Trồng rau cải Nhật Bản mỗi gốc nặng tới 2,5 kg
Thời gian sinh trưởng của loại rau này chỉ hơn 2 tháng, tuy nhiên một gốc rau có thể nặng tới 2,5 kg, mỗi hecta có thể thu hoạch lên tới 5 tấn.
Chỉ sau hơn 2 tháng trồng rau cải Nhật Bản, mỗi hecta sẽ đem lại thu nhập xấp xỉ 100 triệu đồng cho người dân.Ảnh: Toán Nguyễn.
Màu xanh trên những cánh đồng khô hạn
Trong những năm trước đây, cánh đồng ở xã Vũ Muộn, huyện Bạch Thông (Bắc Cạn) luôn rơi vào tình trạng thiếu nước sản xuất, người dân canh tác phụ thuộc vào thời tiết, chỉ có thể trồng lúa một vụ vào mùa mưa. Còn mùa khô, chỉ có thể trồng cây màu như cây ngô, lạc, đậu tương, thuốc lá… nhưng hiệu quả thấp không cao nên nhiều diện tích bị bỏ hoang. Tuy nhiên từ vụ đông xuân năm 2020 – 2021, cánh đồng Vũ Muộn đã có sự thay đổi lớn, đó là một màu xanh mướt của một loại cây xa lạ với người bản địa.
Lần đầu tiên trên những cánh đồng ở tỉnh Bắc Kạn đã trồng một loại rau có nguồn gốc từ Nhật Bản, được gọi với cái tên rau cải Nhật Bản đã và đang trở thành cây trồng đem lại hiệu quả cao. Thời gian sinh trưởng của loại rau này chỉ hơn 2 tháng, tuy nhiên một gốc rau có thể nặng tới 2,5 kg, mỗi hecta có thể thu hoạch lên tới 5 tấn sản phẩm.
Những diện tích đất khô hạn, chỉ có thể trồng màu hoặc bị bỏ hoang vào mùa khô, thì nay người dân có thể thu về khoảng 100 triệu đồng/hecta chỉ sau hơn 2 tháng. Trong khi đó chi phí sản xuất chỉ rơi vào khoảng 50%, tương đương với người dân sẽ có lãi khoảng hơn 40 triệu đồng/hecta chỉ sau khoảng một thời gian ngắn.
Các hộ dân tham gia trồng rau cải Nhật ở xã Vũ Muộn, huyện Bạch Thông cho biết, họ trồng theo đơn đặt hàng, hướng dẫn của một doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động sản xuất và kinh doanh tại tỉnh Bắc Kạn.
Doanh nghiệp hỗ trợ người dân từ giống, phân bón, hướng dẫn về kỹ thuật… Đến khi được thu hoạch, doanh nghiệp đến tận ruộng thu mua lại toàn bộ sản phẩm rau này, nhưng yêu cầu người trồng phải thu hoạch đảm bảo đúng quy định, tiêu chuẩn để xuất khẩu.
Về vấn đề trồng cây rau cải Nhật Bản tại địa phương, ông Đinh Quang Hiếu, Chủ tịch UBND xã Vũ Muộn (huyện Bạch Thông) đánh giá, qua thực hiện mô hình thấy nhận thức người dân đã tăng lên, đặc biệt đã chú trọng hơn đến công tác sản xuất, chú ý đến kỹ thuật và khâu thời vụ…
Việc tiếp cận canh tác theo tiêu chuẩn Nhật Bản không chỉ đem lại thu nhập cao, mà còn giúp cho người dân địa phương nâng cao ý thức, thay đổi tư duy canh tác tự cung, tự cấp, manh mún, nhỏ lẻ của người vùng cao Vũ Muộn.
Người dân vận chuyển rau cải Nhật Bản từ cánh đồng bằng xe máy kéo lên mặt đường giao cho doanh nghiệp.
Xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản
Công ty TNHH Việt Nam Misaki (Công ty Misaki), đơn vị hợp tác trồng rau cải Nhật Bản xuất khẩu sang Nhật Bản đang hoạt động tại Khu công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới (tỉnh Bắc Kạn). Trước khi trồng diện tích lớn như hiện nay tại tỉnh Bắc Kạn, Công ty Misaki bắt đầu trồng thử nghiệm một vài hecta ở xã Vũ Muộn, huyện Bạch Thông (tỉnh Bắc Kạn).
Sau khi mô hình thành công, doanh nghiệp Nhật Bản này đã nhân rộng ra và tiếp tục triển khai phát triển mở rộng thêm ở huyện Chợ Đồn. Điều đáng nói là loại rau cải Nhật Bản này rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở những cánh đồng thiếu nước sản xuất và thường bị bỏ hoang vào mùa khô hạn, nên đã được người dân rất hưởng ứng tham gia.
Bà Hoàng Thị Lập, Giám đốc Công ty TNHH Việt Nam Misaki cho biết, trước khi lựa chọn thực hiện dự án trồng cây cải Nhật Bản theo chuỗi giá trị tại tỉnh Bắc Kạn, công ty đã đưa chuyên gia Nhật Bản đi khảo sát rất kỹ từ việc lấy mẫu đất đi kiểm tra, phân tích, đánh giá...
Sau khi cho kết quả phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu để cây trồng cây rau cải Nhật Bản mới tiến hành trồng thử nghiệm, rồi thành công và nhân rộng. Toàn bộ sản phẩm thu mua được đưa về chế biến tập trung tại nhà máy của công ty tại Khu công nghiệp Thanh Bình, sau đó xuất khẩu sang Nhật Bản.
Sau khi thu mua từ ruộng của người dân về, rau cải Nhật Bản sẽ được chế biến tập trung tại nhà máy của Công ty TNHH Việt Nam Misaki thành sản phẩm, sau đó mới xuất khẩu được sang Nhật Bản.
Chỉ tính riêng trong vụ đông vừa qua, Công ty Misaki đã xuất khẩu được hơn 700 tấn rau cải thành phẩm chế biến sang Nhật Bản. Điều này được coi là thành công lớn trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nói riêng và kinh tế của tỉnh Bắc Kạn nói chung.
Bởi đặc thù là tỉnh miền núi, người dân đã quen với việc canh tác nhỏ lẻ, manh mún nên việc trồng rau quy lớn, đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe để xuất khẩu sang thị trường khó tính như Nhật Bản là một bước tiến lớn.
Bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết: Trong những năm qua, Bắc Kạn chú trọng vào việc thực hiện chủ trương sản xuất hàng hóa có trọng tâm, trọng điểm gắn thị trường cụ thể.
Sau thành công từ việc đưa giống lúa Japonica có nguồn gốc từ Nhật Bản vào sản xuất, thành công từ cây rau cải Nhật Bản cho thấy đây là hướng đi đúng đắn. Tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục tạo điều kiện, thực hiện liên kết bốn nhà để mở rộng diện tích trồng cây cải Nhật Bản và các loại cây có giá trị khác phục vụ chế biến để xuất khẩu trong những năm tới.
Related news
Việt Nam hiện là nước có sản lượng thức ăn chăn nuôi lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với số liệu khoảng 30 triệu tấn/năm
Trồng dừa sáp bằng giống nuôi cấy phôi vừa chịu mặn, vừa hiệu quả gấp 5-10 lần dừa sáp trồng bằng phương pháp truyền thống và 20 lần so với trồng dừa
Ba ba thường được nuôi với mật độ cao lúc còn nhỏ và sẽ san thưa theo thời gian nuôi khi chúng lớn dần. Người nuôi nên chọn giống ba ba xanh, ba ba trơn…