Tỷ phú cá tra xứ cù lao Tân Phong
Vốn là nông dân vùng sông nước miền Tây với đức tính cần cù, sáng tạo và nhạy cảm với thị trường, ông Nguyễn Văn Đời (Năm Đời), ngụ ấp Tân An, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang quyết tâm làm giàu từ con cá tra trên chính mảnh đất quê hương của mình.
Nghề nuôi con cá “tỷ đô” này đã trải qua nhiều thăng trầm, không ít nông dân nuôi cá thua lỗ phải “bỏ ao” nhưng hàng năm ông Năm Đời vẫn lời bạc tỷ và trở thành người giàu nhất ở xứ cù lao Tân Phong.
Gian nan mà... không nản
Với nét mặt chất phác của người nông dân, ông Năm Đời vui vẻ kể lại câu chuyện cuộc đời của mình gắn với nghề nuôi cá tra thâm canh hơn chục năm nay với không ít cơ cực, niềm vui và may mắn đan xen nhau.
Ông Năm Đời cho biết: Thấy được tiềm năng từ con cá tra, ngay từ năm 2003, ông đã quyết định đầu tư nuôi cá tra thâm canh bằng mô hình nuôi đăng quầng ven sông Tiền trên diện tích 5.000 m2.
Do mới bước vào nghề nuôi cá tra nên ông không nắm được kỹ thuật nuôi, chưa có kinh nghiệm quản lý, thiếu vốn, trong khi mô hình nuôi đăng quầng đòi hỏi cao về kỹ thuật quản lý chất lượng nước, kinh nghiệm phòng trị bệnh do bề mặt đăng quầng thông trực tiếp với sông Tiền.
Chính vì những khó khăn như vậy, cộng với việc lựa chọn mô hình nuôi không phù hợp nên vụ cá tra đầu tiên của ông có giá thành rất cao nhưng giá cá thời điểm thu hoạch thấp, bị thất bại nặng nề.
Ông Nguyễn Văn Đời (Năm Đời), ấp Tân An, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Không nản chí, ông đã khăn gói sang An Giang làm thuê cho các hộ nuôi cá ở địa phương này để học hỏi kinh nghiệm thực tế trong hơn 1 năm. Sau đó, ông trở lại quê hương đào 2 ao (với diện tích mỗi ao khoảng 5.000 m2) trên đất vườn cây ăn trái đang cho thu hoạch để tiếp tục ước mơ làm giàu với con cá tra.
Nhờ những kinh nghiệm học hỏi được trong quá trình làm thuê, cộng với việc chọn đúng mô hình nuôi đã giúp ông quản lý tốt ao nuôi cá tra, hạn chế dịch bệnh, cá hao hụt ít nên giá thành nuôi cá nằm ở mức hợp lý. Vấn đề còn lại là giá cả thị trường thời điểm thu hoạch cá sẽ quyết định hiệu quả sản xuất và lần này may mắn đã mỉm cười khi giá thành nuôi cá năm 2005 chỉ khoảng 7.000 đồng/kg nhưng giá cá thu hoạch lên tới 14.500 - 17.500 đồng/kg, lợi nhuận thu được hơn 2 tỷ đồng.
Từ thắng lợi lớn của vụ cá tra năm 2005 đã thôi thúc ông Năm Đời mạnh dạn chuyển hết 6 ha đất vườn cây ăn trái sang đào ao nuôi cá; đồng thời mua thêm đất mở rộng diện tích nuôi và ông lại tiếp tục thắng lợi với lợi nhuận mỗi năm hàng chục tỷ đồng trong những năm 2006 - 2008.
Trong 2 năm 2014 - 2015, không ít nông dân nuôi cá tra đã bỏ ao chuyển sang nghề khác hay phải bán đất trả nợ, ông Năm Đời lại mở rộng thêm 2 ao nuôi cá tra. Hiện nay, ông có tổng cộng 13 ao nuôi cá tra thâm canh, với diện tích mỗi ao 5.000 m2 ở cồn Phú Phong, huyện Cai Lậy và Cồn Lác, huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre). Ngoài ra, ông còn có 6 ha đất trồng nhãn Ido tại cù lao Tân Phong và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Niềm tin mãnh liệt vào nghề nuôi cá tra
Dẫn chúng tôi tham quan hệ thống ao nuôi cá tra của mình, ông Năm Đời hào hứng chỉ từng công trình và giải thích: Mỗi ao có độ sâu từ 3 - 3,5 m với hệ thống cấp thoát nước riêng biệt bảo đảm nguồn nước trong ao luôn lưu thông, nước sạch, cung cấp đầy đủ ôxy cho quá trình sinh trưởng và phát triển của cá. Trước khi bắt đầu vụ nuôi, ông đều thuê nhân công vét đáy ao, diệt cá tạp, bón vôi xử lý mầm bệnh. Sau khi đã cải tạo ao xong thì tiến hành lấy nước vào ao để chuẩn bị cho vụ nuôi mới.
Về con giống, thức ăn... ông Năm Đời trực tiếp đi chọn con giống tốt, mua thuốc, thức ăn trực tiếp từ công ty. Từ chủ động khâu kỹ thuật, sử dụng nhân công hợp lý nên giá thành nuôi cá tra hiện nay của ông chỉ từ 20.000 - 21.000 đồng/kg. Thời gian nuôi trung bình 9 - 10 tháng tùy theo tình hình thị trường thì xuất bán cho các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu.
Theo ông Năm Đời, trong hoạt động nuôi cá tra thâm canh cần quản lý tốt môi trường ao nuôi để hạn chế độc tố, vi khuẩn gây hại cho cá; đồng thời phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của cá để có biện pháp phòng trị bệnh kịp thời.
Cũng chính vì hiểu rõ con cá tra như thế, cộng với việc nắm vững kỹ thuật nuôi cá, từ việc mua con giống cho tới chọn mật độ thả nuôi, cách chăm sóc, cho ăn, phòng trị bệnh… qua các buổi tập huấn kỹ thuật của cán bộ nông nghiệp và tài liệu khoa học nên các ao nuôi cá tra của ông ít bị dịch bệnh, năng suất cá nuôi đạt hơn 300 tấn/ha. Ông Năm Đời cười nói: “Nuôi cá tra chỉ sợ cá rớt giá thôi chứ chuyện kỹ thuật nuôi thì tôi rành lắm”.
Bước qua thời kỳ hoàng kim, từ năm 2008, nghề nuôi cá tra có dấu hiệu “tuột dốc” với tình trạng giá cả và đầu ra bấp bênh, nhiều lúc giá cá tra thấp hơn giá thành sản xuất khiến không ít nông dân nuôi cá lỗ nặng. Trong hoàn cảnh như vậy, không ít nông dân đã bỏ nghề, bán ao trả nợ hay chuyển sang nuôi loại thủy sản khác, nhưng ông Năm Đời chưa bao giờ có ý nghĩ bỏ ao nuôi cá tra.
Bởi ông tin tưởng vào tiềm năng của con cá tra: “Tôi luôn tin tưởng rằng nghề nuôi cá tra sẽ đi vào nền nếp, người nuôi cá tra rồi sẽ có lợi nhuận xứng đáng với công sức đầu tư bỏ ra. Tâm niệm của tôi là đã đào ao rồi thì phải cố gắng hết sức sao cho nghề nuôi cá tra đạt hiệu quả cao nhất”.
Chính nhờ niềm tin mãnh liệt vào con cá tra mà từ năm 2008 đến nay dù phần lớn thời gian giá cá tra nằm ở mức thấp, nông dân nuôi cá thua lỗ nhưng ông Năm Đời vẫn lãi đều. “Nhờ có nhiều ao cá nuôi rải vụ, cá thu hoạch nhiều thời điểm trong năm, ao này bù lỗ cho ao kia nên hơn 10 năm nuôi cá tra tôi chưa bao giờ lỗ.
Điểm mốc đáng nhớ gần đây nhất là năm 2008, tôi có ao nuôi cá tra quá lứa hàng trăm tấn cá nhưng nhờ ngành Nông nghiệp tỉnh mời tham dự cuộc họp bàn cách giải quyết tình trạng cá tra quá lứa mà tôi ký được hợp đồng bán cá cho doanh nghiệp với giá 15.500 đồng/kg, trong khi giá thị trường chỉ 12.000 đồng/kg.
Còn các ao nuôi cá tra khác cố gắng cầm cự đến cuối tháng 9 năm đó thì cá tra tăng vọt lên 25.000 - 26.000 đồng/kg và tôi thu hồi được vốn đã bỏ ra. Ngoài ra, những năm giá cá quá thấp cũng nhờ nuôi gia công cho doanh nghiệp nên tôi cũng thoát lỗ” - ông Năm Đời chia sẻ.
Được biết, trong năm 2014, ông Nguyễn Văn Đời thu hoạch 8 ao cá tra trong tổng số 11 ao cá tra nuôi thâm canh với tổng sản lượng hơn 5.000 tấn cá tra thương phẩm. Qua hạch toán sản xuất cho thấy, giá cá tra trong năm biến động từ 20.000 - 24.500 đồng/kg tùy thời điểm. Do đó, trong số các ao cá thu hoạch có ao lãi ít, ao lãi nhiều, có ao huề vốn bù trừ cho nhau nên tính chung cả năm ông Năm Đời lãi ròng từ mô hình nuôi cá tra thâm canh 1,4 tỷ đồng.
Ngoài ra, với 6 ha đất trồng nhãn Ido, mỗi năm thu thêm lợi nhuận hơn 500 triệu đồng. Tính ra cả năm 2014, ông Năm Đời đã thu lãi ròng 2 tỷ đồng từ hệ thống ao nuôi cá tra và vườn nhãn đặc sản, nhờ vậy ông Năm Đời được xem là một trong những tỷ phú giàu nhất miệt cù lao Tân Phong.
Related news
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm chứa tạp chất tỉnh Cà Mau, qua công tác rà soát và tuyên truyền vận động, trên 1.200 cơ sở thu mua, sơ chế nguyên liệu thuỷ sản trong tỉnh ký cam kết không thực hiện hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và không thu mua, sơ chế, vận chuyển, kinh doanh tôm có chứa tạp chất. Ðồng thời, có trên 20 doanh nghiệp ký cam kết không thu mua, chế biến tôm có chứa tạp chất.
Đó là đề xuất của ông Lê Minh Trượng, giám đốc Công ty lương thực Sông Hậu, tại cuộc họp với lãnh đạo TP Cần Thơ về giải quyết hàng tồn kho ngày 19/6.
Hiền tính, dễ nuôi, phù hợp với điều kiện ở địa phương nên rắn ri tượng là loài động vật đang được người dân trong huyện U Minh lựa chọn để tạo thêm nguồn thu nhập, có không ít hộ giàu lên từ loài vật nuôi này. Hiện nay một số địa phương cũng hình thành tổ nuôi rắn, với quy mô hàng chục hộ liên kết nhau, số lượng rắn lên đến vài trăm con. Việc thành lập tổ nuôi rắn còn giúp nông dân trao đổi kinh nghiệm và dễ tìm đầu ra với số lượng lớn, giúp người nuôi an tâm.
Tôm thẻ chân trắng rớt giá, dịch bệnh xuất hiện trên diện rộng, tôm xuất khẩu nhiễm dư lượng kháng sinh Oxytetraxycline… Những vấn đề này hiện thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, người nuôi tôm trên cả nước.
Từ khi còn làm lái xe tắc-xi, rong ruổi khắp nơi, anh Nguyễn Ngọc Thức đã khát khao tìm được việc gì đó để có thể làm giàu trên quê hương mình. Sau một thời gian tìm hiểu, năm 2008, anh quyết tâm kinh doanh mô hình nuôi bồ câu Pháp. Ban đầu, với chút vốn liếng giành giụm được và sự hỗ trợ của gia đình, anh Thức mua 400 cặp bồ câu giống với giá 300.000 đồng/cặp về nuôi thử. Một thời gian sau, thấy có triển vọng, anh quyết định mở rộng kinh doanh, mạnh dạn vay vốn từ nhiều nguồn để phát triển con giống.