Từ Bá Đạt, bất đắc dĩ thành vua giống nếp thơm đặc sản ở An Giang
Ở vùng rốn lũ Tứ giác Long Xuyên có một nhân vật được nông dân trong vùng tôn là “Vua giống nếp” thì ít ai biết bởi lẽ giống nếp lai của ông làm ra chưa được phổ biến rộng rãi dù chất lượng vượt hẳn nếp Thái và năng suất cao ngất ngưỡng gần 10 tấn/ hecta. Ông tên là Từ Bá Đạt, người mê làm giống nếp thơm hơn 5 năm qua quê ở xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.
Từ thợ vẽ, giáo viên... rồi thành vua.
Về Thạnh Mỹ Tây vào những ngày cuối tháng 8, không khí ngày mùa bổng dưng rộn rả, tiếng nói tiếng cười vang trên cánh đồng lúa chín, hỏi thăm thì mới biết nông dân vùng này có vụ mùa thu hoạch bội thu. Không mấy khó để tìm ra cơ ngơi của “Vua giống nếp” Từ Bá Đạt, bởi ông quá nổi tiếng ở vùng này.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà bốn bề bao phủ bởi lúa, nếp là một người đàn ông nhỏ nhắn chừng 55 tuổi áo dính đầy tro bụi vì mải mê với đồng áng. Ông kể: “Trước đây vì gia cảnh nghèo tôi phải bỏ con đường làm nghệ thuật và bỏ luôn cả nghề gỏ đầu trẻ mà quay lại quê nhà gắn bó với mảnh vườn, cây lúa”. Sức kiên trì bền bỉ trong ngành hội họa như là bản chất trui rèn ý chí vượt khó vươn lên của một chàng trai nghèo khó năm nào.
Từ bỏ ước mơ làm họa sỹ, nghề dạy học, năm 1991 ông thừa hưởng 1 hecta đất ruộng của ông bà rồi lao vào nghề nông, 1993 tích cóp thêm ít vốn ông sắm thêm 2 hecta. Nhờ bám trụ với nghề, năm nào cũng vậy, ruộng lúa của ông cũng trúng mùa với năng suất vượt trội có lẽ vì đất không phụ tình người nên chấp nhận sự miệt mài, gắn bó ngày đêm của ông trên cánh đồng.
Không bằng lòng với hiện tại, từ chuyện bức xúc tại sao xứ sở nước ta có điều kiện đất đai phù hợp mà phải nhập nếp Thái về sử dụng, đó cũng là lý do giải thích vì sao cây nếp như người bạn đời thứ hai mà ông cùng ăn, cùng ở rồi cùng đồng hành nghiên cứu.
Sau gần 4 năm vật lộn với công trình thử nghiệm, kết quả đã thành công mỹ mãn. Hạt nếp của Từ Bá Đạt ra đời có độ dẻo và mùi thơm đặc trưng gây bất ngờ cho nhà nông trong vùng, điều đáng quan tâm hơn là năng suất vượt trội so với các giống nếp đặc sản của những vùng chuyên canh nếp ở An Giang, hay nếp ngoại nhập từ 1 - 1,5 tấn/ hecta.
Lai tạo thành công, ông tạm đặt tên cho đứa con tinh thần của mình là BĐ 1, sau đó đổi thành TMT 1 (tức là lấy tên của quê hương ông đặt tên cho giống mình lai tạo) rồi chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp, chuyển giao kỹ thuật cho nhiều nông dân trong vùng sản xuất.
Một điều bất ngờ làm cho tiếng tâm của ông vang rộng là vụ Đông xuân 2013, nông dân vùng Tân Lập, huyện Tịnh Biên, vùng Thạnh Mỹ Tây, Vĩnh Thạnh Trung, vùng Bình Chánh và Bình Phú huyện Châu Phú săn lùng giống nếp mới về trồng thử với diện tích khá lớn và trúng mùa với năng suất vượt trội 10 tấn/ hecta. Đó cũng là mốc thời gian “Vua giống nếp” lên ngôi.
Quyết giữ gìn và duy trì nòi giống.
Mặc dù đứa con tinh thần của mình chưa được khai sinh nhưng ông Đạt quyết tâm nuôi dưỡng và tiếp tục giữ gìn nó cho đến cùng. Trong diện tích canh tác lúa, mùa vụ nào ông cũng dành 13 thửa đất (mỗi thửa từ 30 - 40m2) trồng 13 dòng nếp cùng giống Thạnh Mỹ Tây để so sánh, tìm các gen trội, tuyển chọn nhân giống.
Tâm đắc với giống nếp thơm đặc sản do mình tạo ra vì được bà con nông dân trong vùng ưa chuộng, hiện nay hầu hết các thành viên Tổ hợp tác Nông nghiệp Thạnh Mỹ Tây đều được tập huấn, nâng cao kỹ thuật và cùng nhau hợp tác nghiên cứu cùng ông Đạt để tìm hướng đi chung cho cây nếp Thạnh Mỹ Tây, đó là tâm huyết chung của nhiều thành viên Tổ giống.“Chất lượng nếp thơm ngon, dẻo, tính ưu việt của nó hơn hẳn nếp Thái.
Giống nếp thơm của Từ Bá Đạt có thời gian sinh trưởng ngắn ngày mà kháng được sâu bệnh nên nhiều nông dân ưa chuộng, thích trồng.
Năng suất vượt trội có thể từ 9 - 10 tấn/ hecta (vụ Đông xuân); 8,5 tấn/ hecta (vụ Thu đông); 7,5 tấn/ hecta (vụ Hè thu). Thời gian ngắn, nếp này có thể trồng 3 vụ mà tại sao nông dân chúng ta không ứng dụng nó để làm giàu.
Chúng tôi đang cùng anh Đạt quyết tâm đề nghị cấp trên công nhận cho giống nếp có tên tuổi chính quy để tiếp tục phát triển diện tích và đưa giống mới ra thị trường tiêu thụ rộng rãi vì chất lượng nếp rất ngon, hạt to, ít bị sâu bệnh”, ông Trần Thanh Chương, thành viên Tổ sản xuất giống ở Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú bức xúc nói.
Ưu điểm của giống nếp thơm đặc sản TMT 1 là khá cứng cây, đẻ nhánh mạnh, kháng sâu bệnh tốt, thích hợp với vùng đất sản xuất 3 vụ/ năm như những vùng láng ở Thạnh Mỹ Tây hay những nơi khác của tỉnh An Giang. Thời gian sản xuất vụ Đông xuân khoảng 97 ngày, Hè thu và Thu đông khoảng 100 ngày, năng suất từ 9 - 10 tấn/ hecta.
Cơm nếp có mùi đặc trưng, thơm mùi lá dứa, dẻo và mềm, gói bánh tét, nấu xôi, cơm rượu hay làm bất cứ món ăn nào cũng đều ngon.
Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục chọn dòng thuần hơn để nâng cao chất lượng sản phẩm. 13 thửa ruộng thực nghiệm, có 8 dòng thuần để so sánh ưu thế chất lượng và rút ngắn thời gian sinh trưởng xuống 90 ngày.
Trong đó, ông chú ý 2 dòng trội: Bông đùm to, hạt dài và tỷ lệ chắc cao, trông rất đẹp mắt; dòng vỏ mỏng, hạt dài, đặng gạo, mùi thơm đặc trưng, phù hợp thị hiếu tiêu dùng. “Với một công trình nghiên cứu mang tính ưu việt như vậy tôi quyết tâm nuôi dưỡng đứa con tinh thần của mình cho đến cùng, có nghĩa là phải từng bước nhờ ngành nông nghiệp, các ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi hợp thức hóa ý tưởng sáng tạo rồi phổ biến hạt giống giúp nông dân có cơ hội làm giàu”, ông Từ Bá Đạt chia sẻ.
Chia tay “Vua giống nếp” ở Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang chúng tôi thiết nghĩ nhà nước phải có một cơ chế thoáng hơn, ưu ái hơn nhất là phải chú tâm tháo gỡ rào cản pháp lệnh sản xuất và kinh doanh giống cây trồng, từ đó những người có đầu óc sáng tạo như Từ Bá Đạt mới nuôi dưỡng ý chí nghiên cứu và tìm ra giải pháp ứng dụng giống mới hơn vào thực tiễn, qua đó hầu giải quyết thực tế câu chuyện chuyển đổi tái cơ cấu giống cây trồng giúp nhà nông nước ta cùng nhau làm giàu, phát triển kinh tế và ước mơ phát triển “giống nếp thơm đặc sản Thạnh Mỹ Tây” của Từ Bá Đạt ra thị trường mới trở thành hiện thực.
Related news
Mặc dù thời điểm này đang là vụ chính đánh bắt cá ngừ ở Phú Yên, song hầu hết các chủ tàu đánh bắt xa bờ buộc phải chuyển hướng làm ăn...
Đã hơn 1 năm trôi qua kể từ khi Quyết định 580 về chính sách hỗ trợ giống để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây màu ở ĐBSCL có hiệu lực nhưng tiền hỗ trợ vẫn chưa đến được với nông dân.
Theo kế hoạch đến năm 2016, các DN do Bộ NN-PTNT quản lí về cơ bản sẽ gần như không còn DN 100% vốn nhà nước.
Hà Giang hiện lên trước mắt chúng tôi là dặc dài núi đồi lô nhô với đá tai mèo rợn sắc. Đất canh tác khan hiếm, nước chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên.
Việt Nam – Lào có truyền thống hợp tác, gắn bó lâu đời không chỉ trong thời chiến mà khi bước sang thời kỳ đổi mới, phát triển, mối tình hữu nghị, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước lại càng thắt chặt.