Vì sao bò ở Mộc Châu cho nhiều sữa?
Cứ tới ngày 15/10, ở Mộc Châu lại có cuộc thi “Hoa hậu bò sữa”. Năm nào tôi cũng bố trí lịch để lên dự với lễ hội này. Càng ngày, lễ hội càng vui! Dân tứ xứ đổ về.
Bò sữa ở Mộc Châu
Khách du lịch từ mọi miền kéo tới, tây có, ta có. Đồng bào các dân tộc ở quanh vùng kéo xuống đông nghịt. Đủ các sắc màu…
Thật thú vị vì vùng đất này đổi thay từng ngày. Dân giàu lên trông thấy. Họ thực sự hạnh phúc. Những gia đình thu tới bạc tỷ trong năm không còn hiếm nữa. Cuộc sống của người chăn bò ở đây đã khác xa ngày xưa. Họ được tận hưởng kết quả lao động của mình một cách xứng đáng nhất. Khó có nghề nào trong nông nghiệp mà người sản xuất được hưởng thành quả của mình cao như nuôi bò sữa ở Mộc Châu.
Khi sinh thời, ngay trong thời điểm mà nghề nuôi bò sữa còn nhiều hạn chế, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã nói với chúng tôi: “Phải khắc phục mọi thiếu sót để vực ngành nuôi bò sữa vươn lên. Nuôi bò sữa sẽ là ngành mang lại lợi nhuận cao nhất cho nông dân…”. Lời tiên tri của ông nay đã thành hiện thực.
Bình quân mỗi hộ nuôi bò sữa ở Mộc Châu có thu nhập hàng tháng từ 40 – 45 triệu đồng. Nhiều gia đình còn có mức thu cao gấp 2, gấp 3 lần. Đột xuất có những nhà mỗi tháng thu tới 100 – 200 triệu đồng! Tôi vẫn nghĩ rằng, đó là cái mốc tuyệt vời mà bà con nông dân chúng ta hằng ao ước.
Mỗi vùng đều có những thế mạnh riêng. Chúng ta cần phát huy các thế mạnh đó để giúp cho bà con vươn lên làm giàu. Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã kêu gọi từng địa phương phải triệt để tận dụng những lợi thế của mình để tổ chức sản xuất và tạo ra được các sản phẩm có giá trị cao. Khẩu hiệu “Mỗi miền một sản phẩm” được bà con ở khắp nơi hưởng ứng. Trăm hoa đua nở. Tiềm năng sinh học ở từng địa phương được khơi dậy. Đã đến lúc, chúng ta cần xem xét và chọn lọc cho từng vùng những hoạt động sản xuất đạt hiệu quả cao nhất để bà con chúng ta hướng tới.
Nuôi bò sữa đang trở thành một nghề thịnh hành. Rất nhiều vùng đã tổ chức nuôi bò sữa. Suốt từ Bắc vào Nam, có rất nhiều nơi đã đưa con bò sữa thành đối tượng chăn nuôi chính. Hiệu quả tuy có khác nhau nhưng nhìn chung, bà con đều phấn khởi. Nhờ nuôi bò sữa mà cuộc sống của họ được nâng cao. Tuy nhiên, để bò sữa có thể cho ta năng suất cao nhất, chúng ta cần nắm vững các yêu cầu của nó.
Trại nuôi tập trung
Trước hết là giống. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, chúng ta nghe nói về con bò giống Castrôm cho 50 lít sữa mỗi ngày là đã hết sức ngưỡng mộ. Nhưng nay ở Mộc Châu, tại các hội thi “Hoa hậu bò sữa”, người ta đã chọn ra được những con bò cho tới 60kg sữa mỗi ngày. Chúng đoạt danh hiệu hoa hậu trước sự thán phục của hàng trăm người tới dự lễ hội. Thế nhưng gần đây, con nhận giải hoa hậu đã cho một lượng sữa tới 75,6kg/ngày.
Bạn hãy tưởng tượng xem, con bò đó sáng cho ta 25kg sữa; trưa cho ta 25kg sữa và tối tiếp tục cho ta 25,6kg sữa nữa! Với lượng sữa lớn như vậy thì người nuôi làm sao không giàu được. Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu hết sức quan tâm tới việc cung cấp giống tốt cho các hộ chăn nuôi. Từ đàn bò gốc do các bạn Cu-ba hỗ trợ 60 năm trước đây, công ty đã chọn lọc tinh đực giống có các tính trạng vượt trội về năng suất và chất lượng sữa cũng như du nhập nhiều giống bò tốt từ các nước: Mỹ, Canađa, Ixrael, Nhật Bản, Australia… vào Mộc Châu. Giống là yếu tố hết sức quan trọng. 100% số bò sữa ở đây được theo dõi kỹ càng về nguồn gốc, về năng suất và chất lượng sữa. Bò ở đây luôn luôn được chọn lọc để có được những dòng bò có ngoại hình đẹp và khả năng cho sữa nhiều thông qua hệ phả và ghép đôi giao phối.
Vấn đề thứ hai là thức ăn. Thức ăn cho bò sữa hết sức quan trọng. Ngoài việc tổ chức trồng các loại cỏ cho năng suất và chất lượng tốt (như cỏ VA06, cỏ Mombasam, cỏ paspalum, cây yến mạch…), công ty còn chỉ đạo các hộ tích cực trồng ngô lai (có năng suất trên 60 tấn/ha) để ủ chua cho bò. Ngoài ra, công ty còn chủ động hợp tác với các địa phương để mỗi năm họ cung cấp cho công ty 200.000 tấn cây ngô và 15.000 tấn hạt ngô. Số ngô nay được cấp lại cho các cơ sở nuôi bò sữa.
Công ty cũng đã xây dựng được nhà máy TMR với công suất 150 tấn/ngày để sản xuất thức ăn tổng hợp dùng cho bò sữa. Đây là loại thức ăn tổng hợp tiên tiến nhất trên thế giới. Ngoài ra, công ty còn có một nhà máy chế biến thức ăn hỗn hợp công suất 8 tấn/giờ sản xuất ra 35.000 tấn/năm để cung ứng đủ thức ăn cho bò và kiểm soát được chất lượng.
Vấn đề thứ ba là việc tích cực và chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi bò sữa. Điển hình là việc công ty sử dụng tinh phân định giới tính với tỷ lệ phôi chửa đạt 56-57% và tỷ lệ bê cái được sinh ra tới trên 87%.
Công ty còn áp dụng các phần mềm để quản lý đàn bò, quản lý về dinh dưỡng, về sinh trưởng, phát triển và vấn đề vệ sinh phòng bệnh, về thức ăn v.v.
Nuôi bò sữa nông hộ ở Mộc Châu
Công ty đã chủ động nhập giống cỏ Alfalfa về để cấp cho các hộ nuôi. Loại cỏ nay hỗ trợ đắc lực cho việc tạo sữa của đàn bò.
Công ty cũng xây một số trại nuôi tập trung với số bò từ 500-1.000 con/trại theo công nghệ tiên tiến nhất của thế giới để chủ động cung cấp giống cho các trại và đi đầu trong việc áp dụng các kỹ thuật tiên tiến mới.
Vấn đề thứ tư là công tác quản lý. Làm tốt công tác quản lý thì quan hệ giữa công ty với các hộ sản xuất sẽ gắn bó chặt chẽ với nhau. Vì vậy, trong tất cả các khâu từ tổ chức sản xuất đến công tác khuyến nông, kiểm tra giám sát đã được thực hiện rất chặt chẽ. Công ty chủ động gây quỹ bảo hiểm cho đàn bò, bảo hiểm giá sữa và đảm bảo trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng thu mua hết sữa cho bà con. (Trong lúc ở một số công ty khác, khi gặp khó khăn là công ty ngừng thu mua sữa. Dân phải đổ sữa ra đường…). Ngoài ra công ty còn cho các hộ vay vốn để đầu tư thêm con giống, mở rộng trang trại, mua thêm dụng cụ, máy móc và dự trữ thức ăn cho bò. Nhiều gia đình còn đầu tư để nâng cấp hạ tầng như điện, nước, đường giao thông vào tận cơ sở và nhiều nhà đã mua cả ô tô để tiện cho việc vận chuyển phục vụ chăn nuôi. Những thay đổi này diễn ra từng ngày ở Mộc Châu. Đàn bò ở đây đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP ngay từ 2013.
Điều cuối cùng, mà không phải ở đâu muốn mà cũng có được, đó là thời tiết. Trời ban cho Mộc Châu một tiểu vùng khí hậu tuyệt vời. Nó rất thích hợp với đàn bò sữa hiện nay. Cây cối trên này cũng mọc rất tốt. Cỏ cao tới 2-3m. Ngô lên cũng không kém. Cây gì ở đây cũng xanh mơn mởn.
Có giống tốt, khí hậu tốt, thức ăn tốt và kỹ thuật chăn nuôi tốt thì làm sao đàn bò ở đây không cho sữa nhiều và sữa tốt. Việc gì phải đi mua sữa bột về pha trộn như một số công ty đã làm. Tôi luôn đánh giá sữa Mộc Châu là sữa an toàn và ngon nhất. Hàng ngày tôi chỉ dùng duy nhất có sữa Mộc Châu.
Thức ăn tổng hợp cho bò sữa
Tôi vẫn nhớ câu nói của Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty Trần Công Chiến. Anh tâm sự: “Công ty muốn lớn mạnh thì bà con chăn nuôi với công ty phải luôn làm ăn tốt. Vì vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, quyền lợi của bà con phải được đặt lên trên hết. Do đó, mọi vấn đề cần hỗ trợ để bà con chăn nuôi tốt chúng tôi đều đảm nhận cả. Vì vậy, giữa công ty và bà con đã có quan hệ như người nhà. Chúng tôi luôn cùng nhau đi lên…”. Có lẽ, đó là chân lý để thành công.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, phải chăng đây là một mẫu mực để mọi nơi học tập. Cứ nhìn bộ mặt và cơ ngơi của những người chăn nuôi bò sữa ở đây thì chúng ta đã đủ để đánh giá việc làm ăn của họ. Tôi nghĩ, đó là mô hình của chủ nghĩa xã hội hiện đại.
Ai muốn biết rõ hơn, xin tới 15/10 hãy lên thăm Mộc Châu và dự luôn lễ hội thi “hoa hậu bò sữa” ở đây. Người Mộc Châu hiếu khách lắm, xin đừng ngại ngùng…
Related news
Sau hàng chục năm trồng rau, hoa, vợ chồng ông Vương Đình Phước (45 tuổi) và Phạm Nữ Ngọc Trâm (39 tuổi) chuyển sang canh tác dâu tây công nghệ cao
Trái mít chín khi xẻ ra màu vàng ươm, mùi vị rất thơm. Đặc biệt, mít hầu như không có xơ, múi to nhất có thể đến 200 gr và hạt rất nhỏ.
Nắm được nhu cầu sử dụng nấm của người dân rất cao, chị Trần Thị Bích Phượng (Gia Lai) đã bắt tay xây dựng trang trại nấm và thu lợi hàng trăm triệu đồng