Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trung Tâm Phát Triển Cây Trồng Hà Nội Khảo Nghiệm, Chọn Tạo Những Giống Lúa Chất Lượng

Trung Tâm Phát Triển Cây Trồng Hà Nội Khảo Nghiệm, Chọn Tạo Những Giống Lúa Chất Lượng
Publish date: Thursday. October 9th, 2014

Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng các vùng sản xuất lúa Hà Nội, những năm qua, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội luôn chú trọng công tác khảo nghiệm nhằm chọn ra những giống lúa chất lượng, phù hợp với điều kiện canh tác của đồng đất Hà Nội.

Trong vụ xuân và vụ mùa 2014, Trung tâm đã tiến hành khảo nghiệm nhiều giống lúa; riêng vụ mùa đã khảo nghiệm so sánh 22 giống lúa tại Trạm thực nghiệm giống cây trồng của trung tâm; khảo nghiệm sản xuất 7 giống lúa có triển vọng và sản xuất thử nghiệm 2 giống lúa mới có tiềm năng về năng suất, chất lượng tại Trạm thực nghiệm và 3 HTX đại diện cho các vùng sinh thái của thành phố.

Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, công tác khảo nghiệm luôn được Trung tâm đặc biệt quan tâm và tiến hành hằng năm. Công tác khảo nghiệm được chia thành 3 loại: Khảo nghiệm so sánh, khảo nghiệm sản xuất và sản xuất thử nghiệm.

Khảo nghiệm so sánh nhằm đánh giá khả năng thích ứng với điều kiện tự nhiên, tập quán canh tác và giá trị canh tác của các giống tham gia khảo nghiệm tại Hà Nội, từ đó, tuyển chọn được các giống lúa mới, có thời gian sinh trưởng phù hợp, có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu được với những điều kiện ngoại cảnh bất lợi và dịch hại để tiếp tục đưa vào khảo nghiệm sản xuất ở các vụ tiếp theo tại các vùng sinh thái khác nhau của thành phố.

Khảo nghiệm sản xuất nhằm đánh giá khả năng thích ứng với điều kiện tự nhiên, tập quán và giá trị canh tác của các giống tại các vùng sinh thái khác nhau của thành phố, triển khai mô hình để nông dân tại các vùng sản xuất lựa chọn xác định giống lúa phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương và cho hiệu quả cao; đặc biệt là tuyển chọn được giống lúa có tiềm năng tốt đủ điều kiện làm vật liệu cho sản xuất thử nghiệm.

Sản xuất thử nghiệm sẽ đánh giá khả năng thích ứng với điều kiện tự nhiên, tập quán canh tác và giá trị canh tác của các giống trên diện rộng, trên cơ sở đó lựa chọn giống tốt để đề xuất bổ sung vào cơ cấu giống của ngành nông nghiệp thành phố.

Vụ mùa năm 2014, Trung tâm đã tiến hành khảo nghiệm so sánh trên diện tích 0,25ha với 22 giống, chia làm 4 nhóm: Nhóm lúa thuần chất lượng gồm 9 giống; nhóm lúa thuần năng suất: 6 giống; nhóm lúa nếp: 3 giống; nhóm lúa cực ngắn ngày: 3 giống.

Khảo nghiệm sản xuất trên diện tích 6ha với 7 giống, chia làm 2 nhóm: Nhóm lúa chất lượng 3 giống: Thuần Việt 1, Bắc thơm số 7 kháng bạc lá và Bắc thơm số 7 (đối chứng); nhóm lúa năng suất 4 giống: Sơn Lâm 2, TBR225, Hưng dân, Khang dân 18 (đối chứng). Sản xuất thử nghiệm diện tích 9ha, giống tham gia: Thiên ưu 8 và Sơn Lâm 1.

Bà Hoàng Thị Hòa cho biết, kết quả khảo nghiệm vụ xuân và khảo nghiệm, sản xuất thử nghiệm các giống lúa ở vụ mùa năm 2014 cho thấy, những giống lúa có đặc điểm nông học phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán canh tác của nông dân Hà Nội, thích ứng rộng, có năng suất cao, chất lượng gạo khá.

Đối với khảo nghiệm so sánh: Nhóm lúa thuần chất lượng các giống: NT2, Thuần Việt 7, Thiên ưu 8 có thời gian sinh trưởng vụ mùa từ 102 đến 106 ngày, cứng cây, có khả năng chống chịu tốt với một số loại sâu bệnh; có tiềm năng cho năng suất cao từ 70 đến 85 tạ/ha, tất cả các giống đều cho năng suất cao hơn đối chứng Bắc thơm số 7.

Nhóm lúa thuần năng suất gồm các giống: GL105, KN2, MB68, có thời gian sinh trưởng dao động vụ mùa từ 97 đến 105 ngày, cứng cây, có khả năng chống chịu tốt với một số loại sâu bệnh, cho năng suất cao (80-90 tạ/ha, đều cao hơn đối chứng Khang dân 18. Nhóm lúa ngắn ngày: Giống GL102, HN6 và D34 có thời gian sinh trưởng vụ mùa từ 91 đến 96 ngày, ngắn hơn Khang dân 18 từ 2 đến 6 ngày, cứng cây, chống chịu tốt một số loại sâu, bệnh chính, cho năng suất từ 70 đến 75 tạ/ha.

Nhóm lúa nếp gồm các giống có thời gian sinh trưởng vụ mùa 105 đến 110 ngày, cứng cây, chống chịu tốt với một số loại sâu, bệnh chính và có tiềm năng cho năng suất cao từ 45 đến 50 tạ/ha. Giống Bắc thơm số 7 kháng bạc lá có thời gian sinh trưởng, kiểu hình cây, năng suất tương đương Bắc thơm số 7, chống chịu với bệnh khô vằn, bạc lá tốt hơn Bắc thơm số 7.

Nhóm lúa thuần năng suất có 2 giống có thời gian sinh trưởng ngắn hơn giống Khang dân 18 từ 1 đến 3 ngày, sinh trưởng, phát triển tốt; trong điều kiện vụ mùa 2014 ít bị nhiễm sâu bệnh, chống đổ tốt, kiểu hình cây đẹp, bông to, phù hợp với 3 vùng sinh thái khảo nghiệm, năng suất cao hơn giống Khang dân 18 từ 2,2 đến 9 tạ/ha...

Đối với sản xuất thử nghiệm các giống lúa mới, cả 2 giống sản xuất thử nghiệm đều sinh trưởng, phát triển tốt, kiểu hình cây đẹp, khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh khá, hạt thon dài, màu vàng sáng.

Năng suất của giống Sơn Lâm 1 cao hơn giống Bắc thơm số 7 từ 4 đến 6 tạ/ha và Thiên ưu 8 cao hơn Khang dân 18 từ 5 đến 7 tạ/ha. Đặc biệt, giống Sơn Lâm 1, qua 2 vụ khảo nghiệm và sản xuất thử ở vụ xuân và vụ mùa 2014 đều cho năng suất khá, chống chịu sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh tốt.

Từ kết quả khảo nghiệm, thực nghiệm này, thời gian tới Trung tâm tiếp tục tiến hành khảo nghiệm để chọn ra bộ giống phù hợp đối với sản xuất lúa Hà Nội.


Related news

Nuôi Cá Lóc Giống Lãi Cao Ở An Giang Nuôi Cá Lóc Giống Lãi Cao Ở An Giang

Tận dụng cánh đồng trong bờ bao, người dân ở xã Khánh Hòa (Châu Phú), xã Hòa Lạc (Phú Tân - An Giang) đào vuông nuôi cá lóc bố mẹ. Sau thời gian chăm sóc khoảng 4 tháng, cá bố mẹ sinh sản.

Friday. April 26th, 2013
Sản Xuất Lúa Ruộng Ở Mường Đun Sản Xuất Lúa Ruộng Ở Mường Đun

Xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa có 130ha ruộng, trong đó 97ha cấy được 2 vụ lúa/năm. Những năm gần đây, nhờ được đầu tư xây dựng hệ thống công trình thủy lợi, nông dân được tập huấn kỹ thuật canh tác nên các loại cây trồng chủ lực, giống lúa năng suất cao, chất lượng tốt được đưa vào sản xuất đại trà. Nhờ đó, năng suất và sản lượng lúa của xã tăng 1,5 lần so với 10 năm trước đây, bình quân vụ chiêm đạt 56 tạ/ha, vụ mùa 47 tạ/ha.

Tuesday. August 27th, 2013
Nỗ Lực Thí Điểm Giống Cao Su Chịu Lạnh Ở Hà Giang Nỗ Lực Thí Điểm Giống Cao Su Chịu Lạnh Ở Hà Giang

Sau những khó khăn từ năm 2010, với tinh thần vượt lên khó khăn, được sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh và Tập đoàn Công nghiệp cao su (CNCS) Việt Nam, thời gian qua, Công ty Cổ phần cao su (CPCS) Hà Giang đã thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu và đưa vào trồng thử nghiệm giống cao su có thể thích nghi với thời tiết tỉnh nhà. Hơn 1 năm triển khai trồng thử nghiệm giống cao su chịu lạnh và từ thực tế những cây đã trồng cách đây gần 5 năm, đã và đang củng cố niềm tin cho tương lai phát triển cây cao su.

Monday. April 29th, 2013
Khuyến Khích Phát Triển Kinh Tế Trang Trại, Hợp Tác Xã Khuyến Khích Phát Triển Kinh Tế Trang Trại, Hợp Tác Xã

Kinh tế trang trại, hợp tác xã là điều kiện không thể thiếu trong việc thúc đẩy xây dựng nông thôn mới hiện nay. Ở huyện Hàm Yên, thời gian gần đây, cùng với việc hình thành các vùng chuyên canh tập trung, sự ra đời của các trang trại và hợp tác xã (HTX) đã tạo một cú huých đáng kể trong thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực nông thôn..

Saturday. July 27th, 2013
Triển Vọng Mô Hình Sản Xuất Nấm Cao Cấp Tại Điện Biên Triển Vọng Mô Hình Sản Xuất Nấm Cao Cấp Tại Điện Biên

Từ nguồn vốn Dự án Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011 - 2015 của Bộ KH&CN, Trại Giống Nông nghiệp huyện Điện Biên triển khai mô hình sản xuất nấm cao cấp trên diện tích 2.000 m². Sau hơn 1 năm triển khai, thực hiện và chuyển giao công nghệ mô hình nấm cao cấp cho thấy: Khả năng sinh trưởng và phát triển của nấm tương đối phù hợp với điều kiện khí hậu Điện Biên, mang lại giá trị kinh tế cao.

Thursday. May 2nd, 2013