Home / Tin tức / Tin thủy sản

VASEP cảnh báo về lừa đảo trong giao dịch xuất khẩu

VASEP cảnh báo về lừa đảo trong giao dịch xuất khẩu
Author: Ngọc Hùng
Publish date: Monday. January 2nd, 2017

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có thông tin cảnh báo doanh nghiệp cẩn trọng khi giao dịch thương mại vì đã có những doanh nghiệp thủy sản đứng trước nguy cơ mất hàng trăm ngàn đô la Mỹ.

Cụ thể, ngày 22-12 trên trang chủ của VASEP phát đi thông tin, thời gian qua nhiều doanh nghiệp thủy sản làm ăn với Công ty Echopack (tên người đại diện: Jason Brown), Canada đã và đang đứng trước nguy cơ bị mất hàng, giá trị có thể lên đến hàng ngàn đô la Mỹ.

Theo VASEP, theo thông lệ buôn bán quốc tế, các bên mua và bán thường mở L/C ở một ngân hàng được hai bên thống nhất từ trước; sau đó, doanh nghiệp thủy sản xuất hàng sang, bên mua sẽ đến ngân hàng để đóng tiền trước khi được ngân hàng cấp giấy thông quan để lấy hàng.

Theo Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm 2016, giá trị xuất khẩu thủy sản sang Canada đạt hơn 152 triệu đô la Mỹ, xếp vị trí thứ 3 về giá trị xuất khẩu trong số mấy chục mặt hàng đang được Việt Nam xuất sang quốc gia này

 

Tuy nhiên, trong trường hợp này, người mua là Echopack và ngân hàng- nơi mở L/C đã cấu kết lấy hàng và không thanh toán tiền hàng.

Vì thế, phía VASEP cảnh báo các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần cẩn trọng trong các giao dịch. Tuy nhiên, tình huống lừa đảo để chiếm đoạt lô hàng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam không chỉ có trường hợp, bên mua cấu kết với một vài nhân viên của ngân hàng như trường hợp nói trên mà còn có cả trường hợp bên mua cấu kết với nhân viên giao nhận của công ty vận tải để làm giả L/C để lấy hàng.

Một trong những ví dụ điển hình là Công ty cổ phần Hưng Lâm, An Giang có mối làm ăn với Công ty Yuletech, Ghana với hợp đồng 80 container gạo bằng phương thức mở L/C. Bên vận chuyển là Công ty Hanjin Shipping Co., Ltd (Hàn Quốc). Khi lô hàng cập cảng Ghana, một nhân viên của Hanjin ở Ghana cùng với bên mua là Công ty Yuletech làm giả giấy tờ để chiếm đoạt 80 container gạo. Tuy nhiên, khi mới lấy được 11 container thì bị hải quan Ghana phát hiện và báo cho Hưng Lâm. Theo Hưng Lâm chỉ cần chậm vài ngày là công ty mất toàn bộ lô hàng.

Trong tình huống này, để bảo vệ mình, Hưng Lâm đã làm đơn kiện Hanjin Shipping lên Tòa án Kinh tế TPHCM. Vụ việc đang trong quá trình được điều tra làm rõ, thì Hanjin Shipping tuyên bố phá sản khiến vụ việc phải dừng lại.

Vì thế, khi xuất hàng sang Ghana, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần cẩn thận để tránh lặp lại tình huống của Hưng Lâm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, châu Phi là thị trường xuất khẩu lớn của gạo Việt Nam, trong đó có Ghana. Cụ thể, trong 10 tháng của năm 2016, Ghana là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 2 (sau Trung Quốc) của gạo Việt Nam, tương đương 11,5% thị phần với tổng hơn 442.000 tấn, giá trị là hơn 217 triệu đô la Mỹ, tăng gần 39% về khối lượng và hơn 33% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

 

Hai câu chuyện nói trên chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm. Theo nguồn tin của TBKTSG Online, tình trạng bên nhập khẩu cấu kết với ngân hàng hay hãng vận tải để làm giả giấy tờ đã từng xảy ra với một số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản. Tuy nhiên, vì nhiều lý do tế nhị, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu nông sản muốn bảo vệ hình ảnh của mình nên thường không muốn làm to chuyện và những lúc như vậy, họ thường nhờ các hiệp hội ngành hàng giải quyết vướng mắc.


Related news

Những mùa tôm thăng trầm Những mùa tôm thăng trầm

Trở lại đồng Chó Ngáp bây giờ, Vùng đất trũng phèn mặn đầy cỏ năn này với những mái nhà thưa thớt ngày nào giờ là những cánh đồng tôm - lúa bát ngát.

Friday. December 30th, 2016
Tôm Việt bị nghi ngờ về nguồn gốc xuất xứ Tôm Việt bị nghi ngờ về nguồn gốc xuất xứ

Sẽ rất khó khăn trong việc chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của tôm Việt Nam nếu phía châu Âu cử đoàn sang điều tra nghi vấn Việt Nam đã nhập khẩu tôm nguyên liệu

Friday. December 30th, 2016
Mô hình nuôi tôm nhà kính siêu thâm canh Mô hình nuôi tôm nhà kính siêu thâm canh

Tại tỉnh Bạc Liêu, mô hình nuôi tôm trong nhà kính của Tập đoàn Việt Úc không chỉ sản xuất ra sản phẩm tôm sạch mà còn hạn chế nguồn nước thải ra môi trường.

Saturday. December 31st, 2016