Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trữ Lúa Chờ Giá

Trữ Lúa Chờ Giá
Publish date: Sunday. March 17th, 2013

Mặc dù chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo đã có hiệu lực từ ngày 20-2, thế nhưng, giá mua lúa trong dân thời gian qua vẫn chưa được cải thiện và còn nhiều điều nghịch lý, từ đó làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của người trồng lúa. Nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã quyết định phơi lúa trữ lại dù chi phí cho mùa vụ cũ còn đó và đang đối mặt với đầu tư vốn liếng cho vụ lúa mới.

Vụ Đông xuân năm nay, nông dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh được xem là trúng mùa, với năng suất bình quân hiện tại là 7,3 tấn/ha. Tuy nhiên, điều này không làm cho người dân cảm thấy vui khi có nhiều hộ trồng các giống lúa chất lượng cao đang phải đối mặt với tình trạng giá thấp, thậm chí không có thương lái đến thu mua, còn các hộ trồng lúa phẩm cấp thấp như IR 50404 lại dễ tiêu thụ. Không cách nào khác hơn, người trồng lúa dài, lúa thơm đành phải phơi khô để trữ lại với hy vọng giá sẽ được nhích lên trong thời gian tới.

Gia đình anh Nguyễn Văn Nhạn, ở ấp Bình Thuận, xã Long Bình, huyện Long Mỹ vừa thu hoạch xong 8 công lúa (giống OM 4900), năng suất đạt 1 tấn/công và tính bán lúa tươi để trả tiền phân thuốc cho đại lý, đồng thời tiếp tục đầu tư cho vụ sau. Tuy nhiên, mọi dự tính của anh Nhạn đã không thành hiện thực khi thương lái mua lúa chỉ có giá 4.400 đồng/kg, trong khi giá thành đầu tư vụ này đã hơn 4.000 đồng/kg. Thấy không có lợi nhuận, anh quyết định đem lúa về phơi dự trữ chờ giá lên. Anh Nhạn chia sẻ: “Tình hình giá lúa như hiện nay làm sao bán được. Mọi năm, giữa giống lúa thường và lúa thơm chênh lệch hơn 1.000 đồng/kg, nhưng năm nay lại cào bằng, thậm chí có lúc còn thấp hơn, điều này gây nhiều khó khăn cho nông dân, đặc biệt đối với những hộ trồng lúa thơm như tôi”.

Theo báo cáo của UBND xã Long Bình, hiện toàn xã còn hơn 15.000 tấn lúa (chủ yếu là giống lúa thơm) vẫn chưa tiêu thụ, chính quyền địa phương đang tìm mọi cách để giúp người dân gỡ rối nhưng vẫn khó khăn. Ông Nguyễn Trung Kiệt, Chủ tịch UBND xã Long Bình, cho biết: Để hỗ trợ người dân sớm tìm nơi tiêu thụ lúa, địa phương đang kêu gọi một số công ty quen biết đến mua lúa cho dân, thế nhưng tất cả đều lắc đầu và cho rằng các giống lúa thơm, lúa chất lượng cao hiện chưa có đầu ra nên không mua được.

Không chỉ có người dân ở huyện Long Mỹ mà nhiều địa phương khác cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Dọc theo nhiều tuyến đường nông thôn tại huyện Vị Thủy, dễ dàng bắt gặp cảnh nông dân tất bật phơi lúa trữ lại. Bà Lê Thị Kim Tư, ở ấp 1, xã Vĩnh Thuận Tây, tâm sự: “Khổ lắm, kẹt đủ thứ tiền nhưng chờ hoài lúa không lên giá nên phải phơi. Phơi rồi kêu thương lái nhưng cũng chẳng thấy ai ngó ngàng tới”. Trong số những hộ trữ lúa lại, có không ít bà con kinh tế khó khăn. Do diện tích đất chỉ vài ba công nên máy gặt không chịu cắt, buộc phải thu hoạch bằng tay, trong khi thương lái chỉ ưu tiên mua lúa gặt máy. Điều này đã tạo thêm áp lực về chi phí chuẩn bị sản xuất vụ lúa mới. Bà Ngô Hoàng Bút, ở ấp 10, xã Vị Trung, cho biết: “Nhà có chưa đầy 3 công ruộng, kêu máy cắt không được nên cắt tay. Kêu bán không ai mua vì thương lái chỉ mua lúa cắt máy. Phơi rồi để đống không biết bao giờ bán được?”.

Còn bà Danh Thị Nương, ở ấp 10, xã Vị Trung, lo lắng: “Vụ này, gia đình tôi chủ yếu sản xuất giống lúa OM 4900. Lúa đã thu hoạch cả chục ngày rồi nhưng giá cả thấp nên đành để lại chờ giá. Với những hộ có tiền còn đỡ, chứ nông dân nghèo như tụi tui khổ trăm bề. Lúa chất đó nhưng không có tiền để trả nợ phân thuốc, trong khi vài bữa nữa là vào vụ lúa mới. Với đà này, không biết người ta có tiếp tục bán chịu phân bón, thuốc nữa hay không?”.

Hiện tại, thương lái thu mua lúa tươi thu hoạch bằng máy cắt với giá 4.200-4.400 đồng/kg (lúa IR 50404) và 4.500-4.600 đồng/kg lúa hạt dài. Còn thu hoạch bằng tay giá sẽ thấp hơn khoảng 200 đồng/kg, thậm chí không mua. Nếu so với trước khi chính sách tạm trữ có hiệu lực thì giá lúa tăng không nhiều, thậm chí ở một nơi vùng sâu giá lúa còn sụt giảm. Lý giải về điều này, anh Hứa Văn Nguyên, chủ ghe mua lúa trên địa bàn huyện Long Mỹ, cho hay: “Đi tới đâu cũng nghe nông dân than giá lúa thấp không có lời. Thế nhưng, giá lúa bán cho các kho chỉ ở mức chưa đầy 4.700 đồng/kg nên chúng tôi phải theo giá thị trường mới có lời. Ngoài ra, nếu mua lúa thơm trong lúc này thì thương lái phải đi bán gạo lẻ tại các chợ, chứ các kho không mua gạo này. Vì vậy, chúng tôi phải mua lúa IR 50404 theo nhu cầu thị trường”. Giá lúa thấp làm cho nông dân lợi nhuận ít nên neo lại chờ giá, trong khi chi phí mùa vụ mới bắt đầu đã khiến cho nhiều hộ đang lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Hiện người dân đang dần thay đổi tập quán canh tác và sử dụng các giống lúa chất lượng cao theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, thế nhưng với đà này đã làm nản trí của họ.

Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lương thực Hậu Giang Huỳnh Văn Thạnh cho hay: Theo chỉ tiêu phân bổ của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, công ty sẽ thu mua 30.000 tấn lúa tạm trữ cho nông dân trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm này, đơn vị đã mua được hơn 23.000 tấn, bình quân mỗi ngày mua từ 1.000-1.200 tấn, với giá từ 5.100-5.200 đồng/kg (tùy loại giống). Hiện công ty đang tập trung thu mua để sớm đạt chỉ tiêu như đã giao. Việc một số giống lúa thơm, chất lượng khó tiêu thụ trong thời gian qua có thể là do một số nhà xuất khẩu gạo ký được hợp đồng tiêu thụ gạo phẩm cấp thấp, từ đó dẫn tới tình trạng các thương lái chỉ ưu tiên tìm mua giống lúa IR 50404 trong dân…


Related news

Hối Hả Thu Hoạch Lúa Hè Thu Hối Hả Thu Hoạch Lúa Hè Thu

Thời điểm này, nhiều cánh đồng lúa hè thu trên địa bàn tỉnh đã và đang chín rộ. Những ngày qua, nông dân khẩn trương thu hoạch theo phương thức “cuốn chiếu” để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão lũ gây ra. Thực tế ở nhiều nơi cho thấy vụ này năng suất lúa đạt rất cao…

Thursday. September 4th, 2014
Cây Trồng Biến Đổi Gen Không Gây Hại Cây Trồng Biến Đổi Gen Không Gây Hại

Mặc dù đã trải qua 5 năm khảo nghiệm nhưng cây trồng biến đổi gen (bắp) vẫn chưa thể rời các vườn thí nghiệm để ra đồng ruộng với nông dân.

Monday. August 25th, 2014
Hướng Đến Chăn Nuôi Bền Vững Hướng Đến Chăn Nuôi Bền Vững

Những năm qua, ngành chăn nuôi của tỉnh đã có nhiều chuyển biến rõ nét, nhưng thực tế cho thấy do dịch bệnh thường xuyên bùng phát, chi phí đầu tư lớn, giá bán sản phẩm không ổn định nên lĩnh vực này phát triển thiếu bền vững. Thời gian tới, muốn tạo ra bước đột phá thì đòi hỏi phải thực thi đồng bộ nhiều giải pháp…

Thursday. September 4th, 2014
Tỷ Phú Rau Thơm Tây Tỷ Phú Rau Thơm Tây

Sau nhiều lần thất bại dẫn đến trắng tay với nghề kinh doanh bất động sản, bà Phạm Thị Thu Cúc đã trải qua nhiều nghề cũng như bao thăng trầm trong cuộc sống, cuối cùng khi đến thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương bà đã tìm cho mình hướng đi riêng, đó là trồng rau thơm Tây, hiện mỗi năm bà thu về hơn 1 tỷ đồng.

Monday. August 25th, 2014
Đưa Hàng Nông Sản Ra Nước Ngoài Đưa Hàng Nông Sản Ra Nước Ngoài

Miệt mài đưa nông sản của nhà nông qua chế biến “made-in Quảng Ngãi” đi đến nhiều nước, những doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh không ngừng đầu tư để nâng cao chuỗi giá trị của hàng nông sản. Đây là những doanh nghiệp xuất khẩu uy tín, vừa được Bộ Công thương bình chọn.

Thursday. September 4th, 2014