Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Về Vùng Hồi No Ấm Nà Nôm

Về Vùng Hồi No Ấm Nà Nôm
Publish date: Saturday. February 14th, 2015

Sau hơn 2 năm mới có dịp quay lại thôn Nà Nôm, xã Đường Âm, huyện Bắc Mê, một địa danh được nhiều người trong và ngoài huyện biết đến, nhờ việc những người dân nơi đây tiên phong đưa cây hồi - một loại cây lưỡng dụng vừa là cây rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, vừa là cây dược liệu giúp người dân có thu nhập ổn định hàng năm từ hai loại sản phẩm Hoa thực tế là quả hồi và Tinh dầu vào trồng thành công tại vùng đất này.

Thấy những quả đồi trước kia bị bỏ hoang trong thôn giờ phần đa đã chuyển mình biến thành những lô, những khoảnh rừng hồi năm 1 năm 2 đầy sức sống, cây nào cũng nhiều nhánh, nhánh nào cũng mập mạp, lá cây hồi nào cũng xanh mướt và dầy dặn… là cơ sở tiềm năng cho những vụ thu hoạch nguyên liệu lá và cành để chưng cất tinh dầu bội thu.

Đây cũng chính là một trong những mục tiêu mà cấp ủy đảng, chính quyền huyện Bắc Mê nói chung, xã Đường Âm nói riêng định hướng cho bà con nhân dân thôn Nà Nôm phấn đấu đạt được, vì chỉ sau 4 năm được trồng tại vùng đất này cây hồi đã cho người dân Nà Nôm thu nhập khoảng 30 triệu đồng/ha/năm từ sản phẩm tinh dầu hồi. Chỉ với gần 146 ha rừng hồi được trồng từ năm 2009 trở lại, hương hồi giờ đã tỏa ngát toàn thôn và khi rừng hồi phát triển qua giai đoạn xây dựng cơ bản, đã khép tán thì đó cũng là lúc sự no ấm sẽ tràn về với bà con trong thôn.

Trực tiếp dẫn chúng tôi tham quan khoảnh rừng hồi đầu tiên của thôn Nà Nôm, được trồng vào năm 2009 và đã cho thu hoạch 2 tạ tinh dầu hồi, bán được trên 60 triệu đồng anh Phùng Văn Hỏn thủ thỉ khoe: Chả biết vì lý do gì mà khí hậu và chất đất ở đây lại hợp với cây hồi hơn những xã khác, vùng khác;

Không những thế. cây hồi được trồng ở thôn Nà Nôm vừa phát triển nhanh mà chất lượng tinh dầu được chưng cất từ những cây hồi vùng này luôn cao hơn tinh dầu của các vùng khác trong nước. Những người về nhà mình mua tinh dầu dùng máy đo, cũng như các anh lãnh đạo huyện lấy mẫu tinh dầu gửi về trung ương đo, đều cho chung một kết quả là chất lượng tinh dầu thôn mình thường cao hơn các vùng khác khoảng 0,5 độ.

Chính vì thế mỗi khi thôn mình chưng cất tinh dầu là đã có ối người về chờ sẵn để mua, không lo làm ra tinh dầu mà không bán được giá.Phấn khởi trước những kết quả đã đạt được của bà con nhân dân trong thôn, đồng chí Đặng Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê cho biết: Trong năm 2014, nhận thấy hiệu ích của việc đầu tư trồng hồi tại Nà Nôm, xã Đường Âm, nên cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Mê đã chủ động xây dựng dự án và trực tiếp đầu tư hỗ trợ người dân trong thôn số tiền trên 200 triệu đồng. Nhờ số tiền hỗ trợ này, huyện đã kịp thời khuyến khích và giúp 25 hộ dân có thêm điều kiện mua hạt giống, mua phân bón để gieo ươm cây giống và trồng mới được 101 ha rừng hồi.

Đội ngũ cán bộ kỹ thuật của huyện và của xã cũng sát cánh cùng bà con từ khâu gieo ươm đến khâu trồng rừng, vì thế chất lượng cây giống và nhất là chất lượng các lô, các khoảnh rừng hồi mới trồng tốt hơn hẳn so với các lô khoảnh rừng hồi đã trồng trước đây.

Thấy mọi người có vẻ chưa hiểu Phó Chủ tịch UBND huyện giải thích. Về mật độ cây trồng, những khoảnh rừng hồi của hộ các anh Phùng Văn Hỏn (người đưa cây hồi về trồng đầu tiên tại thôn), cũng như của gia đình các anh Triệu Văn Thành, Hoàng Văn Tủng đều là người dân tộc Nùng trong thôn, trồng cách đây 2 đến 3 năm chỉ trồng khoảng 3.000 cây/ha.

Giờ hầu hết mật độ cây trồng trong số diện tích rừng hồi của bà con trồng sau luôn trồng ở mật độ khoảng 5.000 cây/ha, vì trồng ở mật độ này thì chỉ sau 3 đến 4 năm rừng hồi đã khép tán và cho thu hoạch so với trước kia phải mất 5 đến 6  năm rừng hồi mới khép tán, khi cây hồi phát triển thì bà con sẽ chặt tỉa dần để đảm bảo mật độ 3.000 cây/ha.

Với cách trồng rừng thâm canh kiểu này, bà con trong thôn sẽ tiết kiệm khá nhiều diện tích đất trống khi rừng hồi còn trong giai đoạn xây dựng cơ bản, hiệu quả thu hoạch lá cành để chưng cất tinh dầu hồi vào giai đoạn ban đầu cũng sẽ cao hơn hẳn so với trước.

Đồng tình với những thông tin của anh Hỏn cung cấp cho chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê tiếp lời: Huyện Bắc Mê cũng đã quan tâm đến việc trả lời câu hỏi vì sao chất lượng tinh dầu của thôn Nà Nôm cao hơn các vùng khác trong nước. Nhưng hiện giờ vẫn chưa tìm ra kết quả và các cơ quan chuyên ngành của trung ương vẫn đang nghiên cứu theo đơn đặt hàng của huyện.

Từ lợi thế riêng có của thôn Nà Nôm, huyện Bắc Mê đã kịp thời kiến nghị với tỉnh, đưa huyện Bắc Mê vào trong diện quy hoạch vùng phát triển cây dược liệu của tỉnh với quy mô 350 ha giai đoạn 2015 – 2020.

Đồng thời huyện cũng đã chú trọng giúp bà con nhân dân trong thôn tổ chức lại sản xuất bằng cách hỗ trợ bà con thành lập HTX trồng hồi và sản xuất tinh dầu hồi… Huyện Bắc Mê chúng tôi tin chắc rằng với sự hỗ trợ và sự vào cuộc sát sao của huyện và của xã Đường Âm, vị thế của cây hồi trong hoạt động phát triên kinh tế trên địa bàn thôn Nà Nôm sẽ tiếp tục có sự phát triển.

Chủ tịch UBND xã Đường Âm Nguyễn Thanh Tiên làm một phép tính, hiện thôn Nà Nôm có trên 145 ha rừng hồi, chủ yếu là diện tích rừng năm 2. Nhưng chỉ sau hơn 1 năm nữa thôi thì toàn bộ số điện tích hồi của thôn sẽ cho thu hoạch, cứ lấy kết quả thu nhập từ rừng hồi của các hộ đầu tiên của thôn đã đạt được thì bình quân mỗi năm thôn Nà Nôm sẽ có thu nhập khoảng trên 4 tỷ đồng.

Đó mới là thành quả của 25/62 hộ dân của thôn Nà Nôm tiên phong trồng rừng hồi trước, theo chủ trương của huyện, xã sẽ tiếp tục vận động số bà con còn lại trong thôn có điều kiện về đất trống đồi núi trọc mở rộng diện tích rừng hồi. Đến thời điểm này, một số hộ đồng bào dân tộc Dao của thôn Nà Nhùng, nơi cũng có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng gần giống thôn Nà Nôm cũng đã học tập làm theo, như hộ các anh Trương Văn Trọng, Bồn Văn Hành đã trồng mỗi hộ trên 1ha rừng hồi.

Rời rừng hồi, vào thăm căn nhà ấm cúng của anh Phùng Văn Hỏn chúng tôi được anh cho biết thêm: Với 17 ha rừng Hồi mà gia đình anh đã trồng. Trong đó có 4,7 ha rừng hồi giờ đây không chỉ cho thu hoạch lá để chưng cất tinh dầu mà cũng đã có nhiều cây bắt đầu ra hoa kết trái.

Với những cây sai hoa đậu quả nhiều thì anh sẽ không thu hoạch lá mà thu hoạch quả, còn lại phần lớn số cây anh sẽ khai thác theo phương thức thu hoạch lá và cành để chưng cất tinh dầu. Không tính thu nhập từ ngô lúa và chăn nuôi thì chỉ riêng số tiền hàng trăm triệu đồng thu nhập từ rừng hồi cũng đủ để gia đình anh chi phí nuôi các con ăn học.

Được sự giúp đỡ của xã và huyện, mùa xuân này anh Phùng Văn Hỏn đang cùng một số anh em trồng hồi trong thôn, họp bàn và hoàn tất các trình tự thủ tục, với mong muốn làm sao nhanh chóng thành lập và ra mắt được Hợp tác xã của những người trồng hồi trong thôn, tạo cơ sở để diện tích rừng hồi của thôn, của xã phát triển ổn định theo đúng quy hoạch phát triển cây dược liệu mà huyện đã xây dựng.

Rời thôn Nà Nôm đã xa, nhưng trong mỗi thành viên trong đoàn công tác của chúng tôi vẫn cảm thấy dường như hương hồi vẫn phảng phất đâu đó. Sự nồng ấm, dễ chịu của hương hồi như cố níu chân chúng tôi trở về thôn, để chứng kiến những tương lai tươi sáng từ sự hữu ích mà những rừng hồi của thôn Nà Nôm sẽ mang lại cho bà con trong một tương lai gần.


Related news

Giúp Nông Dân Giữ Nghề Truyền Thống Giúp Nông Dân Giữ Nghề Truyền Thống

Nghề làm nhang (hương) tại xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) đã tồn tại từ rất lâu. Nhưng trước đây do người dân chủ yếu sản xuất bằng phương pháp thủ công nên năng suất thấp, cuộc sống người làm nhang cũng vì thế mà không ổn định.

Saturday. February 22nd, 2014
Nông Dân Tỉnh Cà Mau Phấn Khởi Được Mùa Cá Đồng Nông Dân Tỉnh Cà Mau Phấn Khởi Được Mùa Cá Đồng

Ông Lê Thanh Triều, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện U Minh, tỉnh Cà Mau cho biết người dân trong huyện rất phấn khởi vì trúng mùa cá đồng, kèm theo đó là giá cá đồng cũng tăng mạnh.

Wednesday. March 19th, 2014
Hội Thảo Bàn Giải Pháp Nâng Cao Tỷ Lệ Sống Trong Ương Cá Tra Hội Thảo Bàn Giải Pháp Nâng Cao Tỷ Lệ Sống Trong Ương Cá Tra

Vào ngày 15 tháng 3 năm 2011, Chi cục Thủy sản Đồng Tháp đã tổ chức buổi hội thảo “Bàn giải pháp nâng cao tỷ lệ sống trong ương giống cá tra”. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Vụ Nuôi Trồng Thủy Sản, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II, Sở Nông nghiệp và PTNT Đồng Tháp, Chi cục Thủy sản các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và các doanh nghiệp.

Wednesday. March 19th, 2014
Nuôi Con Thành Tài Nhờ Cá Kiểng Nuôi Con Thành Tài Nhờ Cá Kiểng

Thấy nuôi cá kiểng hiệu quả, năm 1987, ông mua 1.500m2 đất ở xã Bình Hưng để nuôi. Năm 1995, do khu đất này quy hoạch thành khu dân cư, ông về xã Phong Phú mua 5.000m2 đất để nuôi cá kiểng.

Saturday. February 22nd, 2014
Cái Giàu Ngay Dưới Chân Mình Cái Giàu Ngay Dưới Chân Mình

Đối với phần đông đồng bào dân tộc, làm đủ ăn đã là khó, thế nhưng với Rơ Lan Byil ở làng H’lú, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê (Gia Lai) thì thoát nghèo là “chuyện nhỏ”. Ông là gương mặt nổi trội ở làng Hlú biết cách làm giàu trên mảnh đất mà ai cũng kêu khó…

Saturday. February 22nd, 2014