Ứng dụng một số biện pháp canh tác để hạn chế tác hại của hạn-phèn-mặn cuối vụ cho lúa Đông
Do ảnh hưởng của triều cường và sự thiếu nước đầu nguồn sông Mê- Kông, Trung tâm khí tượng - Thủy văn Bến Tre cho biết: sự xâm nhập mặn cuối vụ Đông-Xuân 2010-2011 sẽ xảy ra rất khốc liệt, ranh giới mặn sẽ vào sâu hơn, sớm hơn và độ mặn cũng sẽ cao hơn cùng kỳ của nhiều năm gần đây.
Trong tình hình nêu trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre đã có công văn chỉ đạo cho các ngành liên quan tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống hạn-mặn, bảo vệ sản xuất và đời sống cho nhân dân.
Tuy nhiên, do mức độ xâm nhập mặn được dự báo là sẽ rất mạnh mẽ và khốc liệt, do đó nếu chỉ trông chờ, ỷ lại vào các biện pháp của cơ quan chức năng là chưa đủ, mà mỗi người dân phải chủ động tìm kiếm biện pháp thích hợp để phòng chống hạn - mặn, bảo vệ sản xuất và kinh tế - đời sống của chính hộ gia đình mình.
Xin phổ biến cùng bà con nông dân một số biện pháp canh tác giúp giảm nhẹ thiệt hại của hạn - phèn - mặn cho vụ lúa Đông - Xuân.
- Xổ cạn nước giữa vụ lúa: áp dụng cho trà lúa khoảng 30 ngày sau sạ, xổ thật cạn và bỏ nước trong khoảng 10 ngày cho đất nứt chân chim, đến lúc lá lúa chuyển màu vàng chanh thì cho nước vào và bón đón đòng. Đây là biện pháp giải độc cho đất, giúp cho rễ lúa ăn sâu hơn, do đó có tác dụng rất tốt để chống hạn vào cuối vụ. Ngoài ra, đây cũng là biện pháp sử dụng nước tiết kiệm trong điều kiện nguồn nước ngọt dự trữ bị khan hiếm.
- Khi nước bị nhiễm mặn 3 - 4 phần nghìn: Vẫn có thể dùng để tưới cho lúa, nhưng sau khi tưới từ 8 - 10 tiếng đồng hồ thì phải tháo nước ra thật khô, tránh để độ mặn của nước tăng cao trong ruộng (như kiểu làm ruộng muối). Đến khi mặt ruộng khô nứt chân chim thì lại tiếp tục tưới như trên.
- Sử dụng phân bón : Sau khi xổ cạn nước giữa vụ, ta đem nước vào ruộng và bón đón đòng với 2kg DAP+3kgCloruaKali. Phân đạm Uréa cần bón với lượng thật hạn chế (nên lưu ý là khi lá lúa càng xanh thì tác hại của phèn - mặn sẽ thể hiện càng rõ). Biện pháp này có tác dụng giải độc phèn, giúp rễ lúa phát triển mạnh và ăn sâu vào đất, thân và lá lúa cứng cáp, nồng độ dịch bào tăng nên tăng tính thẩm thấu của tế bào. Các yếu tố trên giúp giảm được tác hại của sâu - bệnh, phèn và hạn mặn cho ruộng lúa.
- Dùng phân bón lá: trong điều kiện khô hạn, không thể dùng được phân bón rễ, ta có thể dùng phân bón lá để phun khi ruộng lúa có triệu chứng thiếu dinh dưỡng, ưu tiên dùng các loại phân cao cấp, giàu lân, kali và các nguyên tố vi lượng. Các loại phân bón lá siêu to hạt có thể giúp trọng lượng hạt được cải thiện hơn trong điều kiện khô hạn. Lưu ý không phun các loại phân bón lá khi ruộng lúa đang trổ hoặc đang có bệnh đạo ôn.
Các biện pháp trên nếu được thực hiện sớm và đồng bộ thì hiệu quả càng rõ nét, xin đừng để khi ruộng đã nhiễm mặn mới bắt đầu ứng dụng thì đã muộn và việc thất thu là điều khó tránh khỏi./.
Related news
Vụ lúa xuân muộn ở các tỉnh phía Bắc gặp thường rét khi gieo mạ, phương pháp gieo mạ có ảnh hưởng lớn đến chất lượng mạ cuối vụ. Xin giới thiệu một số phương pháp gieo mạ đảm bảo chất lượng mạ tốt.
Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Bình Định đã tìm ra nguyên nhân gây bệnh thối thân ở cây lúa. Từ kết quả thu thập được, Chi cục cũng đã đưa ra các biện pháp phòng ngừa.
Ngộ độc hữu cơ và ngộ độc phèn trên cây lúa có khác nhau, người sản xuất cần phân biệt để có cách xử lý đúng trong cứu lúa.