Tưới nước nhỏ giọt cho cây tiêu: Hướng sản xuất hiệu quả
Cùng với cây cao su, cây tiêu được xem là cây công nghiệp chủ lực trong sản xuất nông nghiệp ở Quảng Bình. Bấy lâu nay, người dân tưới nước cho cây tiêu bằng cách bơm nước lên các mương tiêu để nước tự thấm xuống và tiêu tự rút nước. Tuy nhiên, với đặc điểm khí hậu khắc nghiệt, nguồn nước sản xuất vào mùa khô gặp nhiều khó khăn, người dân đã tiến hành thử nghiệm mô hình tưới nước nhỏ giọt trong trồng tiêu.
Trong ảnh: Đường ống tưới nước nhỏ giọt đang hoạt động tại vườn tiêu 2 năm tuổi của chị Hoài (thị trấn Nông trường Việt Trung).
Là một trong những người tiên phong trong việc ứng dụng mô hình tưới nước nhỏ giọt cho cây tiêu, ông Lưu Đức Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại tổng hợp Thương Ngọc (phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới) chia sẻ: “Trang trại của công ty chúng tôi nằm trên địa hình đồi núi nên việc cung cấp nguồn nước gặp nhiều khó khăn, nhất là về mùa hè, trong khi nhu cầu nước tưới cho các loại cây trồng của trang trại rất lớn, đặc biệt là cây tiêu.
Trước tình hình đó, năm 2015, tôi đã tìm hiểu và đưa vào ứng dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho cây tiêu, bước đầu mang lại hiệu quả cao trong việc phát triển cây tiêu cũng như giảm chi phí sản xuất”.
Mô hình tưới nước nhỏ giọt gồm một đường ống có cấu trúc rất đặc biệt, được lắp đặt gồm 3 bộ phận: máy bơm, bộ điều khiển trung tâm, hệ thống dây nhỏ giọt được đặt chạy dài theo các luống tiêu. Trên đường ống, tại những điểm nhỏ giọt nước đều có áp lực như nhau để luôn giữ lượng nước đồng đều khi tưới, chống xói lở và tăng độ ẩm cho đất, giúp cây tiêu phát triển tốt đều nhau.
Ông Ngọc cho biết sau khi mô hình tưới nước nhỏ giọt mang lại thành công trong việc trồng tiêu, nhiều hộ dân đã đến tìm hiểu và nhờ ông giúp họ lắp đặt mô hình. Đến nay, ông Ngọc đã giúp khoảng 50 hộ dân trên địa bàn tỉnh tham gia mô hình.
Các hộ gia đình thực hiện mô hình tưới nhỏ giọt trong sản xuất tiêu cho biết, cách tưới nhỏ giọt cho cây tiêu không những giảm thiểu đượclượng nước thất thoát mà còn tiết kiệm lượng điện tiêu thụ, công lao động, giúp đất luôn tươi xốp và đặc biệt là đã giảm đáng kể chi phí sản xuất cho người trồng tiêu.
Anh Nguyễn Chính, hộ trồng tiêu ở tiểu khu Hữu Nghị (thị trấn nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch) cho biết: “Cái lợi dễ thấy nhất của việc áp dụng mô hình tưới nhỏ giọt cho cây tiêu là tiết kiệm đáng kể công lao động, do cách tưới cũ phải có người giám sát tưới để khi luống tiêu này đầy nước thì chuyển đường ống sang luống tiêu khác.
Trước đây, khi chạy máy bơm nước với 4 ha trồng tiêu, chúng tôi phải tưới 3-4 ngày mới xong, tuy nhiên với cách tưới nhỏ giọt thì cứ 1 ha tiêu tưới khoảng 2 giờ đồng hồ. Trong một ngày, chúng tôi có thể tưới hết cả vườn tiêu lại không mất tiền thuê nhân công. Đặc biệt, mô hình tưới tiêu nhỏ giọt tuy lượng nước không nhiều nhưng nhờ được thẩm thấu nên giữ được độ ẩm lâu, giúp cây tiêu luôn được phát triển xanh tốt”.
Còn theo chị Hoài, tiểu khu Quyết Tiến (thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch) thì tưới theo cách nhỏ giọt giảm khoảng 60-70% chi phí sản xuất tiêu. Cụ thể, nếu tưới theo cách truyền thống thì 1.200 gốc tiêu tốn khoảng 100 khối nước, trong khi tưới nhỏ giọt chỉ cần 30 khối. Ngoài ra, phương pháp tưới nhỏ giọt còn giúp cây tiêu no tròn hạt và cho sản lượng cao hơn bình thường, do lượng nước được cung cấp đầy đủ và đồng đều.
Nhận thấy nhu cầu áp dụng mô hình tưới nước nhỏ giọt của người dân Quảng Bình còn rất lớn, Công ty TNHH sản xuất thương mại tổng hợp Thương Ngọc quyết định làm đại lý cung cấp hệ thống tưới nước nhỏ giọt để bà con nông dân thuận tiện trong việc lựa chọn sản phẩm cho sản xuất. Ông Ngọc cho biết, ngoài việc áp dụng tưới nước cho cây tiêu, mô hình tưới nước nhỏ giọt cũng có thể áp dụng cho tất cả các loại cây trồng khác bằng các loại dây dẫn, hệ thống phun tưới phù hợp với đặc điểm từng loại cây.
Ông Lê Thuận Trung, Trưởng phòng chuyển giao kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh nhận xét, mô hình tưới nước nhỏ giọt đã và đang mang lại hiệu quả rất thiết thực cho bà con nông dân trong sản xuất. Từ các mô hình thử nghiệm hiệu quả đối với cây tiêu ở huyện Bố Trạch, cây cam ở huyện Lệ Thủy, Trung tâm đang tiến hành nhân rộng mô hình trong toàn tỉnh nhằm giúp bà con nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất cây trồng, đồng thờ,i đây là giải pháp phát triển kinh tế vườn theo hướng bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Related news
Phục vụ gieo cấy vụ xuân 2017 cho khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Nước về đến đâu, bà con nông dân hối hả xuống đồng bơm nước, làm đất, gieo mạ, cấy lúa..
Năm 2016 xuất khẩu gạo nếp vẫn tăng trưởng đáng ngạc nhiên, cả về lượng và giá. Thị trường Trung Quốc vẫn đang “rình rập” mặt hàng lúa nếp của Việt Nam
Vụ đông-xuân năm nay, tỉnh ta đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi, từ ngập úng cho đến sâu bệnh phá hoại. Các địa phương đang tích cực, chủ động “chạy đua”