Home / Hải sản / Tôm thẻ chân trắng

Vì sao chữa bệnh tôm kém hiệu quả?

Vì sao chữa bệnh tôm kém hiệu quả?
Publish date: Saturday. May 16th, 2015

Nguyên nhân gián tiếp

So với các vật nuôi trên cạn thì tôm là loài biến nhiệt, thân nhiệt thay đổi theo nhiệt độ môi trường nước. Ao tôm thường ở ngoài trời nên khi thời tiết thay đổi, tôm trở nên yếu, dễ nhiễm bệnh. Mặt khác, tôm là loài động vật bậc thấp, lớn lên qua các lần lột xác, khi vừa lột xác xong vỏ còn mềm, yếu; nếu gặp thời tiết bất thường tôm sẽ càng yếu hơn, cơ thể dễ bị tấn công bởi vi khuẩn và các tác nhân khác.

Thời gian nuôi gặp nắng nóng kéo dài (nhiệt độ nước trên 320C), quá trình trao đổi chất trong tôm xảy ra nhanh, tôm phải hoạt động nhiều, cơ thể tiêu tốn nhiều năng lượng cho các hoạt động sống làm tôm yếu. Nhiệt độ tăng tôm bắt mồi nhiều, tiêu hóa quá tải, men tiêu hóa trong ruột không đủ để tiêu hóa lượng lớn thức ăn nên tôm thải nhiều phân sống làm nước ô nhiễm.

Vi khuẩn gây bệnh hoạt động mạnh gây ra dịch bệnh phân trắng. Khi trời nắng nóng, tôm có xu hướng chui xuống tầng đáy để tránh nóng, làm thiếu ôxy tầng đáy, gây stress cho tôm. Khi trời lạnh (< 250C) tôm sẽ xuống tầng đáy gần nơi quy tụ chất thải (ấm hơn) để tránh rét. Nguy cơ tôm tiếp xúc khí độc sản sinh từ lớp mùn bã hữu cơ dưới đáy rất cao, làm cơ thể tôm yếu, kháng thể kém, thậm chí ngưng ăn. Virus hoạt động mạnh thường gây dịch bệnh đốm trắng.

Tôm chớm bệnh, khó phát hiện

Tôm không có hệ miễn dịch đặc hiệu nên sức đề kháng bệnh kém, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh nên khi tôm yếu rất dễ bị vi khuẩn và virus tấn công. Tôm ít sống ở tầng nước mặt mà thường sống ở tầng giữa và tầng đáy; đồng thời màu nước ao nuôi ngày càng đậm đặc theo thời gian nuôi (tảo phát triển) nên người nuôi rất khó quan sát hoạt động của tôm trong quá trình nuôi. Khi tôm phát bệnh cũng không dễ phát hiện, bởi tôm chớm bệnh, cơ thể yếu thường trốn vào giữa ao (nơi quy tụ chất thải). Lúc người nuôi phát hiện tôm bơi lờ đờ trên mặt nước hay tấp vào bờ, nhá (vó) thì đàn tôm đã bị bệnh nặng, tôm giảm ăn và nhiều con chết

Nhiều tác nhân cơ hội

 Khi tôm bị bệnh, cơ thể yếu, không còn sức đề kháng, các mầm bệnh cơ hội trong nước đồng loạt tấn công khiến tôm càng yếu nhanh. Thực tế, hầu hết tôm bệnh khi kiểm tra đều nhiễm nhiều loại vi khuẩn, kí sinh trùng, virus, nấm và các yếu tố môi trường bất lợi (khí độc, ôxy hòa tan thấp…) nên sẽ khó xác định tác nhân chính gây bệnh và kéo dài thời gian xét nghiệm.

Từ những lý do trên cho thấy việc phát hiện tôm bệnh thường trễ và trị bệnh cho tôm cũng kém hiệu quả. Khi tôm bệnh nặng thường phải thu hoạch khẩn cấp, thiệt hại lớn đến năng suất. Do vậy, phòng bệnh là vấn đề quyết định sự thành bại trong nuôi tôm.

Bệnh lan nhanh, chữa không hiệu quả

Khi tôm bị bệnh, người nuôi sẽ khó loại bỏ tôm bệnh hay tôm chết ra khỏi ao. Do vậy tôm khỏe sẽ phải sống chung với tôm bệnh và tôm chết.

Tôm có đặc tính ăn thịt đồng loại nên xác tôm chết là thức ăn ưa thích của tôm khỏe khiến mầm bệnh lây lan nhanh. Việc sử dụng máy quạt nước có tác dụng cung cấp ôxy và quy tụ chất thải nhưng cũng nhanh chóng phát tán mầm bệnh đi khắp ao.

Tôm bị bệnh thường bỏ ăn, khi trộn thuốc vào thức ăn, thuốc sẽ không vào được cơ thể tôm bệnh. Vậy việc dùng thuốc chỉ phòng bệnh cho tôm vừa chớm bệnh hay khi tôm còn khỏe.

Cách chữa trị

Nếu ao tôm bị bệnh thì việc phát hiện sớm để chữa trị, cơ hội khỏi bệnh sẽ cao, những biện pháp thực hiện cần thiết là:

Giảm 40 - 60% lượng thức ăn hằng ngày, bởi khi tôm bệnh thường giảm ăn. Nếu cứ cho ăn theo cữ bình thường thì lượng thức ăn thừa nhiều, gây lãng phí và gia tăng ô nhiễm nước.

Tiến hành xi phông hết lượng chất thải ra khỏi ao (nếu có thể) để giảm lượng khí độc sinh ra từ đống chất thải đó.

Tăng cường quạt nước nhằm cung cấp nhiều ôxy cho tôm, tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh phân hủy chất thải và giải phóng khí độc.

Tùy từng loại bệnh mà sử dụng thuốc, đúng liều, đúng thời gian: tùy loại thuốc mà sử dụng buổi sáng hay chiều, tùy thời gian thuốc đào thải ra khỏi cơ thể tôm mà sử dụng bao nhiêu lần. Tăng sức đề kháng và phục hồi biến dưỡng cho tôm bằng cách bổ sung Vitamin C, thuốc bổ gan, men vi sinh vào thức ăn để tăng khả năng tiêu hóa của tôm.

Khi tôm bệnh, ngoài việc chữa trị bên trong cơ thể tôm, cần tiêu diệt mầm bệnh ngoài môi trường nước. Có thể khử trùng nước ao bằng các sản phẩm chứa Clo như Chlorine, BKC, liều lượng 7 - 10 ppm (2 lần, mỗi lần cách nhau 3 ngày).

Tags: chua benh tom, nuoi tom, nuoi trong thuy san


Related news

Xử lý ao nuôi khi có dịch bệnh đốm trắng trên tôm nuôi Xử lý ao nuôi khi có dịch bệnh đốm trắng trên tôm nuôi

Bệnh đốm trắng trên tôm bùng phát. Khi ao nuôi xuất hiện dịch bệnh này, người nuôi cần có phương án xử lý thích hợp để tiêu diệt mầm bệnh, tránh để bệnh lây lan

Monday. June 18th, 2018
Phương pháp gây màu nước trong ao nuôi tôm theo VietGAP (Phần 1) Phương pháp gây màu nước trong ao nuôi tôm theo VietGAP (Phần 1)

Sau khi chuẩn bị ao, hồ xong tiến hành gây màu nước, mục đích nhằm phát triển vi sinh vật phù du, Một số phương pháp gây màu đạt hiệu quả cao như sau:

Wednesday. June 20th, 2018
Phương pháp gây màu nước trong ao nuôi tôm theo VietGAP (Phần 2) Phương pháp gây màu nước trong ao nuôi tôm theo VietGAP (Phần 2)

Nguyên tắc sử dụng chế phẩm vi sinh và cách phòng trị bệnh trên tôm bằng chế phẩm vi sinh

Wednesday. June 20th, 2018
Đánh giá việc bổ sung Bacillus probiotic đối với tôm thẻ chân trắng Đánh giá việc bổ sung Bacillus probiotic đối với tôm thẻ chân trắng

Bacillus probiotics là các vi khuẩn hình thành bào tử, các vi khuẩn này ổn định nhiệt và có thể sống qua môi trường dạ dày có tính axit và đưa chúng vào ruột

Thursday. June 21st, 2018
Chế độ cho ăn hỗn hợp mang lại lợi ích cho tôm Thái Bình Dương Chế độ cho ăn hỗn hợp mang lại lợi ích cho tôm Thái Bình Dương

Thức ăn nuôi trồng thủy sản là chi phí quan trọng nhất trong hoạt động nuôi cá và nuôi tôm, đặc biệt khi xem xét - ngay cả khi quản lý thích hợp việc cho ăn

Friday. June 22nd, 2018