Tự ủ phân sinh học từ cá, bánh dầu và trứng
Anh Lê Hữu Thỏa là chủ khu vườn đa canh ở xã Thanh Bình (Trảng Bom, Đồng Nai) có kinh nghiệm tự ủ phân sinh học từ cá ngót chục năm qua. Vườn của anh Thỏa trồng nhiều loại cây như hồ tiêu, chuối xiêm, rau... mỗi loại trồng riêng từng khu vực.
Sau thời gian thu thập thông tin, kinh nghiệm về cách ủ, cách tưới phân sinh học, anh Thỏa xây dựng công thức ủ cá bằng phương tiện riêng của mình cũng như cách phun, tưới riêng cho từng loại cây. Anh Thỏa cho biết, sau khi làm phân sinh học từ cá, cũng đã làm được phân sinh học từ bánh dầu (bã đậu phộng, đậu nành), bằng trứng và đã sử dụng phân tự ủ cho tất cả các loại cây trồng của vườn nhà.
Các loại rau, quả được chăm bón bằng phân sinh học đều xanh tốt, ít sâu bệnh, năng suất cao, tuy có tùy thuộc vào mức độ phân bón. Điều khác biệt ở chỗ sản phẩm kể từ rau xanh, trái cây bảo quản được lâu, hồ tiêu đầy đặn “sáng mã”, dễ tiêu thụ và được thị trường trả giá cao.
Về cách chăm bón, anh Thỏa giải thích: cá chứa nhiều protein, tuy nhiên cây trồng muốn hấp thu được thì các protein phải được phân giải ra các chất có cấu trúc thấp hơn, đó là acid amin. Cá chứa rất nhiều vitamin, vi lượng và khoáng chất giúp cây trồng bổ sung dinh dưỡng cực nhanh. Cây trồng hấp thu phân vi sinh ủ từ cá qua lá và qua thân là tốt nhất vì lá có khả năng thẩm thấu acid amin. Diện tích bề mặt của lá và thân lớn hơn rất nhiều so với rễ, hơn nữa các chất dinh dưỡng từ cá sau khi ủ vẫn là các chất cao phân tử nên hấp thụ và vận chuyển qua rễ cây kém hơn so với hấp thu trực tiếp từ lá và thân cây qua khí khổng. Dù cho rằng tốt nhất là phun phân qua lá nhưng trong thực tế sản xuất, tùy thuộc từng loại cây lớn - nhỏ, lấy trái - lấy lá, khi nào thuận thì phun lá, khi khác thì tưới gốc. Nên phun phân cá vào buổi sáng và chiều mát.
Ngoài rau quả, anh Thỏa áp dụng phân sinh học để trồng nấm linh chi, nấm bào ngư. Khi trộn phân sinh học với cơ chất làm giá thể trồng rau (gì) hay nấm (gì) thì mình biến thể cho phù hợp. Việc tự làm phân sinh học bằng nguyên liệu sẵn có ở địa phương giúp giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận. Việc áp dụng phân sinh học có ý nghĩa bền vững do tăng cường sinh lý đất, giúp cải thiện “sức khỏe” của đất trồng. Dưới mặt đất vườn được tưới bằng phân sinh học giun (trùn) hổ, giun xoăn nhiều vô kể. Phân sinh học và lá cây mục đã tạo ra môi trường cho chúng trú ngụ và sinh sôi trong khu vườn, ngày đêm đảo trở cho đất tơi xốp giúp bộ rễ cây phát triển tốt. Khu vườn xanh rờn quanh năm chứng minh điều anh Thỏa nói.
Về kinh nghiệm ủ phân vi sinh từ cá không còn nặng mùi, anh Thỏa cho biết, nên sử dụng EM gốc (hàng xịn), tự nhân sinh khối lên 20 lần (quá rẻ vì hạ giá thành sản phẩm), vẫn hiệu quả. Trong thời gian ủ phải thúc đẩy quá trình thủy phân thật nhanh bằng cách: xay cá trước khi bỏ vào phuy ủ. Cho thêm nhiều trái thơm (dứa) và đu đủ chín (xay, bằm nhỏ), đổ men đã nhân sinh khối vào phuy ủ càng nhiều càng tốt và thu hẹp hết cỡ khoảng trống trong phuy ủ. Kết quả là phân ủ xong chỉ có hơi mùi mắm thôi chứ không hôi.
Related news
Điển hình của mô hình khoan giếng lấy nước ngọt là anh Lê Văn Thảo, ngụ ấp Thừa Tiên. Anh Thảo trồng rau màu quanh năm trên diện tích hơn 2.000m2 đất, luân vụ
Kỹ thuật trồng cây đại đế xanh có thể theo cách giâm cành. Cây mang nhiều ý nghĩa phong thủy như thịnh vượng, sự vững chãi cho gia chủ.
Rau ngổ không cần bám đất bùn, không tốn chi phí giống, công chăm sóc, nhưng đem lại thu nhập cao cho bà con nông dân.