Tuổi chuột nuôi rắn kiếm tiền tỷ
Nguyễn Ngọc Quyết, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn (Hà Nội), tuổi cầm tinh con chuột (1984) nhưng lại mát tay với nghề nuôi rắn. Quyết đang sở hữu trang trại nuôi rắn hổ trâu “khủng”, với thu nhập nửa tỷ đồng mỗi năm.
Trong ảnh: Cận cảnh một ổ trứng rắn hổ trâu. Ảnh: Thu Hà
Bí thư đoàn mê rắn
Đến thôn Phú Hữu hỏi nhà Nguyễn Ngọc Quyết, người dân chỉ ngay ngôi nhà 2 tầng khang trang, nổi bật có kiến trúc độc đáo, với cổng đá to đẹp nhất làng. Chúng tôi tới thăm khi anh cùng các thanh niên trong làng đang tất bật làm trại cho các em nhỏ chơi trung thu. Hỏi ra mới biết anh Quyết là Bí thư Đoàn thanh niên thôn Phú Hữu. Anh Quyết phấn khởi nói: “Tôi tay trắng lập nghiệp. Có được cơ ngơi này là nhờ cả vào đàn rắn đấy. Mình làm cán bộ đoàn, nhà mình cũng là nơi sinh hoạt của đoàn thanh niên thôn”.
Quyết kể, bố mẹ anh làm nghề nông, hoàn cảnh rất khó khăn. Tốt nghiệp cấp 3, anh đi học nghề lái máy ủi, máy xúc những mong đổi đời. Tuy nhiên, trái với ước mơ và dự định, nghề công nhân vốn nhọc nhằn, nguy hiểm mà thu nhập lại chẳng đáng là bao. Anh thường xuyên phải đi theo các công trình tại các vùng hẻo lánh Tây Bắc. Có khi, cả năm chỉ về thăm gia đình được 1, 2 lần.
Vào dịp cuối năm 2006, trong một lần về ăn Tết cùng gia đình, Quyết bị tai nạn gãy xương đùi. Ròng rã một năm trời chữa trị anh mới đi lại được. “Nhiều đêm liền tôi nghĩ đến tương lai mà thấy mù mịt, bế tắc quá. Sau tai nạn, sức khỏe tôi suy yếu rõ rệt, không thể tiếp tục theo nghề lái máy ủi, máy xúc như trước nữa. Tôi đau đáu với suy nghĩ mình phải làm gì để không trở thành gánh nặng cho bố mẹ khi tuổi đời còn trẻ”, anh Quyết ngậm ngùi nhớ lại.
Thế rồi tình cờ trong một lần về quê ngoại ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), vốn nổi tiếng với nghề nuôi rắn. Ngỡ ngàng thấy cơ ngơi hoành tráng của nhiều người thân chỉ nhờ vào nuôi rắn. Anh mê ngay những con rắn “gớm giếc”. Lúc đó anh chỉ nghĩ đơn giản họ làm được thì tại sao mình không thể. Thế là anh gom góp tiền quyết định khởi nghiệp với nghề nuôi rắn hổ trâu. Thấy hoàn cảnh khó khăn, họ hàng bán 30 con rắn với giá “vừa bán vừa cho”. Anh đến với nghề nuôi rắn hổ trâu với một cơ duyên như thế.
Cắm sổ đỏ nuôi con đặc sản
“Nuôi con gì cũng vậy phải kiên trì gắn bó với chúng. Thực tế trong thôn có nhiều hộ nuôi rắn nhưng không phải ai cũng đeo bám, quyết sống chết với nghề” Anh Nguyễn Ngọc Quyết
Vốn chỉ quen cầm vô lăng lái máy ủi, máy xúc nên khi đến với nghề nuôi rắn, anh Quyết gặp rất nhiều khó khăn. Anh phải cặm cụi nhờ vả người thân ở Vĩnh Phúc chỉ bảo từ những điều nhỏ nhất. Vừa nuôi vừa tìm tòi tự rút kinh nghiệm. Nhưng khó khăn nhất với anh lúc bây giờ là đồng vốn eo hẹp, bởi vốn đầu tư con giống và thức ăn khá đắt đỏ.
“Thức ăn của rắn hổ trâu là chuột, cóc, ếch, nhái… Chúng ăn rất sạch và đảm bảo con mồi phải còn sống. Để nuôi được 1kg rắn thương phẩm cần đầu tư 9 kg thức ăn. Như vậy để rắn thương phẩm đủ điều kiện xuất bán có trọng lượng 2 kg cần tiêu tốn 18 – 20 kg thức ăn. Với giá 25.000 – 30.000 đồng/kg thức ăn, chi phí cho mỗi con rắn đến lúc bán lên tới 500.000 đồng”, anh Quyết chia sẻ.
Để có tiền cho con trai đầu tư nuôi rắn, bố mẹ anh đã phải “cắm” sổ đỏ vay vốn ngân hàng. Thời điểm năm 2007, anh Quyết là người đầu tiên ở xã thử nghiệm mô hình nuôi rắn hổ trâu. Quyết định đầu tư đầy rủi ro ấy từng bị mọi người cho là “dở hơi”. Có người còn bảo anh “khùng”, ăn còn chẳng đủ lại đòi nuôi con đặc sản.
Bỏ ngoài tai mọi lời đàm tiếu, anh Quyết cặm cụi chăm sóc đàn rắn. Ngày cũng như đêm, anh theo dõi sát sao từng diễn biến của đàn rắn để có điều chỉnh kịp thời. Thậm chí, anh nhận ra cả tiếng khò khè khi rắn bị bệnh viêm phổi. Quả nhiên “Trời không phụ lòng người”, ngay lứa đầu, anh Quyết đã bội thu với số tiền lãi lên đến hàng chục triệu đồng. Được đà anh tiếp tục mở rộng quy mô nuôi rắn thương phẩm.
“Ban đầu, tôi chỉ định nhập rắn về nuôi thương phẩm, nhưng sau thấy chăn nuôi đơn giản, ít tốn kém, thu nhập cao, nên tôi đã tìm hiểu và xây dựng mô hình nuôi rắn sinh sản để nhân giống, cung cấp trứng rắn và rắn giống ra thị trường”.
Anh Quyết bảo, giống như nuôi rắn thương phẩm, lúc bắt đầu chuyển sang nuôi rắn sinh sản anh gặp không ít khó khăn. Năm 2009, rắn thương phẩm được giá, đặc biệt trứng rắn “đội giá” lên 300.000/quả, anh quyết định nhập 200 con rắn cái về đẻ trứng và nhân giống. Vì còn “non tay”, chưa phân biệt rắn đực – cái nên lứa rắn nhập đợt ấy có đến 3/4 là rắn đực, nuôi mãi chỉ thấy rắn to ra chứ không đẻ được trứng. Chuyến ấy, anh lỗ vài chục triệu đồng.
Tiếp bước thành công
“Có một điều rất lạ, những lúc đứng trước khó khăn như vậy nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Càng gắn bó với con rắn, tôi càng thấy đam mê nên quyết tâm phải bám trụ lấy nó. Đến bây giờ không cần nhìn, nhắm mắt sờ tôi cũng biết đâu là con rắn đực, đâu là rắn cái. Khi đã hiểu được con rắn thì sẽ thấy đây là con vật nuôi dễ tính hơn tất cả những con vật nuôi khác”, anh Quyết thổ lộ.
Anh Quyết hướng dẫn cách phân biệt rắn đực và rắn cái. Ảnh: Thu Hà
Hiện tại, trại rắn của anh Quyết có trên 300 rắn đẻ, lượng rắn con và trứng rắn liên tục được các thương lái mua đặt mua hết. 6 tháng đầu năm 2016, trại rắn của anh cung cấp ra thị trường trên 500 con rắn thương phẩm, 1.000 con rắn giống và 600 trứng rắn. Anh Quyết khoe: “Năm nay rắn được giá. Thời điểm này, trứng rắn bán ra thị trường khoảng 100.000/quả, rắn nở có giá 150.000 – 170.000 đồng/con. Với rắn thương phẩm, giá loại 1 với cân nặng 1,5kg/con trở lên là 520.000 đồng/kg, loại 2 với cân nặng 1kg – 1,4kg/con giá 380.000 đồng/kg. Hiện tại gia đình tôi “cung không đủ cầu” do các thương lái luôn đặt hàng trước”.
Để việc làm ăn bài bản, anh Quyết còn đầu tư cả xe bán tải để giao sản phẩm tận nơi cho khách hàng. Chia sẻ kinh nghiệm thành công anh Quyết bộc bạch: “Để có rắn con giống khoẻ mạnh, khâu chọn giống rắn bố mẹ rất quan trọng và ảnh hưởng lớn đến chất lượng sau này. Cần chọn rắn đực đuôi to, bụng trắng. Còn rắn cái nên chọn những con có thân hình tròn, màu sắc bóng mượt, nhiều viền đen hai bên dưới bụng kết dính liền nhau. Rắn đực và rắn cái phải khác dòng để khi lai tạo tránh trùng huyết”.
Dù giá cả thị trường thường xuyên biến động, trại rắn hổ trâu của anh Quyết năm nào cũng cho thu nhập đều đặn 500 triệu đồng trở lên. Nhà anh vừa là trang trại vừa là nơi giao dịch với khách hàng.
Related news
Tại Sóc Trăng, mô hình nuôi cá trê theo hình thức công nghiệp và nuôi tự nhiên kết hợp nuôi công nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao.
Anh Lương Tuấn Đại (dân tộc Tày) ở thôn 4 Thuốc Hạ, xã Tân Thành, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang xây dựng được mô hình trồng cam với thu nhập gần 1 tỷ đồng mỗi năm.
Với diện tích 700m2 vườn, nông dân trẻ Tạ Công Soái (SN 1982, ở thôn Đồng Nhân, xã Đông La, huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã có doanh thu cả tỷ đồng mỗi năm.