Tuần lễ Thủy hải sản bền vững 2015 lần đầu tiên được tổ chức

Thông qua Tuần lễ Thủy hải sản bền vững 2015, WWF nỗ lực nâng cao nhận thức người tiêu dùng về công tác quản lý có trách nhiệm trong ngành thủy hải sản tại Việt Nam. Qua đó, chương trình kỳ vọng tập hợp các mắt xích chính trong chuỗi cung ứng thủy hải sản tại Việt Nam – từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng – trong một nhiệm vụ chung là đưa thuỷ hải sản có chứng nhận quốc tế về nuôi trồng, khai thác có trách nhiệm thành một sản phẩm đại trà tại thị trường nội địa trong tương lai gần, từ đó cải thiện môi trường và bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng Việt Nam.
Đánh giá về vai trò của người tiêu dùng đối với việc phát triển thủy hải sản bền vững, Giám đốc WWF Việt Nam cho rằng, người tiêu dùng nắm giữ sức mạnh tạo ra nhu cầu thị trường, do đó đóng vai trò quan trọng trong việc dịch chuyển các ngành kinh tế theo hướng phát triển bền vững. Việc người tiêu dùng lên tiếng khuyến khích các hộ nuôi và nhà sản xuất tiếp tục nỗ lực phát triển thủy, hải sản bền vững tại Việt Nam sẽ góp phần to lớn giúp nhân rộng mô hình sản xuất thủy hải sản có trách nhiệm trong nước, nâng cao tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và giảm tác động của ngành đến môi trường.
Về phía doanh nghiệp, đại diện một đơn vị xuất khẩu thủy sản hàng đầu tại Việt Nam, và là nhà cung cấp các sản phẩm chứng nhận ASC trong Tuần lễ Thủy Hải Sản Bền Vững 2015, cho biết: Phát triển bền vững có thể nằm trong lộ trình của mỗi doanh nghiệp, nhưng nếu người tiêu dùng chưa nhìn thấy lợi ích từ sản phẩm được sản xuất có trách nhiệm so với sản phẩm thông thường, các công ty dễ thấy hoài nghi về kết quả thu được khi đầu tư vào việc này. Đặc biệt trong thị trường cạnh tranh mạnh mẽ như hiện nay, chỉ sản xuất có trách nhiệm là chưa đủ, nếu doanh nghiệp không thúc đẩy tiêu dùng có trách nhiệm. Các chương trình thu hút sự tham gia của người tiêu dùng, như Tuần lễ Thủy Hải Sản Bền Vững lần này, sẽ góp phần đáng kể cho sự mở rộng thực hành bền vững trong ngành thủy hải sản Việt Nam.
Trong Tuần lễ Thủy hải sản bền vững 2015, WWF giới thiệu đến người tiêu dùng Việt Nam hai nhãn chứng nhận sinh thái quốc tế ASC (Aquaculture Stewardship Council) và MSC (Marine Stewardship Council). Các dự án gần đây do WWF hỗ trợ đã và đang giúp thủy hải sản sản xuất tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đạt được các chứng nhận này. Ví dụ, số lượng trại nuôi đạt chứng nhận ASC tại ĐBSCL đã tăng gần 9 lần, từ 5 trại vào năm 2012 lên 43 trại vào năm 2014. Tuy nhiên, người tiêu dùng Việt Nam hầu như chưa biết đến sự tồn tại của các sản phẩm này cũng như chưa tiếp cận được với chúng, vì hầu hết thủy hải sản đạt chứng nhận ASC và MSC tại Việt Nam đều được xuất khẩu và gần như không có mặt tại thị trường nội địa.
Hướng tới ủng hộ sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm, trào lưu ngày càng phổ biến trên thế giới và dần trở thành một phần quan trọng của lối sống hiện đại, lành mạnh và tích cực, Tuần lễ Thủy Hải Sản Bền Vững với thông điệp “Ăn đúng kiểu – Hiểu đúng nguồn”, khuyến khích người tiêu dùng Việt hòa cùng cộng đồng quốc tế hỗ trợ sự phát triển của các sản phẩm đến từ nguồn có trách nhiệm.
Trong 10 ngày sự kiện, ngoài việc sản phẩm thủy hải sản nuôi trồng có trách nhiệm tại Việt Nam được giới thiệu đến với thị trường nội địa qua nhiều nhà hàng, chương trình thu hút người tiêu dùng tham gia vào các hoạt động thú vị để nâng cao nhận thức về thủy hải sản bền vững, trong đó bao gồm triển lãm thông tin, nhảy flashmob theo chủ đề và các trò chơi hào hứng tại Crescent Mall, Quận 7, thành phố Hồ Chí Minh.
Người tiêu dùng có thể truy cập trang www.cabenvung.vn để xem danh sách các nhà hàng tham gia vào chương trình, và đăng ký ủng hộ thủy hải sản bền vững tại Việt Nam.
Related news

Để giúp hội viên có vốn đầu tư, tiêu thụ sản phẩm, Hội ND xã Quy Đức, huyện Bình Chánh đã vận động các hộ trồng lan thành lập tổ hợp tác (THT).

Ngày 11/11/2011, Nghiệp đoàn khai thác hải sản Bình Hưng 3 (Phan Thiết, Bình Thuận) ra đời trên cơ sở Tổ hợp tác sản xuất trên biển số 3 trước đây, thu hút 121 đoàn viên của năm tàu đánh bắt xa bờ, công suất mỗi chiếc trên 300 CV. Tổng Liên đoàn Lao động VN đã hỗ trợ 100 triệu đồng cho mô hình này của Bình Thuận.

Ngày 19/8, Trường Đại học Thủy Lợi phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Xây dựng mô hình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính bằng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu.

Vụ mùa năm nay người dân ở Khánh Sơn (Khánh Hòa) bị thất thu do mít nghệ mất mùa. Trong thời kỳ ra hoa đậu quả, mít phát triển bình thường, nhưng gần đến khi thu hoạch thì thối trái và rụng hàng loạt.

Từ cuối năm 2012 đến nay, lượng đường tồn kho trong nước luôn ở mức cao kỷ lục (khoảng 500 nghìn tấn). Mặc dù các cơ quan chức năng đã dồn sức tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường nhưng vẫn chưa thật sự có hiệu quả. Ðể giải bài toán khó này, cần quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ từ các ngành, các cấp.