Ươm cây giống thu nhập cao
Trang trại tổng hợp của anh Nguyễn Hữu Thái tại thôn Khe Giao 1, xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh là địa chỉ cung cấp cây giống và các loại hoa quả như cam chanh, cam bù, bưởi Phúc Trạch, hồng vuông, bưởi Thái… được nhiều người trên địa bàn tỉnh tin dùng.
Anh Thái kiểm tra cây giống trước khi xuất bán.
Có dịp lên thăm các mô hình điển hình ở huyện Thạch Hà, được dẫn đường giới thiệu, sau khi qua một đoạn đường đồi núi ngoằn ngoèo, chúng tôi đến thăm vườn của anh Nguyễn Hữu Thái. Vừa bước vào cổng, hiện ra trước mắt chúng tôi là một vườn ươn với đầy đủ các lại cây giống. Chủ vườn đang cần mẫn kiểm tra từng cây, mặc dù trời đang mưa.
Thấy chúng tôi, chàng thanh niên với dáng người nhỏ nhắn, nhưng nhanh nhẹn nhanh chóng, tươi cười ra chào đón. Khách quý đến nhà vội vàng ra vườn cắt đĩa cam mời khách. Vừa thưởng thức vị cam chanh mát ngọt nổi tiếng, vừa được anh chia sẻ câu chuyện làm vườn của anh.
Năm 2008, sau khi kết hôn, anh cùng vợ bắt tay vào khai hoang, cải tạo mảnh đất của gia đình để phát triển kinh tế vườn đồi. Ít vốn nên hai vợ chồng đều phải tự tay lao động. Ban đầu anh quyết định trồng cam chanh là một loại cây ăn quả đang có lợi thế hiện nay tại Hà Tĩnh. Là một người ham học hỏi, mày mò kiến thức và các kỹ thuật. Ngoài việc mua cây giống ở nơi uy tín để trồng, đồng thời giảm chi phí anh Thái đã tự nhân cây giống, chọn các cây địa phương chống chịu tốt, lấy hạt để ươm các giốc ghép và tìm mua các mắt ghép từ các cây to khỏe, không sâu bệnh, quả ngọt, đều
Qua nhiều khó khăn cuối cùng thành công đã đến với vợ chồng anh. Với diện tích hơn 6 ha đất đồi, anh đã quy hoạch trồng 1.000 cây cam chanh, 100 cây bưởi Phúc Trạch, 100 gốc hồng vuông và các loại cây ăn quả. Bên cạnh đó, vợ chồng anh Thái còn kết hợp chăn nuôi lợn rừng, lợn thịt.
Năm 2013, khi nhu cầu mua các loại cây giống của người dân ngày càng cao, anh đã mạnh dạn mở vườn ươm. Anh nghiên cứu, học hỏi thêm kinh nghiệm về nghề ươm cây giống, tham gia các lớp học kỹ thuật, đi học hỏi tại các vườn ươm khác. Xác định được cây giống ban đầu có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định năng suất, chất lượng sản phẩm, anh đã cẩn thận, tỉ mỉ từ khâu lựa chọn vật liệu nhân giống ngay từ ban đầu.
Trước hết chọn đất để làm bầu, đất được anh xử lý các loại nấm bệnh, làm cho tươi xốp, rồi trộn với phân chuồng hoai mục, phân hữu cơ vi sinh, phân tổng hợp để tăng chất dinh dưỡng nuôi cây.
Vườn ươm cây giống của anh Thái.
Về gốc ghép, anh chọn các cây địa phương có sức chống chịu tốt với sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh, hái quả, tách lấy hạt đem gieo, chọn những cây con tốt ươm vào bầu đất để làm gốc ghép. Còn mắt ghép tùy theo nhu cầu thị hiếu của khách để anh lựa chọn có thể là từ các cây đầu dòng để cây mang đầy đủ đặc tính của giống, hay các cây mẹ có năng suất, chất lượng khách ưa dùng.
Đến nay, với diện tích hơn 2.000 m2, anh Thái đã ươm hơn 3 vạn cây giống mỗi năm, với gần 80 loại cây: Các loại cây ăn quả như cam chanh, cam đường, cam bù, bưởi Phúc Trạch, bưởi Diễn, bưởi Thái, hồng vuông, hồng tròn, vải thiều, mít Thái… Các loại cây lâm nghiệp, cây cảnh… Cây giống của anh sản xuất không chỉ bà con các huyện Thạch Hà và các huyện khác trong toàn tỉnh đến mua như Hương Khê, Can Lộc… mà anh còn xuất bán cho ra các tỉnh khác như Quảng Bình, Nghệ An. Năm 2018, để thuận lợi cho khách đến mua cây giống, anh mua thêm mảnh vườn với 500 m2 ngoài đường lớn quốc lộ 15A, để trưng bày giống cây.
Trang trại của anh đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương, những thời điểm thu hoạch, bón phân thì phải thuê thêm hàng chục lao động thời vụ.
Theo tính toán của anh Thái: Với 1.000 gốc cam chanh, 100 gốc bưởi Phúc Trạch, 100 gốc hồng và vườn ươm cây giống mỗi năm trang trại của anh đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng.
Mô hình trang trại tổng hợp của anh Nguyễn Hữu Thái là một mô hình phát triển hiệu quả tại địa phương. Đây là địa chỉ tin cậy để người dân địa phương đến học tập kỹ thuật cũng như lựa chọn cây giống có chất lượng. Từ hai bàn tay trắng, vợ chồng anh Thái trở thành mô hình kinh tế điển hình của xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà, là tấm gương về những người trẻ biết vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Related news
Khu vực đèo Sa Mù có tiểu khí hậu ôn đới, quanh năm mây phủ nên được gọi là tiểu Đà Lạt của Việt Nam.
Tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn,... gây hại trên lúa ở giai đoạn đòng
Thời điểm này, các hộ chăn nuôi gà sống thiến tại huyện Lục Yên (Yên Bái) đang tất bật chuẩn bị nguồn hàng “đặc sản” để cung cấp cho thị trường Tết.