Home / Tin tức / Tin nông nghiệp

Tỷ phú cam sành ở Tuyên Quang

Tỷ phú cam sành ở Tuyên Quang
Author: Thu Huyền
Publish date: Tuesday. April 19th, 2016

Từ cuộc sống chật vật khó khăn, từng bước gây dựng kinh tế, có của ăn của để rồi trở thành ông chủ của hàng chục ha vườn rừng với cơ ngơi bạc tỷ.

Đó là thành công của anh Trình Ngọc Huynh, sinh năm 1963, ở thôn 65, xã Yên Phú, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang).

Không chỉ làm giàu cho cá nhân, anh còn đóng góp lớn vào việc xây dựng thương hiệu Cam sành Hàm Yên lọt vào top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam...

Vườn cam nhà anh Trình Ngọc Huynh tạo việc làm cho nhiều lao động.

Đưa cam sành lên ngôi

Sinh ra trong một gia đình kinh tế khó khăn, dù Trình Ngọc Huynh luôn được xếp diện học giỏi, được tuyển thẳng vào đại học, nhưng anh đành phải nghỉ học để theo giấc mơ làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho gia đình.

Nghỉ học rồi lập gia đình và ra ở riêng, hai vợ chồng anh luôn chăm chỉ cặm cụi trên nương rẫy, ngày mùa thì trồng lúa, hết vụ lúa lại đi kiếm củi trên rừng bán lấy tiền để trang trải cuộc sống.

Mãi đến năm 1987, bằng số vốn ít ỏi dành dụm, anh quyết định trồng 50 gốc cam sành nhằm tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế gia đình.

“Ngày ấy chưa có chính sách giao đất, giao rừng cho người dân, nên quanh vùng này toàn là những đồi cây gai, lau sậy rậm rạp, không máy móc gì, mà cả vườn đất để trồng cam bây giờ đều do 2 vợ chồng tôi tự khai hoang mà có…”, anh Huynh chia sẻ.

Sau ba năm chăm sóc, lứa cam đầu tiên đã cho thu hoạch, đó cũng là thời điểm anh Huynh nhận thấy địa phương mình có tiềm năng lớn để phát triển cây cam.

Nghĩ là làm, năm 1993 anh tự thành lập trang trại với quyết tâm xây dựng cam sành thành cây chủ lực phát triển kinh tế và tạo nên một thương hiệu của địa phương.

Với sự tích cực giúp đỡ cộng đồng phát triển nghề trồng cam sành, góp phần tạo nên thương hiệu cam sành Hàm Yên, nông dân Trình Ngọc Huynh đã 2 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, được Bộ NN-PTNT tặng Kỷ niệm chương; đạt giải thưởng Sao thần nông...

Vốn là người ham học hỏi, anh đã tự mày mò và đúc kết cho riêng mình một cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào nghề trồng cam, giúp cây không chỉ cho nhiều quả, mà luôn đạt được năng suất cao, chất lượng tốt, giá bán quả cũng cao hơn so với nhiều gia đình khác.

Từ đó, anh Huynh tiếp tục mạnh dạn vay vốn để nhân rộng cây cam sành, đồng thời chuyển giao kinh nghiệm cho nhiều người cùng nhân giống, tiến tới xây dựng thương hiệu cam sành Hàm Yên...

Phần thưởng cao quý

Sau nhiều năm vật lộn với nghề trồng cam, đến nay gia đình anh Huynh đã có khoảng 10ha cam sành, cùng 51 ha rừng xanh tốt.

Nhờ việc trồng và chăm sóc theo đúng kỹ thuật, nên cam sành của gia đình anh luôn ổn định về giá và đạt chất lượng cao.

Vụ thu hoạch cam năm ngoái, đã cho gia đình anh doanh thu trên 2,4 tỷ đồng.

Không chỉ có tiền cho cá nhân, mà anh còn có công đóng góp để cam sành Hàm Yên trở thành 1 trong 10 thương hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam.

Ngoài ra, anh Huynh còn tạo việc làm cho 30 nhân công trong xã mỗi khi đến mùa thu hái cam.

“Trước Tết Nguyên đán Bính Thân, gia đình tôi thu hoạch gần 100 tấn cam.

Giá cam cũng cao hơn so với năm trước, từ 10.000 - 13.000 đồng/kg.

Ước tính năm 2015 thu hoạch từ cam và rừng mang về cho gia đình tôi gần 4 tỷ đồng”, anh Huynh bật mí.

Không chỉ là người làm kinh tế giỏi, anh Huynh còn giúp đỡ nhiều hộ khó khăn trong huyện Hàm Yên phát triển kinh tế như gia đình anh Lục Văn Mìu, thôn Ngòi Họp, xã Minh Khương, huyện Hàm Yên.

Anh Mìu cho biết: “Mình trồng cam được 4 năm nay.

Ngay từ những ngày đầu, chú Huynh sang tận đồi chỉ cho mình cách cuốc hố sao cho đúng, hướng dẫn cách trồng, không trồng quá sâu, vì cam là cây ăn nổi.

Đồng thời chú còn thường xuyên hướng dẫn cách chăm sóc, cách phát hiện sâu bệnh và điều trị sâu bệnh cho cây.

Hơn 500 gốc cam phát triển tốt của mình là có công rất lớn của chú Huynh…".


Related news

Thành tỷ phú vì sợ nghèo Thành tỷ phú vì sợ nghèo

Từng là tỷ phú, nhưng thiên tai và sự khắc nghiệt của thị trường đã lấy đi của ông tất cả. Không nản lòng, lão nông ấy bắt tay xây dựng lại cơ nghiệp từ đầu, bằng một lý giải rất đơn giản: “Tui sợ… nghèo!”.

Tuesday. April 19th, 2016
Nhiều hợp đồng, xuất khẩu gạo tăng mạnh Nhiều hợp đồng, xuất khẩu gạo tăng mạnh

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, lũy kế xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2016 đạt hơn 1,4 triệu tấn, trị giá FOB đạt 577,3 triệu USD, giá xuất khẩu bình quân FOB đạt 404,75 USD/tấn.

Tuesday. April 19th, 2016
Cựu chiến binh góp trên 1.200 tỷ đồng xây dựng NTM Cựu chiến binh góp trên 1.200 tỷ đồng xây dựng NTM

“Hội viên cựu chiến binh (CCB) là động lực thúc đẩy, tạo sự đồng thuận và sức mạnh tổng hợp để đẩy nhanh quá trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới (NTM). Nhiều mô hình kinh tế của CCB đã tác động trực tiếp đến phục vụ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân”.

Tuesday. April 19th, 2016