Vì sao giá tiêu sụt giảm bất thường?
Một số tin đồn Việt Nam được mùa hồ tiêu trong niên vụ 2016-2017 được tung ra vào cuối năm 2016 đang khiến nhiều khách hàng nước ngoài “lợi dụng” để gây áp lực, ép giá hồ tiêu.
Giá tiêu sụt giảm bất thường. Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN
Kèm theo đó, ở trong nước, một số người mới trồng tiêu hoang mang với diễn biến thị trường nên xuất hiện tình trạng “bán tháo”. Những điều này đang khiến giá hồ tiêu trong nước sụt giảm sâu một cách bất thường.
Rớt giá vì… tin đồn
Theo dữ liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), giá hồ tiêu trong nước bắt đầu có xu hướng sụt giảm vào năm 2016 khi diện tích trồng hồ tiêu có dấu hiệu tăng trưởng “nóng”. Giữa tháng 3/2016 giá tiêu đen xô xuống chỉ còn 130.000 đồng/kg, sau đó tăng lên 180.000 đồng/kg vào tháng 5.
Tuy nhiên, từ tháng 8 đến cuối năm, giá hồ tiêu luôn xu hướng giảm và có dấu hiệu khó phục hồi được như năm 2015. Đến đầu năm 2017, giá tiêu vẫn còn ở mức 128.000-135.000 đồng/kg và chỉ giảm xuống dưới 100.000 đồng/kg từ tháng 4/2017.
Ghi nhận từ một số đại lý thu mua, doanh nghiệp kinh doanh hồ tiêu cho thấy, giá hồ tiêu trong nước trong ngày 18/5 tiếp tục sụt giảm mạnh, dao động từ 79.000-82.000 đồng/kg, tùy từng khu vực. Nếu so với cùng kỳ năm 2016, giá tiêu hiện đã sụt giảm tới 50%. Đây được xem là mức giảm kỷ lục của ngành hồ tiêu trong vòng 5-6 năm trở lại đây.
Đã từ lâu, người nông dân Việt Nam coi tiêu như một loại “tiền tệ”, họ thường cất trong kho và chỉ bán khi nào cần. Nhiều chuyên gia nước ngoài cũng từng nhận định, giá hồ tiêu Việt Nam khó có thể sụt giảm thấp, do người trồng hồ tiêu đã có vài năm tích luỹ nên có điều kiện tạm trữ hàng khi giá xuống thấp và ít bị ép giá. Điều này cũng lý giải nguyên nhân thời gian qua dù sản lượng tăng nhưng vẫn điều tiết được thị trường với mức giá bán cao.
Tuy nhiên, thời điểm này giá tiêu rớt nhanh một cách “chóng mặt”. Lý giải nguyên nhân này, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VPA cho biết, từ cuối năm 2016, giới kinh doanh hồ tiêu thế giới nhận định niên vụ 2016-2017 Việt Nam được mùa hồ tiêu lớn nhất kèm theo đó là sản lượng tăng cao. Điều này đã tác động đến tâm lý người mua, dẫn đến việc hạn chế mua vào để ép giá.
Còn trong nước, thị trường hồ tiêu Việt Nam mới đây cũng đã xuất hiện một lượng hồ tiêu khá lớn có nguồn gốc từ Campuchia mang về, khiến nguồn cung vốn đã dồi dào lại càng nhiều hơn. Bên cạnh đó, những người mới trồng tiêu khi kết thúc vụ thu hoạch thường đẩy mạnh bán ra để chi trả chi phí đầu tư ban đầu. Những điều này đã tạo ra tâm lý “hoảng hốt” và tranh nhau bán ra dù giá đang giảm thấp.
“Chiếm gần 50% sản lượng hồ tiêu toàn cầu, Việt Nam có nhiều lợi thế để điều tiết thị trường. Vào lúc này, người dân cần bình tĩnh, không nên “bán tháo” thì giá tiêu sẽ tăng trở lại; và cần tranh thủ bán ra khi giá tiêu có dấu hiệu hồi phục trở lại. Đồng thời, trong bối cảnh hiện nay cần dừng lại việc mở rộng diện tích trồng hồ tiêu để tránh nguồn cung dư thừa hơn nữa”, ông Nam nói.
Sản xuất tiêu sạch – lời giải phát triển bền vững
Trong thời gian gần đây, khi diện tích, sản lượng hồ tiêu tăng nhanh, lượng hàng xuất khẩu ngày càng nhiều thì bắt đầu xuất hiện một vài cảnh báo từ các nước nhập khẩu về vấn đề dư lượng hóa chất trong hồ tiêu Việt Nam vượt mức cho phép của nước sở tại. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi giá hồ tiêu trong giai đoạn thoái trào thì vấn đề chất lượng được đặt lên đầu tiên.
Nông dân Tây Nguyên kiểm tra vườn hồ tiêu sắp đến kỳ thu hoạch. Ảnh: T.L
Theo ông Đỗ Hướng Dương, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ Phú Nhuận (Maseco), mặc dù chất lượng hồ tiêu vẫn còn một số tồn tại, nhưng thực tế không đến mức như các phương tiện truyền thông đã đề cập.
Hiện giá thành sản xuất của tiêu Việt thấp hơn so với các nguồn cung khác nên những thông tin liên quan đến “chất lượng kém”, “dư lượng hóa chất” sẽ được các đối thủ khuếch tán để “dìm” tiêu Việt Nam.
Đây là sự cạnh tranh không lành mạnh của các đối tác nước ngoài và điều này không chỉ xảy ra trong ngành hồ tiêu mà đã từng xảy ra ở các sản phẩm nông nghiệp khác, nhất là thủy hải sản.
Điều này được dẫn chứng bởi kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu vào các thị trường vẫn liên tục tăng trưởng qua các năm. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 4 tháng đầu năm 2017, cả nước xuất khẩu được khoảng 75.000 tấn và 456 triệu USD, tăng 9% về khối lượng.
Hiện hồ tiêu Việt Nam đã được xuất khẩu sang trên 105 nước. Các thị trường nhập khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2017 là Hoa Kỳ, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Pakistan, Ấn Độ và Đức với 41% thị phần.
Các thị trường có giá trị xuất khẩu tiêu tăng mạnh là Thái Lan (49,6%), Pakistan (37,9%) và Anh (37,2%)… Số liệu này cho thấy chất lượng hồ tiêu Việt Nam đảm bảo được những yêu cầu về kỹ thuật và an toàn thực phẩm khắt khe nhất của những thị trường khó tính hiện nay.
Giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam hiện đang thấp hơn so nhiều với nguồn cung hồ tiêu khác, sự chênh lệch này có thể lên đến trên 1.000 USD/tấn. Với kinh nghiệm nhiều năm xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường khó tính là EU, ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc Hợp tác xã Lâm San (Đồng Nai) cho rằng, để nâng cao giá trị hồ tiêu Việt Nam thì chỉ có cách sản xuất đáp ứng theo những gì thế giới cần.
“Do đặc thù hồ tiêu thuộc ngành gia vị nên chỉ khi người nông dân sản xuất tiêu sạch theo hướng canh tác hữu cơ hoặc đáp ứng chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (Gap) thì hồ tiêu Việt Nam mới có thể đứng vững và vươn ra thế giới. Khi có thị trường ổn định thì giá cả hồ tiêu Việt Nam sẽ có giá bán tốt hơn so với hiện nay”, ông Luân cho biết.
Trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động như hiện nay, ngoài việc khuyến cáo người dân nên ngưng trồng mới hồ tiêu, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VPA cũng cho rằng, người dân cần thay đổi thói quen canh tác, tập trung chăm sóc vườn tiêu hiện có theo hướng bền vững hạn chế tối đa việc sử dụng các loại thuốc hoá học để phòng trừ sâu bệnh, không để dư lượng trong hạt tiêu. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào canh tác hồ tiêu theo hướng hữu cơ.
“Với yêu cầu của thị trường nhập khẩu hiện nay thì những diện tích, sản lượng hồ tiêu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất vượt mức cho phép sẽ bị các doanh nghiệp trong nước tẩy chay chứ không đợi các đối tác nước ngoài lên tiếng”, ông Nam nhận định./.
Related news
Cải xoăn còn được tưới bằng nguồn nước sạch của hồ Chiến Thắng - hồ cung cấp nước sinh hoạt cho cư dân Đà Lạt nên cho chất rau thơm, giòn, tươi ngon.
Những con heo sữa (lợn sữa) được kiểm tra thú y lâm sàng, khi đạt tiêu chuẩn mới đem đến cơ sở chế biến làm sạch và kiểm dịch lần cuối trước khi đưa đến NTD
Đến thăm mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình chị Lý Thị Chấu, dân tộc Mông, thôn Nặm Đăm xã Quản Bạ huyện Quản Bạ (Hà Giang)