60-80 ngàn đồng, đầu ra khá ổn định.