Trung Giang (Quảng Trị) đẩy mạnh đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản
Bên cạnh việc phát huy tối đa những tiềm năng, nội lực của địa phương, chính quyền và người dân xã Trung Giang đã tận dụng sự hỗ trợ của nhà nước. Được sự hỗ trợ từ chính quyền các cấp, nhiều tàu, thuyền đánh bắt gần và xa bờ thường xuyên bám biển, tìm ngư trường mới để khai thác có hiệu quả. Từ đó, đưa sản lượng toàn xã đạt kế hoạch đề ra. Tổng sản lượng khai thác năm 2015 là 2.455 tấn, đạt 98,2% kế hoạch và tăng 245 tấn so với cùng kỳ năm trước.
Được biết, hiện tổng số tàu thuyền của xã Trung Giang là 224 chiếc. Trong đó, tàu thuyền có công suất là 177 chiếc (tàu thuyền đánh bắt xa bờ 5 chiếc) với tổng công suất 4.300 CV (tăng 236 CV so với năm 2014) và thúng chai không động cơ khai thác độc lập là 47 chiếc…
Ngoài khai thác, đánh bắt, người dân nơi đây còn chú trọng đầu tư vào nuôi trồng thủy sản một cách khoa học, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật so với những năm trước như nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát, nuôi cá, cua kết hợp…
Đến nay, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ở Trung Giang được nâng lên đáng kể (20,6 ha), tổng sản lượng ước đạt 120 tấn. Nhiều hộ dân tiếp tục nuôi cua, cá và tôm kết hợp; một số hộ khác đã mạnh dạn nuôi thử nghiệm ghép cá đối mục với cua, bước đầu đã cho kết quả khả quan. Cụ thể, tổng diện tích nuôi cua, cá là 5,54 ha; trong đó, diện tích nuôi cua 1 ha, cá 4,54 ha (cá đối mục 2 ha); tổng sản lượng thu hoạch từ nuôi cá, cua đạt 2,4 tấn.
Nhờ biết tận dụng tối đa diện tích mặt nước có sẵn, mở rộng thêm và mạnh dạn đưa nhiều mô hình mới vào thử nghiệm như nuôi kết hợp cua với cá, tôm kết hợp; nuôi ghép cá đối mục với cua… mà nhiều hộ dân ở xã Trung Giang đã từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên vùng cát.
Chủ tịch UBND xã Trung Giang Trần Xuân Tưởng cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích người dân đẩy mạnh chuyên canh và đưa tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào nuôi trồng, đánh bắt thủy sản.
Ngoài ra, để sản xuất, nuôi trồng thủy sản được lâu dài và bền vững thì cần phải có những tính toán, bước đi vững chắc gắn liền vời bảo vệ môi trường. Sắp tới đây, xã sẽ xin chỉ thị và hỗ trợ từ các cấp lãnh đạo để việc nuôi trồng, đánh bắt và khai thác thủy sản ngày càng đạt kết quả cao hơn, giúp người dân cải thiện đời sống”.
Related news
Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản, do nhu cầu nuôi tôm thẻ chân trắng tăng cao nên một số cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã chuyển từ sản xuất giống tôm sú sang sản xuất giống tôm thẻ chân trắng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 141 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản và 3 cơ sở chuyên kinh doanh giống thủy sản nước ngọt.
Giá cá tra nguyên liệu liên tục giảm, lực mua kém khiến nông dân ươm cá giống trên địa bàn huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) thua lỗ nặng.
Sau khi thu hoạch ngao thương phẩm để bán ra thị trường, hiện nay, hàng chục hộ nuôi ngao ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đang tiếp tục xử lý ao đầm và thả nuôi để kép kín diện tích.