Trồng và chăm sóc cà chua
Thông thường thị trường sau Tết cần nhiều rau xanh, nhất là cà chua. Trồng cà chua tuy không khó nhưng để đạt hiệu quả cao, bà con cần chú ý một số điểm sau:
Đất trồng: Cà chua có thể trồng được trên nhiều loại đất khác nhau nhưng đất phải giữ được ẩm và thóat nước tốt. Nên trồng luân canh trên đất lúa hoặc các cây trồng khác không thuộc họ cà để tránh lây truyền sâu bệnh gây hại. Đất trồng cần được cày bừa cho tơi xốp, sạch cỏ dại và lên luống.
Giống: Ưu tiên sử dụng những giống có tính kháng hoặc chống chịu tốt với một số bệnh thường gặp như héo rũ, sương mai, đốm nâu, đốm vòng. Một số giống cà chua lai F1 tốt có thể trồng quanh năm như TN 52, TN 448, TN 507… Nên sử dụng cây ghép để hạn chế các bệnh về rễ thường gặp (dùng gốc cà dại, cà tím hoặc cà chua có tính kháng sau đó ghép ngọn giống cà chua cần trồng).
Ngâm ủ hạt giống: Mật độ trồng 17 ngàn đến 23 ngàn cây/ha, 1 gram hạt có 300 đến 400 hạt. Trước khi ngâm ủ nên phơi hạt giống ra nắng 1-2 giờ. Ngâm hạt trong nước ấm 2 sôi 3 lạnh 6-7 giờ. Vớt hạt ra để ráo nước, gói vào khăn ẩm, cho gói hạt vào túi nylon (buộc miệng túi để chống thoát hơi nước) và đem ủ ở nhiệt độ 26-28oC. Sau 72 giờ thì hạt bắt đầu nảy mầm. Khi hạt nhú mầm thì tiến hành gieo ngay, các hạt chưa nảy mầm thì tiến hành cung cấp đủ ẩm và ủ tiếp. Có thể gieo hạt ra luống hoặc gieo trong bầu đất. Đất luống gieo, đất bầu gồm 1 phần đất tơi xốp + 1 phần phân chuồng hoai mục + 1 phần tro trấu + 0,2% lân. Nếu đất chua phải xử lý thêm vôi. Nên làm giàn che chắn và cung cấp đủ ẩm thường xuyên. Khi cây được 2-3 lá thật thì đem trồng.
Mật độ trồng: Có thể trồng hàng đôi hoặc hàng đơn. Mùa nắng nên trồng hàng đôi, hai hàng đôi cách nhau 1,2-1,4 m, hai hàng trong hàng đôi cách nhau 0,5 m, cây cách cây 0,5 m. Mùa mưa nên trồng hàng đơn, hàng cách hàng 1,2 m, cây cách cây 0,5 m. Trồng cây con vào lúc chiều mát, không trồng lẫn cây lớn với cây nhỏ để dễ chăm sóc, trồng xong tiến hành tưới nước cho đủ ẩm để cây phát triển.
Chăm sóc: Thường xuyên tưới nước giữ ẩm cho cây đặc biệt là giai đọan ra hoa kết trái. Không tưới nước trực tiếp lên lá, hoa và trái. Cần thực hiện làm giàn cho cà chua để chống đổ ngã, việc làm giàn thường tiến hành khi cây ra chùm hoa đầu tiên. Cắt tỉa toàn bộ chồi, cành chỉ để lại 1 thân chính hoặc 1 thân chính và 1 cành tùy thuộc vào từng giống (giống ngắn ngày để 1 thân chính, giống dài ngày để 1 thân chính và 1 cành phía dưới chùm hoa đầu tiên). Khi cây ra được 4-5 chùm quả thì tiến hành bấm ngọn cách chùm quả cuối cùng 2 lá để tập trung dinh dưỡng cho nuôi quả. Nếu không phủ luống thì phải tiến hành vun xới, phòng trừ cỏ dại cho cây, việc vun xới được thực hiện trước khi cây ra hoa.
Phân bón:
Bón lót: Trước khi trồng, bón 400 kg/ha phân bón hữu cơ vi sinh NaSa Smart.
Bón thúc 1 (sau trồng 10-15 ngày): 200 kg NPK 20-20-15+TE (tím)/ha.
Bón thúc 2 (chuẩn bị ra hoa): 300 kg NPK 15-9-17+TE/ha (phân bón chuyên dùng cho rau ăn trái).
Bón thúc 3 (lúc hoa nở rộ): 300 kg NPK 15-9-17+TE/ha (phân bón chuyên dùng cho rau ăn trái).
Bón thúc 4 (sau thu lứa trái 1): 300 kg NPK 15-9-17+TE/ha (phân bón chuyên dùng cho rau ăn trái).
Có thể hòa phân bón và tưới bổ sung cho cây sau mỗi lần thu họach trái.
Related news
Cà chua ghép trên gốc cà tím cho năng suất tốt, mẫu mã đẹp, quả chín đồng đều.
Công nghệ ghép cà chua trên gốc cà tím EG203 và kỹ thuật trồng cà chua ghép trái vụ của Viện Nghiên cứu Rau quả đã được áp dụng thành công vào sản xuất
Tính đa dụng và nhu cầu tiêu thụ cà chua tươi ngày càng lớn đã thúc đẩy sự phát triển loại cây này như một trong những cây trồng chính