Ứng dụng công nghệ Biofloc vào nuôi tôm thu lãi hơn 1 tỷ đồng mỗi ha
Quảng Trị đang nhân rộng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ sử dụng hỗn hợp vi sinh vật, động vật không xương sống, tảo, vi khuẩn và các hạt vật chất hữu cơ (Biofloc), để tăng năng suất và bảo vệ môi trường.
Kiểm tra tôm tại cơ sở nuôi tôm ở xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)
Công nghệ Biofloc đã và đang được ứng dụng vào nuôi tôm ở các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng, Triệu Phong và thành phố Đông Hà.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Trị, các mô hình này đều đem lại hiệu quả kinh tế cao, sản lượng tôm bình quân đạt từ 20-25 tấn/ha, cho doanh thu 3 tỷ đồng/ha, sau khi trừ chi phí lợi nhuận bình quân đạt từ 500 triệu đồng đến 1,1 tỷ đồng/ha.
Hiệu quả cao từ nuôi tôm ứng dụng công nghệ Biofloc, đã tạo động lực cho nhiều hộ đầu tư hàng tỷ đồng để nuôi tôm theo mô hình này.
Điển hình là hộ ông Hoàng Trung Tuyến ở thôn Thái Lai, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh đầu tư gần 8 tỷ đồng để nuôi 2,8ha tôm ứng dụng công nghệ Biofloc.
Để khuyến khích người dân nhân rộng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ Biofloc, tỉnh Quảng Trị hỗ trợ 400 triệu đồng/mô hình, xây dựng hạ tầng, hệ thống mái che, máy sục khí cho ao nuôi.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị cũng nhân rộng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Theo đó, tỉnh xây dựng vùng nuôi tôm hữu cơ, nuôi sinh thái, nuôi quảng canh ở các xã: Triệu Phước, Triệu Độ, Triệu An, Triệu Vân thuộc huyện Triệu Phong; Gio Mai, Gio Việt, Trung Hải, Trung Giang thuộc huyện Gio Linh; Vĩnh Giang thuộc huyện Vĩnh Linh. Nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh trên vùng cát ven biển ở các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng.
Con tôm là một trong những vật nuôi chủ lực của tỉnh Quảng Trị. Tỉnh đã lựa chọn con tôm tham gia vào chuỗi sản phẩm chủ lực quốc gia.
Quảng Trị hiện có trên 900ha ao, đìa nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú cho sản lượng trên 4.500 tấn, mang lại giá trị gần 680 tỷ đồng/năm. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, ổn định diện tích nuôi tôm 1.500ha, sản lượng đạt khoảng 6.800 tấn. Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu xây dựng được các vùng chuyên canh nuôi tôm.
Tỉnh Quảng Trị cũng đang thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư nuôi tôm theo công nghệ cao. Đầu tháng Tư này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đắc Lộc đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc triển khai dự án nuôi tôm.
Theo đó, công ty này xem xét đầu tư xây dựng trại sản xuất tôm giống, nuôi tôm theo hướng thâm canh công nghệ cao, đào tạo nhân lực, nhà máy chế biến tôm.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị và Công ty cổ phần Camimex Group cũng đã ký kết bên bản ghi nhớ về việc hợp tác, liên kết phát triển nuôi tôm. Theo nội dung ký kết, tỉnh Quảng Trị sẽ tạo điều kiện và hỗ trợ công ty này xây dựng trại sản xuất tôm giống, nuôi tôm theo hướng sinh thái, ứng dụng công nghệ cao ở các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh,Triệu Phong, Hải Lăng.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính vừa yêu cầu các sở, ngành, địa phương rà soát quy hoạch và xây dựng vùng nuôi tôm theo công nghệ cao, bền vững, bảo vệ môi trường; xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đảm bảo nuôi tôm công nghệ cao.
Các tổ chức tín dụng có cơ chế ưu tiên cho vay vốn đầu tư phát triển ngành tôm; nhất là các tổ chức, cá nhân ứng dụng công nghệ mới vào nuôi tôm.
Related news
Nuôi cá tầm trong lồng bè trên hồ chứa có những ưu điểm nổi bật như: Nền nhiệt độ nước ở hồ chứa ổn định nên có thể nuôi cá tầm với mật độ cao, tận dụng
Nguồn phân bón này không chỉ giúp cho hành tỏi phát triển tốt mà còn giúp nông dân vừa tiết kiệm chi phí sản xuất vừa bảo vệ môi trường.
Giai đoạn chuyển mùa các đối tượng nuôi thủy sản thường hay mắc bệnh gây tổn thất cho người nuôi.