Trứng vịt rớt giá
Với đàn vịt đẻ trên 6 ngàn con, từng một thời gia đình anh Nguyễn Văn Phúc ở xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp ăn nên làm ra với nghề nuôi vịt đẻ. Tuy nhiên, trong vòng chưa đầy 10 ngày (từ ngày 24 tháng Chạp đến mùng 6 Tết), anh Phúc phải chịu lỗ trên 100 triệu đồng. Do không đủ khả năng lo tiền thức ăn cho đàn vịt nên ngay từ mùng 6 Tết anh Phúc đã cho chạy đồng để hạn chế chi phí thức ăn cho đàn vịt.
Anh Phúc tâm sự: “Mọi năm giá trứng vịt vào dịp Tết Nguyên đán khá cao, năm nào cũng rủng rỉnh tiền ăn Tết. Năm nay giá quá thấp, tiền trứng bán ra chưa đủ để lo chi phí nhân công, nói chi đến tiền thức ăn”.
Ông Phạm Cao Sơn - hộ nuôi vịt ngụ xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười cho biết: “Chưa năm nào thị trường trứng vịt Tết rớt giá thê thảm như năm nay. Mối lái “ôm hàng” Tết để bán cũng thua lỗ, mấy ngày Tết không ai mua trứng vịt nên vợ con tôi dựng lều bên huyện lộ rao bán trứng vịt cho người đi đường để giải quyết hàng tồn. Với mức giá này thì đường nào cũng lỗ, hi vọng giá trứng vịt sẽ sớm khởi sắc trong thời gian tới”.
Theo tính toán của người chăn nuôi, giá thành sản xuất trung bình khoảng 1.600 – 1.800 đồng/trứng vịt. Với mức giá bán hiện tại thì người nuôi vịt phải lỗ vốn từ 600 – 1.400 đồng/trứng, chưa kể chi phí nhân công. Nhiều thương lái cho biết, thị trường trứng vịt Tết năm nay khá trầm lắng, trong khi người chăn nuôi lại tập trung thực hiện các giải pháp cho đàn vịt đẻ vào thời điểm Tết nên giá trứng liên tục rớt mạnh.
Không riêng người nuôi vịt đẻ gặp khó khăn trong vấn đề tiêu thụ, thị trường vịt thịt cũng không mấy khả quan. Anh Trần Văn Hai ở xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh cho biết: “Cũng như mọi năm, tôi chuẩn bị trên 200 con vịt thịt để cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, do giá vịt thịt năm nay xuống thấp nên không những không lãi mà còn lỗ vài triệu đồng. Cả năm 2015, giá vịt thịt biến động liên tục, người chăn nuôi không đoán được thị trường nên rất khó để sản xuất có lãi”.
Hiện tại, giá vịt thịt thương lái mua chỉ khoảng từ 28 - 30 ngàn đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi gần như không có lãi. Với tình hình khó khăn như hiện nay, người chăn nuôi kỳ vọng sẽ có nhiều tín hiệu khả quan hơn ở thị trường trong thời gian tới.
Related news
Ba Vì là huyện miền núi của Hà Nội với địa hình chia thành hai vùng: Vùng đồi núi và vùng đồng bằng. Huyện có khí hậu nhiệt đới gió mùa, diện tích cây ăn quả, cây lâm nghiệp lớn, giao thông thuận lợi…
Năm 2015, Hưng Hà là huyện đầu tiên của tỉnh Thái Bình đạt chuẩn NTM sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Kết quả này nằm trong kế hoạch đã được đặt ra từ trước của tỉnh Thái Bình và huyện Hưng Hà.
Sau Tết Nguyên đán, nhiều nông dân chuyên sản xuất, tạo hình nông sản “độc - lạ” ở đồng bằng sông Cửu Long không ngừng tìm tòi, học hỏi để cải tiến sản phẩm. Kế hoạch thời gian tới, họ sẽ phối hợp, đưa sản phẩm của mình ra nước ngoài giới thiệu.