Về xứ U Minh xem mô hình trên rừng, dưới sò, mò tiền tỷ
Cần cù, chịu khó, nhiều hộ dân kiên trì với nghề nuôi sò huyết dưới tán rừng phòng hộ, trên bãi bồi ven biển và họ đã trở thành tỷ phú nức tiếng đất U Minh.
Ông Trần Văn Dũng (trái) kiểm tra tốc độ sinh trưởng của sò huyết tại vuông nuôi của gia đình trong rừng phòng hộ. Ảnh: Ngọc Quyên.
Trên rừng, dưới sò
Những ngày này, những vạt rừng phòng hộ ven biển An Biên - An Minh dài mút tầm mắt, xa xa xuất hiện những chòi canh của các hộ nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng.
Trong rừng phòng hộ thuộc địa bàn ấp Xẻo Lá, xã Tân Thạnh huyện An Minh (Kiên Giang), ông Trần Văn Dũng đang kiểm tra sò huyết dưới vuông, phấn khởi nói: “Năm rồi thả sò giống nuôi gặp thời tiết thuận lợi, ít hao hụt. Vụ đó sò lớn nhanh, vỏ mỏng, có màu sáng, khỏe mạnh nên Tết Nguyên đán rồi tôi thu hoạch trúng lớn…”.
Cưới vợ, ra riêng, vợ chồng ông Dũng được cha mẹ cho 5 công đất trồng lúa. Hàng năm, dành dụm vốn, ông Dũng mua thêm đất ruộng. Năm 2010, ông Dũng nhận thêm một số diện tích đất rừng, bắt đầu nuôi sò huyết và kinh tế khá dần lên, rồi từ đó thành danh “Dũng sò huyết”. Hiện ông Dũng có 9ha nuôi sò huyết.
Kiểm tra sò huyết tại vuông nuôi của gia đình ông Trần Văn Dũng, ấp Xẻo Lá, xã Tân Thạnh, huyện An Minh (Kiên Giang). Ảnh: Ngọc Quyên.
“Khoảng tháng 5 âm lịch thả sò giống nuôi, đến tháng 10 âm lịch sò được 200 con/kg coi như vụ nuôi an toàn. Bởi độ tuổi này sò đủ sức chống chọi với những biến động của môi trường. Sò giống nuôi sau 1 năm là thu hoạch. Trong quá trình nuôi không cần cho ăn, vì sò chỉ ăn bã thực vật, thủy sinh. Tuy nhiên, môi trường nước nuôi sò huyết phải giữ không bị ô nhiễm” - ông Dũng chia sẻ.
Cũng theo ông Dũng, trong nuôi sò, chi phí con giống chiếm khoảng 30%. Vì vậy, nếu sò giống không đảm bảo chất lượng, hàng trăm triệu đồng vốn đầu tư coi như mất. Để chắc ăn, ông mua sò giống ở vùng biển An Minh (Kiên Giang) hoặc ra Cà Mau lấy về ương trước khi thả nuôi và cung cấp sò giống cho bà con địa phương.
Nhờ cần cù, chịu khó, nên hầu như vụ nào ông Dũng cũng bỏ túi hơn 1 tỷ đồng từ tiền bán sò huyết thương phẩm và sò giống. Theo ông Dũng, sò huyết dễ nuôi, rủi ro thấp, đầu ra ổn định, có thể giúp bà con nông dân làm giàu sau vài vụ nuôi sò thành công.
Tý phú bãi bồi ven biển
Về ấp Sáu Biển, xã Nam Thái (huyện An Biên) rất dễ nhận ra nhà của cha con ông Đặng Văn Mười. Nhà ông có 3 căn nhà mái ngói đỏ tươi cất theo kiểu biệt thự nằm liền kề, mỗi căn trị giá 700 triệu đồng từ tiền nuôi sò
Ông Đặng Văn Mười, ấp Sáu Biển, xã Nam Thái, huyện An Biên (Kiên Giang) thành tỷ phú nhờ mô hình nuôi sò huyết. Ảnh: Ngọc Quyên.
Từng là Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1, Trung đội 1 bộ đội địa phương huyện Châu Thành, sau ngày giải phóng, ông Mười trở lại quê nhà ở ấp Sáu Biển với quyết tâm làm giàu.
“Ban đầu trong ấp có khoảng chục hộ nuôi sò, vợ chồng tôi cũng học nghề nuôi thử. Bước đầu thành công, cứ vậy nuôi tới tới hoài nhưng có năm nước ô nhiễm sò chết hết, có năm huề vốn, có năm lời từ 2 - 3 tỷ đồng. Những năm sau, tôi càng có kinh nghiệm hơn, năm 2012, tôi trúng đậm, thả sò giống 400 triệu đồng, cuối năm thu về hơn 2,6 tỷ đồng” - ông Mười kể.
Vụ nuôi sò năm 2015, ông Mười lại trúng đậm, sò nuôi đạt năng suất 3,5 tấn/ha, trừ chi phí, lãi hơn 2 tỷ đồng. Ông Mười chia sẻ: “Nuôi sò trên bãi bồi ven biển không tốn tiền mua thức ăn. Kỹ thuật nuôi sò huyết cũng dễ, tỷ lệ sò giống sống đạt tới 99%. Để sò ít hao hụt phải chọn bãi nuôi tốt, cách bờ từ 0,5 - 1km. Do sò có thể di chuyển nên khi nuôi phải giăng lưới thật sâu, từ mặt bãi bồi lên trên khoảng 50cm.
Nghề nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng hay vùng bãi bồi ven biển nâng cao đời sống người dân và nhiều hộ nuôi sò đã trở thành tỷ phú, đánh thức tiềm năng của vùng đất ven biển An Biên - An Minh.
Những con đường xuyên qua rừng U Minh hướng ra biển-nơi càng ngày càng có nhiều nông dân làm giàu bằng các mô hình nuôi trồng thủy sản hiệu quả.
>>Tại địa phương phong trào nuôi sò huyết dưới tán rừng phát triển mạnh những năm gần đây. Tận dụng lợi thế thiên nhiên ưu đãi, hình thức nuôi sò huyết dưới tán rừng tốn ít chi phí nên hiệu quả kinh tế khá cao. Thời gian qua đa số nông dân nuôi theo kinh nghiệm, thời gian tới địa phương sẽ mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật nuôi, đồng thời sẽ ra mắt Hợp tác xã nuôi sò huyết để đảm bảo có nguồn nguyên liệu lớn, dễ tiêu thụ hơn - anh Dương Thanh Nha - cán bộ nông lâm ngư nghiệp xã Tân Thạnh, huyện An Minh thông tin.
Related news
An toàn vệ sinh thực phẩm cũng không chỉ có lợi cho xuất khẩu mà còn có lợi cho chính những người nông dân trên ruộng đồng.
Không chỉ được mùa khai thác, các sản phẩm cũng được giá nên niềm vui của ngư dân như được nhân đôi.
Những năm qua, ngành nuôi tôm nước ta đã phát triển phương thức nuôi tôm thâm canh nên tăng được sản lượng, mở ra khả năng tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu