Trồng Xoài Bao Trái
Hiện nay, nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng về cây ăn trái nói chung và xoài nói riêng đang hướng tới chất lượng cao và an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, mô hình trồng xoài bao trái ở thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A đang được đông đảo các nhà vườn áp dụng.
Trước đây, theo truyền thống thì người dân chỉ để xoài cho trái theo mùa. Nhưng hiện nay, các nhà vườn đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác để xử lý cho trái nghịch vụ nhằm bán được giá cao. Tuy nhiên, việc xử lý xoài nghịch vụ cũng gặp nhiều loài dịch hại tấn công. Vì vậy, để hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời bảo vệ được sức khỏe người tiêu dùng, nâng cao chất lượng sản phẩm, một số nhà vườn đã sử dụng túi để bao trái xoài, kết quả đã thu được hiệu quả khá cao. Bà Bùi Thị Sáu, ở ấp 3B, cho biết: “Năm nay, gia đình trồng 3 công xoài cát Hòa Lộc, hiện xoài trong giai đoạn thu hoạch, thương lái vào tận vườn thu mua với giá 30.000đ/kg đối với xoài bao trái, tăng từ 3.000-5.000 đ/kg so với xoài không bao trái. Với 4.200 trái xoài, sản lượng khoảng 1,7 tấn, theo ước tính vụ này có lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng. Vụ xoài vừa qua, vườn xoài của bà Sáu không bao trái, năng suất chỉ đạt khoảng 1 tấn trái, xoài bán với giá 25.000đ/kg, sau khi trừ chi phí gia đình chỉ thu được 18 triệu đồng.Còn ông Bùi Văn Tích, cùng ở ấp 3B, chia sẻ: “Nhờ bao trái xoài mà gia đình tiết kiệm được chi phí sản xuất khoảng 4-5 triệu đồng/vụ. Khi xoài được 45 ngày tuổi thì tôi tiến hành bao trái để tránh sâu bệnh tấn công nên giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật từ 3-5 lần/vụ”. Tuy mới sử dụng túi bao trái cho vụ xoài đầu tiên, nhưng hiệu quả mang lại khá cao vì năng suất và chất lượng xoài được nâng lên, vỏ sáng đẹp, bóng láng không xuất hiện tỳ vết bám bẩn do rầy và rệp gây ra. Bên cạnh đó, xoài sử dụng túi bao trái sẽ giảm được lượng thất thoát sau khi thu hoạch, nhất là do ruồi đục trái. Đặc biệt, kéo dài được thời gian bảo quản nên thương lái mua với giá cao hơn so với xoài không bao trái. Ông Tích dự định đến vụ xoài kế tiếp sẽ mở rộng diện tích và bao trái toàn bộ 5 công xoài của mình để đưa kinh tế gia đình phát triển.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Tổ trưởng Tổ Kỹ thuật nông nghiệp thị trấn Bảy Ngàn, cho biết: Tổng diện tích trồng xoài của toàn thị trấn khoảng 120ha, chủ yếu tập trung ở các ấp 2A, 2B, 3B. Trung bình năng suất đạt từ 5-7 tấn/ha. Hiện nay, địa phương đang kết hợp với Trường Đại học Cần Thơ tổ chức hội thảo triển khai mô hình bao trái xoài cho khoảng 60 nông dân ở thị trấn và xã Tân Hòa để mọi người nhận biết được những ưu điểm mà mô hình mang lại. Đồng thời, trong thời gian tới ngành sẽ kết hợp với Trạm khuyến nông, Phòng nông nghiệp huyện tổ chức buổi trình diễn để khuyến khích, tuyên truyền, vận động các nhà vườn tham gia nhân rộng mô hình nhằm thu được hiệu quả cao trong quá trình canh tác. Lúc đầu, đối với địa phương đây là mô hình mới, lạ do đó mọi người còn lo ngại, chưa an tâm. Nhưng sau vụ xoài nghịch vừa qua, nhận thấy được hiệu quả từ việc sử dụng túi bao trái, các nhà vườn đã phấn khởi và hưởng ứng cao. Theo đánh giá của các nhà khoa học, việc áp dụng mô hình bao trái không chỉ giúp cho nhà vườn tiết kiệm được chi phí sản xuất, còn tăng chất lượng của trái, bảo vệ được sức khỏe cho bà con nông dân, hạn chế được ô nhiễm môi trường.
Related news
Trong điều kiện tự nhiên có 2 mùa (mùa mưa và mùa khô) phân biệt rõ rệt như ở các tỉnh Nam bộ, xoài rất dễ ra hoa. Tuy nhiên,để xoài ra hoa kết trái đồng loạt vào thời điểm thích hợp thì người ta phải áp dụng các biện pháp xử lý
Bệnh thán thư thường gây hại trên nhiều bộ phận: lá, ngọn, bông và trái xoài.
Xoài có tên khoa học là Mangifera Indica L, thuộc họ Anacardiacae. Xoài có rất nhiều giống, nhưng có 2 nhóm giống cơ bản là nhóm Ấn Độ (hạt đơn phôi) và nhóm Đông Nam Á (hạt đa phôi). Nhóm đơn phôi thường cho trái quanh năm.
Tại sao có những cây xoài mọc từ hạt mà không hề thoái hoá? Khi ghép xoài nên dùng cây gì làm cây gốc ghép thì tốt? Có phải dùng muỗm, quéo làm cây gốc ghép thì mắt xoài không tiếp hợp không? Ghép cách nào bảo đảm tỷ lệ cây sống cao?
Tình trạng xoài trồng đã quá chu kỳ sinh trưởng nhưng không cho quả, hoặc cho năng suất thấp đang trở thành vấn đề thời sự ở nhiều địa phương miền Trung hiện nay.