Ương cá trê vàng trong hồ dã chiến, mỗi năm bán 1 tỷ con
TP.HCM đang khuyến khích phát triển giống thủy sản nước ngọt và lợ nhờ vào nguồn nước từ hồ Dầu Tiếng. Với thị trường tiêu thụ sản phẩm số lượng lớn và nếu được đầu tư công nghệ tiên tiến, thành phố có thể trở thành trung tâm sản xuất giống thủy sản cung cấp cho các tỉnh thành.
Ông Hoàng Minh Đức đang chuẩn bị ương cá giống. Ảnh T.T.Đ
Trung bình, mỗi năm kỹ sư Nguyễn Hồng Nghĩa (xã Phước Hiệp, Củ Chi) xuất bán ra thị trường khoảng 1 tỷ con cá trê vàng giống. Nhưng nhìn cơ sở ương giống dã chiến của anh khó ai mường tượng được quy mô sản xuất cá giống tại đây.
Công nghệ đơn giản, mạnh ai nấy làm
Hôm chúng tôi đến, anh Nghĩa đang ương cá giống trong 20 hồ dã chiến được xây dựng bằng gạch và bạt nylon ngay hiên nhà. Dưới mỗi hồ, ngoài 5 triệu cá giống đang ương, chỉ có những ống cao su dùng để sục ôxy cho cá.
Mỗi tháng, anh Nghĩa ương vài đợt cá bột. Thương lái đến tận trại thu mua sau đó vận chuyển về các tỉnh ĐBSCL, như Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp… bán lại cho các trại ương cá giống và các trại này bán cá cho nông dân nuôi.
"Trung bình mỗi năm tôi xuất bán khoảng 1 tỷ con cá bột. Cứ 5 đồng/con, trừ chi phí 2 đồng, tôi còn lời 3 đồng/con" - anh Nghĩa tính.
Theo anh Nghĩa, tiềm năng kinh tế của con cá trê vàng còn rất lớn, tương lai con cá trê vàng còn hút người nuôi và người tiêu dùng hơn khi ĐBSCL đang cạn kiệt nguồn cá này do khả năng lũ trên sông Mekong về sẽ ít. Hiện, cá trê vàng nuôi tại Việt Nam phần lớn xuất sang thị trường Campuchia.
Cũng như anh Nghĩa, lão nông Ba Đức (xã Hoàng Minh Đức, Củ Chi) thu tiền tỷ mỗi năm từ con cá trê giống. Họ giống nhau ở chỗ, đầu tư cho công nghệ ương cá giống khá đơn giản. Trước khi làm nghề ương cá giống, lão nông Ba Đức tốt nghiệp khoa Thủy sản (Trường Đại học Nông, lâm TP.HCM) và làm cán bộ nghiên cứu thủy sản cho Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II.
Hiện, ông Đức chủ yếu ương cá trê lai phi. Theo ông, đó là do nhu cầu thị trường và giá trị kinh tế cá cao hơn các loại giống cá khác. Giống cá trê ông ương không chỉ đạt tỷ lệ thành công cao, mà còn chất lượng cá giống rất tốt.
Thị trường chính tiêu thụ cá giống của ông là tại TP.HCM và các tỉnh miền Tây. Mỗi năm ông xuất bán hơn 100 triệu con cá giống. Trung bình, mỗi con cá trê bột ông bán được 5-8 đồng. Theo ông Đức, cá giống ương từ 1,5 - 2 tháng là có thể xuất trại.
Tạo mối liên kết
Nhiều ý kiến cho rằng, TP.HCM nên thành lập hội nghề sản xuất giống và ương nuôi để liên kết các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn và cả nước, nhằm phát triển bền vững và cân bằng cán cân cung cầu. Khuyến khích các doanh nghiệp chế biến thủy sản tìm đầu ra xuất khẩu cho cá thương phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Doanh nghiệp chủ động liên kết với các cơ sở sản xuất giống, tận dụng tối đa lợi thế của các bên để phát triển, nhân rộng mô hình và đủ điều kiện chuyển giao công nghệ cho các tỉnh, thành cả nước.
Đề xuất Nhà nước hỗ trợ lãi suất vay cho các cơ sở sản xuất thủy sản, gắn với chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở mạnh dạn đầu tư và liên kết sản xuất.
Theo Chi cục Thủy sản (Sở NNPTNT TP.HCM), diện tích sản xuất thủy sản ngày càng ít. Thành phố khuyến khích tập trung sản xuất giống để mang lại lợi nhuận cao hơn.
Chi cục Thủy sản sẽ hỗ trợ các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn về tập huấn kỹ thuật nâng cao sản lượng sản xuất giống, góp phần tăng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp. Kết hợp liên kết giữa các trại giống, trao đổi và hỗ trợ kinh nghiệm kỹ thuật trong cùng một quy trình hay khác quy trình sản xuất giống.
Thành phố cũng khuyến khích nhân rộng và phát triển sản xuất giống ở quy mô nông hộ nhằm đáp ứng đủ giống. Xây dựng quy trình sản xuất giống và cử cán bộ tham gia công tác nghiên cứu khoa học chuyển giao, tập huấn trong lĩnh vực sản xuất giống tôm càng xanh để nhanh chóng tạo ra quy trình ổn định và chủ động công nghệ trong sản xuất giống.
Related news
Người dân ở xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi đều ngưỡng mộ ông Nguyễn Văn Hùng, bởi ông đã nuôi thành công 2 giống gà quý hiếm.
Anh Nguyễn Thanh Nhàn (34 tuổi), ngụ ấp 6, xã Vĩnh Trung, H.Vị Thủy, Hậu Giang, được xem là người đầu tiên đưa giống xoài cát hồng về trồng thành công ở xã này,
Đó chính là chị Trương Ánh Nguyệt, ở ấp Láng Hầm, xã Thạnh Xuân, huyên Châu Thành A (Hậu Giang) khi nuôi cua đinh và ba ba cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.