Ưu thế của thủy sản đơn tính trong nuôi trồng
Một số loài thủy sản nước ngọt khi được đưa vào nuôi thương phẩm thường kém hiệu quả do tỷ lệ đực hoặc cái vượt trội, đa số thường nghiêng về giới tính không có lợi cho người nuôi. Có thể lấy một số loài thủy sản sau làm ví dụ:
- Cá rô phi thuộc loài Oreochromis, có số lần sinh sản trong năm tới 12-13 lần, vì vậy, nếu trong đàn cá nuôi có số lượng con cái quá nhiều thì sản lượng thu hoạch sẽ thấp do các con cái phải tích lũy chất dinh dưỡng để phát triển buồng trứng nhằm đáp ứng nhiều lần sinh sản trong năm, do đó tốc độ tăng trưởng giảm làm cho sản lượng thấp.
- Tương tự, ở loài tôm càng xanh Macrobranchium rosenborgii do con cái thường phải ôm trứng nhiều lần trong chu kỳ sống, ngay cả khi trọng lượng cơ thể còn nhỏ con cái đã tham gia sinh sản, và phải sử dụng nhiều chất dinh dưỡng nuôi buồng trứng; nhưng do điều kiện môi trường không phù hợp (tôm Càng xanh đẻ trứng và trứng phải nở trong môi trường nước mặn) nên trứng dần thoái hóa và thải ra môi trường bên ngoài mang theo nhiều dinh dưỡng.
- Ngược lại ở cá rô đồng thuộc loài Anabas, con cái thường có tốc độ tăng trưởng vượt trội so với con đực vì sinh sản ít lần trong năm, tích lũy nhiều mỡ và khối lượng buồng trứng rất lớn, chứa nhiều dinh dưỡng làm trọng lượng con cái lớn hơn con đực rất nhiều.
Như vậy, có thể thấy việc đưa vào nuôi trồng các loài thủy sản đơn tính sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với thả nuôi đại trà cả đực và cái.Chính vì vậy, các phương pháp khoa học lẫn thủ công đã được ứng dụng trong việc tạo ra đàn giống đơn tính để đưa vào sản xuất ở TP HCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; điển hình là:
1/ Tôm càng xanh:
Được chuyển giao kỹ thuật từ Israel, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II đã sản xuất được con tôm cái giả bằng phương pháp vi phẫu: cắt tuyến sinh dục đực của 01 con tôm đực trưởng thành; sau đó cho giao phối với một con tôm đực khác có ngoại hình tốt và tốc độ tăng trọng nhanh để sản xuất ra 01 đàn giống tôm càng xanh toàn đực. Hiện nay, hàng năm Viện NCNTTS II cung cấp khoảng 5.000-7.000 con tôm cái giả cho Trại sản xuất giống thủy sản của huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp để sản xuất tôm Càng xanh giống toàn đực.
2/ Cá rô phi đơn tính:
Sử dụng sự can thiệp của hormon kích thích phát triển tuyến sinh dục đực của đàn cá bột khi mới sinh ra, bằng cách pha trộn với thức ăn cho cá bột ăn trong quá trình ương lên cá hương. Sau một thời gian nhất định, đàn cá sẽ thoái hóa tuyến sinh dục cái, chỉ phát triển tuyến sinh dục đực và cho ra đàn cá giống toàn đực.
Đây là quy trình sản xuất giống đại trà cá Rô phi đơn tính của Trại sản xuất cá giống của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn ở phường Phú Hữu, quận 9; hàng năm có thể cung ứng trên 20 triệu con giống.
Hoặc áp dụng phương pháp lai tạo giữa các loài cá Rô phi khác nhau như: cho lai tạo giữa cá Rô phi Đài Loan với cá Rô phi xanh (nhập khẩu từ Trung Quốc) sẽ cho ra đàn giống có tỷ lệ con đực trên 95%. Đây là thành tựu của quy trình sản xuất giống của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I và đã chuyển giao cho nhiều đơn vị trong nước như Công ty TNHH TM và Sản xuất Hải Thanh ở ấp 3, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè.
3/ Cá rô đồng:
Hiện nay chưa có phương pháp khoa học nào thành công để sản xuất ra cá Rô đồng toàn cái; tuy nhiên trong dân gian đã áp dụng phương pháp thủ công bằng hình thức lọc đàn cá thông qua mắt lưới (còn gọi là chặt đầu con) để tuyển lại những con có kích thước lớn hơn để nuôi riêng. Đa số những con lớn đều là những con cái, có tốc độ phát triển nhanh hơn; và quá trình tuyển lựa này phải được thực hiện từ 2-3 lần trong 1 chu kỳ nuôi, tỷ lệ con cái sẽ đạt 65-70%.
Phương pháp này cũng được thực hiện trong quá trình sản xuất giống tại Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Tương Lai tại xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi. Hiện nông dân huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp rất thành công khi áp dụng phương pháp này.
Hiệu quả kinh tế và những khó khăn:
Nuôi các loài thủy sản đơn tính luôn đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so với các mô hình nuôi không chọn lựa giới tính, thí dụ:
- Mô hình nuôi tôm càng xanh: Sau 05 tháng nuôi, mô hình nuôi tôm toàn đực sẽ cho tỷ lệ tôm loại 1 (≤ 20 con/kg) cao hơn 20-40% so với tôm không phân biệt giới tính.
- Mô hình nuôi cá rô đồng: sau 06 tháng nuôi, tỷ lệ cá loại 1 (≤ 10 con/kg) cao hơn 20-25% so với mô hình nuôi cá không chọn lọc.
- Mô hình nuôi cá rô phi đơn tính: Hiện nay chỉ có loại cá này được chọn nuôi phổ biến, còn loại cá rô phi thường không còn được ưa chuộng.
Tuy nhiên, đối với các loài thủy sản đã áp dụng được sự can thiệp của khoa học lại không thể tiến hành sản xuất được nhiều giống, không đủ cung ứng cho nhu cầu của nông dân. Ngược lại, loài thủy sản chưa có sự can thiệp của khoa học lại đòi hỏi tốn rất nhiều công sức và số lượng giống cũng chỉ thu hẹp cho từng khu vực.
Vì vậy, muốn nâng cao sản xuất trong nuôi trồng thủy sản, cần có những chính sách phát triển khâu sản xuất giống có chất lượng; tăng cường cơ sở vật chất cho các Trung tâm sản xuất và ương giống, cũng như đào tạo đủ lực lượng cán bộ khoa học cho nghiên cứu và sản xuất giống thủy sản đơn tính.
Tags: thuy san don tinh, ky thuat nuoi ca ro phi, ca ro phi, nuoi trong thuy san