Ứng dụng mô hình mới vào sản xuất
Dẫn mọi người tham quan “đứa con đầu lòng” do mình tạo ra, ông Út Tổng giới thiệu: “Tận dụng mô-tơ nuôi tôm công nghiệp cũ trước đây, kết hợp với một số dụng cụ có sẵn trên thị trường như cối xay chả, sắt, là có thể tạo ra máy chế biến thức ăn cho cua, chi phí tốn vài triệu đồng. Còn nếu đầu tư máy móc mới toàn bộ thì chỉ khoảng 10 triệu đồng thôi”.
Ông Út Tổng chia sẻ: "Nhận thấy trên thị trường chưa có thức ăn sẵn dùng trong nuôi cua, được sự ủng hộ, giúp sức đắc lực của đứa con trai út (anh Nguyễn Văn Út là kỹ sư nuôi trồng thuỷ sản, từng làm việc cho công ty nuôi trồng, chế biến thức ăn ở Hà Nội), tôi nghĩ “mình làm kỹ sư một lần xem sao?”.
Ý tưởng là vậy nhưng ông Út Tổng chẳng biết phải bắt đầu từ đâu. Sau nhiều đêm suy nghĩ, chợt một buổi sáng thức dậy, mọi người ngỡ ngàng thấy ông bắt đầu cặm cụi vẽ, mua dụng cụ, rồi mày mò lắp ráp, cuối cùng máy chế biến thức ăn cho cua cũng nên hình, nên dạng.
Vượt qua ngưỡng cửa thử thách đầu tiên, ông Út Tổng bắt tay ngay vào nghiên cứu tạo thức ăn cho cua. Ðược sự gợi ý của đứa con trai út, cộng thêm kinh nghiệm nhiều năm trong nuôi trồng thuỷ sản, ông Út Tổng quyết định sử dụng nguồn cá phân dồi dào ở cửa biển Sông Ðốc để tạo ra thức ăn cho cua. Nguyên liệu để chế biến thức ăn cho cua của ông Út Tổng khá đơn giản, gồm cá phân, một số loại thuốc dùng trong nuôi thuỷ sản. Tuy nhiên, để chế biến thành phẩm một thức ăn cho cua phải trải qua khá nhiều công đoạn.
Ông Út Tổng cho biết: “Trước tiên, cá phân mua về phải rửa sạch, phơi khô, rồi dùng máy xay. Do sau khi xay xong cá bị ướt, mình phải phơi thêm đợt nắng nữa, rồi tiếp tục dùng máy xay tiếp. Sau đó, nghiền nát cá bằng phương pháp thủ công, rồi trộn thuốc, dầu áo và tiếp tục cho vào máy xay. Công đoạn cuối cùng là phơi thức ăn thành phẩm cho thiệt khô, để thức ăn không bị mốc”.
Có máy, có thức ăn, ông Út Tổng bắt tay vào thực hiện mô hình nuôi cua công nghiệp. Tận dụng 2 đầm nuôi tôm công nghiệp, ông Út Tổng thả 4.000 con cua giống. Hiện nay, cua đã được hơn 2 tháng tuổi, ước lượng khoảng 5 con/kg. Nhận thấy sử dụng thức ăn chế biến cua khoẻ, lớn nhanh, ông Út Tổng tiếp tục thả nuôi thêm 1 hầm, với số lượng tăng lên 5.000 con cua giống.
Qua quá trình theo dõi sự phát triển của con cua khi sử dụng thức ăn chế biến, ông Út Tổng ước tính, khoảng 1 tháng nữa là có thể bắt đầu thu hoạch tỉa số cua thả nuôi đầu tiên. So sánh với cách nuôi cua truyền thống thì thời gian cho thu hoạch sớm hơn 2-3 tháng.
Tuy nuôi cua với số lượng hàng ngàn con nhưng việc chế biến thức ăn, chăm sóc không tốn nhiều thời gian của ông Út Tổng. Cách 10 ngày, ông mới chế biến thức ăn 1 lần, khoảng 50 kg thức ăn thành phẩm. Mỗi ngày chỉ cho cua ăn một lần, vào lúc mặt trời bắt đầu lặn.
Ngoài việc sử dụng thức ăn chế biến trong nuôi cua, ông Út Tổng còn sáng tạo khi sử dụng lá dừa nước trong đầm nuôi cua công nghiệp. Thấy khắp đầm nuôi cua đều là lá dừa nước, mọi người đều ngạc nhiên, ông Út Tổng vội giải thích: “Cặm lá dừa nước trong vuông là để tạo nơi trú ẩn cho cua. Cứ cách 1-1,5 m là cặm 1 tàu lá dừa. Gốc cặm xuống đất, bẻ cho thân lá cong, hổng mặt đất khoảng 1 tấc rồi cho tàu lá nằm nghiêng xuống. Từ đầm nuôi đến bờ chừa ra 3 m không cặm để tạo khoảng trống cho cua lên ăn thức ăn. Mỗi đầm cặm khoảng 400 tàu lá, cách làm này thấy vậy mà hay, cua ăn no lại có nơi trú ẩn, mát mẻ, không bò đi, vừa chống trộm luôn”.
Trời sắp xế chiều, những con cua bắt đầu bò lên mặt nước kiếm thức ăn. Không giấu được niềm phấn khởi, ông Út Tổng hồ hởi: “Theo tính toán của tôi, để nuôi được 1 tấn cua thì tốn khoảng 1 tấn thức ăn, chi phí 28 triệu đồng, tiền con giống thì không có bao nhiêu, vì giá cua giống thấp, 100 con cua giống chỉ tốn hơn 30.000 đồng. Tính theo kiểu nông dân, nếu bán với giá cua xô, 100.000 đồng/kg thì thu nhập cũng 100 triệu đồng. Vậy, lợi nhuận 3 tháng nuôi tới 70 triệu đồng, cao hơn nhiều so với cách nuôi truyền thống mà lại ít hồi hộp so với nuôi tôm công nghiệp”.
Là bạn hàng xóm với ông Út Tổng, ông Nguyễn Văn Luông nhận định: “Ông Út Tổng là nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền. Trước đây là lớp người tiên phong áp dụng mô hình nuôi tôm công nghiệp, giờ ông mạnh dạn nghiên cứu máy móc, áp dụng nuôi cua công nghiệp, bước đầu thấy hiệu quả. Tôi và một số bà con lân cận đã đến tham quan, học hỏi. Hiện tại, gia đình tôi cũng đã cải tạo ao nuôi, để áp dụng thử mô hình như ông Út Tổng”.
Trong kháng chiến, mười mấy tuổi, chàng thanh niên Út Tổng đã hăng hái, xông pha nơi chiến trường mưa bom bão đạn. Những lần đấu tranh trực diện với địch, những tưởng cái chết cận kề, vết thương chiến tranh vẫn còn in sâu trên cơ thể. Trở về cuộc sống đời thường, cựu thanh niên xung phong Út Tổng lại bước sang một trận chiến mới - trận chiến với cái nghèo. Biết thay đổi theo thời cuộc, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn áp dụng những mô hình mới, sáng tạo, ông Út Tổng càng làm sáng ngời thêm nét đẹp cựu thanh niên xung phong.
Related news
Ngày 15-6, TAND TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết đã nhận đủ hồ sơ, đơn của 33 hộ dân xã Long Sơn (TP Vũng Tàu) kiện 14 doanh nghiệp chế biến hải sản ở xã Tân Hải (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) xả thải ra môi trường khiến cá nuôi lồng bè của bà con bị chết nhiều đợt trong năm 2015.
Cá linh được đánh giá là loài cá có giá trị kinh tế và giá trị dinh dưỡng cao, đặc trưng của vùng ĐBSCL trong mùa lũ. Từ lâu, cá linh đã gắn bó với cư dân sông nước miền Tây, gắn bó với ký ức tuổi thơ của những người con xa xứ. Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng đánh bắt cá non không tuân thủ quy định về mùa vụ khai thác đang làm nguồn cá linh tự nhiên sụt giảm nghiêm trọng, những người sống nghề câu lưới cũng khó khăn hơn.
UBND huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) vừa có văn bản chính thức công bố nguyên nhân cá nuôi lồng bè tại đảo Lý Sơn chết hàng loạt trong những ngày qua là do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng.