Vất vả chống rét cho tôm cá
Bổ sung các loại khoáng chất, nâng mực nước trong ao, vây lưới quanh hồ, che kín mái các bể nuôi trong nhà, tăng cường sử dụng sục khí, phủ bèo tây mặt ao… là những biện pháp đang được người nuôi trồng thủy sản ở huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh) thực hiện để chống rét cho tôm cá.
Đối với những ao nuôi trong nhà, người nuôi tôm ở thị trấn Lộc Hà tăng cường sục khí, sưởi ấm không khí trước khi thổi ra ao nuôi.
Năm nay, ông Trương Lộc (xã Hộ Độ) thả nuôi tôm vụ đông trên diện tích gần 1ha. Dù trời mưa rét, gió mạnh, nhưng 20h đêm, ông Lộc vẫn phải chỉ đạo công nhân chống rét cho tôm. Ao tôm được đánh vôi bột và chất phụ gia Dolomite để hạn chế bớt tác động của axit có trong nước mưa, hạ độ phèn, tăng ổn định pH, tăng nguồn CO2 và cung cấp các nguyên tố đa lượng cần thiết khác cho tôm.
Với kinh nghiệm nuôi trồng nhiều năm, ông Lộc cũng đã chủ động chuẩn bị các điều kiện khác phòng chống rét đậm cho ao nuôi của mình. Trước đó, ông đã cấp thêm 30 cm nước cho ao nuôi và đánh vi sinh đáy được sục ngâm từ rỉ mật với EM gốc. Theo ông Lộc: “Nước sâu sẽ làm chậm quá trình đông lạnh nước trong ao nuôi và đảm bảo độ ấm ở tầng đáy, còn vi sinh sẽ làm sạch môi trường đáy để tôm ẩn khi mưa rét”.
Anh Trần Văn Minh (thị trấn Lộc Hà) cũng đang gấp rút chống rét cho 20 bể nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao trong nhà với tổng diện tích gần 1 ha. Nếu dịp trước, anh phải kéo mái che nhà nuôi lấy ánh nắng mặt trời thì những ngày này, anh lại nhờ người kéo mái kín lại và thắp bóng sưởi để giữ độ ấm trong nhà nuôi.
“Trợ sức cho các ao tôm gần 2 tháng tuổi chống chịu được rét, ngoài bổ sung các loại khoáng chất, tôi còn tăng cường sục khí, vừa đảm bảo lượng ô xi, vừa tăng độ ấm ở khu vực đáy. Ngoài ra, tôi cùng giảm khẩu phần ăn 30 - 35% để bảo vệ môi trường vì những ngày trời lạnh không thay được nước và hạn chế tôm lột trong điều kiện thời tiết xấu” - anh Minh cho hay.
Để bảo vệ tôm trước mưa, rét, các hồ nuôi ở Lộc Hà đánh vôi bột và Dolomite trong các ao nuôi vào ban đêm.
Lộc Hà hiện có khoảng 15ha ao hồ nuôi tôm thẻ chân trắng mới xuống giống vụ đông, với đầy đủ các loại từ 10 ngày đến 3 tháng tuổi. Cùng đó là 150 ha ao hồ nuôi cá nước ngọt và mặn lợ, đang cơ bản nuôi các loại cá như: diêu hồng, rô phi đơn tính, mè, chẽm... Việc phòng chống rét cho tôm cá trong đợt rét kèo dài này đang được tập trung thực hiện, xem là yếu tố then chốt đến kết quả vụ nuôi.
Chị Nguyễn Thị Duyên - cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà cho biết: “Để ứng phó với rét, UBND huyện đã ban hành công điện chỉ đạo bảo vệ cây trồng, vật nuôi, nhất là đối với nuôi trồng thủy sản. Phòng đã triển khai các nội dung được UBND huyện chỉ đạo và bà con nông dân cũng chủ động thực hiện các biện pháp chống rét tổng hợp, phù hợp với từng đối tượng nuôi.
Đặc biệt, nhắc nhở bà con chú ý bảo vệ môi trường, dịch bệnh trong điều kiện thời tiết bất lợi; hướng dẫn điều chỉnh chế độ cho ăn theo hướng tăng cường về chất lượng, giảm về lượng, bổ sung vitamin C, khoáng chất; hướng dẫn khi nhiệt độ xuống dưới 18 độ thì giảm 1/2 - 2/3 lượng thức ăn, khi dưới 14 độ thì ngừng cho ăn và không đánh bắt..."
Related news
Xuất khẩu tôm Việt Nam đang tiếp tục thuận lợi khi mà nhu cầu trên thế giới vẫn đang tăng lên trong khi nhiều nước sản xuất vẫn đang gặp khó khăn vì Covid-19.
Với các lồng nuôi cá truyền thống và cá đặc sản, các dòng sông qua miền quê quan họ đã liên tục “đẻ ra tiền”.
Trước khi vận chuyển cá giống cần làm gì để giảm được lược khí amoniac (NH3) giúp tăng tỷ lệ sống cho cá?