Về quê khởi nghiệp trồng nấm
Bằng sức trẻ và lòng nhiệt huyết với nông nghiệp, chị Lương Thị Kim Ngọc - Giám đốc HTX sản xuất Kinh doanh Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Minh Ngọc, thôn Hiệp Sơn, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) đã bước đầu đạt được thành công với mô hình trồng nấm của mình.
Chị Ngọc kiểm tra sự phát triển của nấm
Là sinh viên của Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, chị Ngọc luôn có một niềm đam mê với nông nghiệp. Năm 2011, chị tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân và đã thử sức ở một vài công ty nhưng làm được một thời gian, chị cảm thấy mình không phù hợp với công việc.
Với sức trẻ và sự năng động vốn có, năm 2015 chị quyết định về quê lập nghiệp để được thỏa mãn ước mơ, niềm đam mê và tự chủ công việc của mình. Tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, chị nhận thấy nghề trồng nấm mang lại thu nhập cao, dễ trồng, thích hợp với điều kiện địa phương. Vì vậy bằng nguồn vốn tích lũy và vay mượn từ gia đình, bạn bè chị đã đầu tư nhà xưởng và trồng thử nấm sò.
Những vụ nấm ban đầu, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên nhiều đợt bị hỏng, nấm phát triển chậm, sản lượng thu hoạch thấp. Bên cạnh đó, mặt hàng này còn khá lạ lẫm với người dân trong xã nên chị gặp không ít khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.
Không nản chí, chị quyết tâm theo đuổi và kiên trì với mô hình nấm của mình. Qua mỗi vụ nấm, chị lại tích lũy được thêm nhiều kinh nghiệm, đồng thời tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm. Dần dần năng suất tăng, mỗi năm chị thu hoạch được từ 8 - 10 tấn nấm.
Nấm sò dễ trồng cho năng suất cao nhưng giá bán thấp chỉ 30.000 - 35.000 đồng/kg. Do vậy sang năm 2018, chị chuyển sang trồng nấm rơm.
Chị Ngọc cho biết: “Ở miền Bắc nhu cầu sử dụng nấm rơm nhiều nhưng lại ít người trồng, đầu ra ổn định và cho lợi nhuận cao”.
Với quyết tâm đó, chị Ngọc mạnh dạn vay thêm 300 triệu đồng của Hội Phụ nữ huyện để xây dựng khu nhà xưởng, mua máy móc, thiết bị và thuê lại đất chuyển đổi nông nghiệp của thôn.
Chị xây khu nhà xưởng sơ chế nguyên liệu và nuôi trồng rộng 200m2 được lắp đặt hệ thống tự động, máy tưới phun bán tự động thuận tiện cho việc điều chỉnh độ ẩm, hệ thống ánh sáng nhân tạo bằng bóng đèn tiết kiệm điện, điều khiển nhiệt độ, giàn giá nuôi trồng hiện đại...
Do công tác thu gom rơm khá vất vả và tốn kém nên chị Ngọc đã sử dụng bông để thay thế. Bông khi thu về sẽ được hấp, ủ cho có độ ẩm nhất định, sau đó được khử khuẩn và đưa vào nhà nuôi trồng. Quy trình từ khi bắt đầu trồng đến lúc thu hoạch kéo dài 25 ngày, cho sản lượng trung bình 2 tạ/tấn nguyên liệu.
Xây dựng mô hình trồng nấm theo công nghệ mới này có ưu điểm chi phí thấp, mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Giá bán tại các chợ đầu mối dao động 80.000 - 90.000 đồng/kg, lúc cao điểm có thể lên tới 110.000 đồng/kg, giúp chị Ngọc thu về bình quân 20 triệu đồng/tháng.
Related news
Chồn hương là loại động vật hoang dã nhưng khi được nuôi nhốt trong chuồng sẽ được thuần hóa, chúng trở thành loại con đặc sản và có giá trị kinh tế cao
Gà sao nuôi khoảng 6 tháng thì có thể sinh sản, thời gian sinh sản từ tháng 3 - 9. Ưu điểm của loại gà này nếu nuôi dạng công nghiệp thì gà mái đẻ trứng rất sai
7 năm trước anh Ngô Hồng Thứ (ngụ ấp Vĩnh Hòa, xã Tân Tập, Cần Giuộc, Long An) gặp thợ vừa săn được ổ 11 con vịt trời. Anh đã mua cả ổ về nuôi thử.