Từ vụ tiêu hủy 80 con heo nhiễm chất cấm lỏng lẻo quản lý heo VietGAP
Nên nhớ là, rất nhiều doanh nghiệp cam kết phân phối, kinh doanh 100% heo đạt chứng nhận VietGAP, tuy nhiên trên thực tế, việc thu mua heo đầu vào cũng chỉ thông qua thương lái. Tình trạng trà trộn heo thường vào heo VietGAP là điều dễ xảy ra.
VietGAP: Hộ chăn nuôi tự đảm bảo?
Như NTNN đã thông tin, ngày 27.4, lô hàng 80 con heo thịt của ông Nguyễn Văn Toàn - Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Trà (Long An) chuẩn bị nhập vào Công ty TNHH MTV Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) để giết mổ, chế biến bị phát hiện có chất tạo nạc Salbutamol và phải tiêu hủy. Đến sáng 28.4, Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai đã thành lập đoàn kiểm tra, truy xuất nguồn gốc của lô heo này.
Ông Trần Văn Quang – Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai cho biết, qua kiểm tra ban đầu, lô hàng này được ông Nguyễn Văn Toàn thu mua của hộ ông Vi Hướng Mạnh – Tổ trưởng Tổ VietGAP (thuộc dự án Lifsap Đồng Nai) tại ấp 3, xã lộ 25, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai và hộ ông Trần Anh Hiếu, là xã viên của Tổ VietGAP nêu trên.
Cụ thể, ngày 20.4, ông Vi Hướng Mạnh thông báo xuất bán 45 con heo thịt còn ông Trần Anh Hiếu xuất bán 35 con. Sau khi nhận được thông tin, cán bộ thú y địa phương đã có mặt để thực hiện các công tác kiểm dịch, cấp giấy kiểm dịch cho lô hàng.
Ngoài các thủ tục kiểm dịch thông thường, nếu heo từ trang trại VietGAP xuất đi thì trong chương trình phối hợp giữa TP.HCM với các tỉnh, cán bộ thú y phải đóng dấu VietGAP cho heo. Tuy nhiên, trong quy định về kiểm dịch động vật của Bộ NNPTNT, cán bộ thú y không thực hiện việc kiểm tra dư lượng chất cấm trong heo VietGAP.
“Chúng tôi có xem xét các giấy chứng nhận VietGAP khi cấp giấy kiểm dịch xuất chuồng, tuy nhiên, chất lượng heo VietGAP thế nào là do chủ hộ chăn nuôi tự đảm bảo. Còn với cán bộ thú y chỉ kiểm tra lâm sàng, dịch bệnh… nếu không có vấn đề gì nghi ngờ thì trong vòng 1 ngày phải cấp giấy chứng nhận cho heo để xuất chuồng”- ông Quang nói.
Cũng theo ông Quang, để được chứng nhận VietGAP, hộ chăn nuôi phải đạt rất nhiều các tiêu chí về an toàn trong chăn nuôi. Tuy nhiên, sau khi được chứng nhận, việc nông hộ thực hiện VietGAP như thế nào, theo dõi, giám sát quá trình này ra sao hoàn toàn trên tinh thần tự giác của nông hộ. Giấy chứng nhận VietGAP có giá trị 2 năm, trong thời gian này, nông hộ quay vòng nuôi rất nhiều lứa heo nhưng việc quản lý thì hoàn toàn giao cho “ông tổ trưởng”.
Ông Huỳnh Tấn Phát – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM cũng cho biết, tất cả các cơ sở giết mổ trên địa bàn TP.HCM đều có bố trí cán bộ thú y thực hiện kiểm tra lâm sàng các sản phẩm động vật thường xuyên. Tại đây, tất cả những lô có nghi ngờ sử dụng chất cấm đều được lấy mẫu để kiểm tra, xét nghiệm.
Phải giữ niềm tin của người tiêu dùng
Đơn vị cấp chứng nhận cũng phải giám sát thực hiện VietGAP
Ông Trần Văn Quang – Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai cho rằng, hiện tại, các tổ chức chứng nhận VietGAP sau khi hoàn thành việc kiểm tra, cấp chứng nhận xong là họ… đi mất, không quan tâm gì tới việc chủ trang trại hay nông hộ có tuân thủ các tiêu chí VietGAP nữa hay không. Do đó, các đơn vị này cũng phải tham gia giám sát việc thực hiện VietGAP trong suốt quá trình giấy chứng nhận họ cấp có giá trị.
Việc lô hàng 80 VietGAP bị tiêu hủy vì có chất cấm khiến người tiêu dùng lo lắng, nhất là trong bối cảnh thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay. Nhiều ý kiến nhấn mạnh rằng, từ cơ quan chức năng, người chăn nuôi đến các hộ kinh doanh giết mổ, chế biến thực phẩm phải giữ lấy niềm tin của người tiêu dùng.
Ông Trần Văn Quang cho rằng, hiện nay, nhiều địa phương đang tích cực xây dựng các chuỗi thực phẩm sạch, người tiêu dùng cũng dần tin tưởng và chọn sử dụng những sản phẩm có chứng nhận đảm bảo về chất lượng. Đây là cơ hội cho các đơn vị, chủ trang trại, nông dân làm ăn chân chính, tuy nhiên, cũng là kẽ hở cho những đối tượng lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng để làm ăn thu lợi bất chính, trong đó có cả một số doanh nghiệp lớn.
Ông Quang dẫn chứng, Đồng Nai đang cố gắng xây dựng trang trại VietGAP nhưng tới nay, trong tổng số 1.540 trang trại heo chỉ mới có 8 trang trại được công nhận VietGAP. Ngoài ra, có 1.040 nông hộ tham gia VietGAP, thuộc 52 nhóm của 3 vùng Lifsap là Xuân Lộc, Long Khánh và Thống Nhất, nhưng chỉ mới có hơn 620 nông hộ được cấp chứng nhận VietGAP.
“Dù chúng tôi đang rất nỗ lực, nhưng mới có 28.000 heo được cấp chứng nhận VietGAP, thuộc nhiều loại heo khác nhau như heo giống, heo thịt… Như vậy, số lượng heo VietGAP ở đâu ra mà cung cấp cho đủ thị trường?”- ông Quang đặt vấn đề.
Ông Nguyễn Văn Quyết - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ cũng thừa nhận, cần phải rõ ràng, minh bạch và xử lý nghiêm những trường hợp gian dối, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, kể cả những hộ có chứng nhận VietGAP. Có như vậy mới giữ được lòng tin của người tiêu dùng với thực phẩm nội địa.
Related news
Gia đình anh Cao Văn Hoàng,ở xóm 1 xã Nghi Văn (Nghi Lộc) đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng trang trại nuôi lợn nái ngoại, mỗi năm thu lãi trên 2 tỷ đồng.
Chỉ nuôi hơn 100 con chim trĩ xanh thuần chủng nhưng mỗi năm có thể thu lãi trên 1 tỷ đồng từ việc bán con giống. Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Minh Tuệ, chủ trang trại chim trĩ xanh ở xã Giao Tiến (Giao Thủy, Nam Định) khi nói về kinh nghiệm nuôi loài quý hiếm này.
Ở xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa), anh Trương Hồng Minh là người tiêu biểu trong chuyển đổi phương thức nuôi gà, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.