Trồng ngô sinh khối hướng đi mới tạo vùng nguyên liệu thức ăn cho chăn nuôi
Trồng ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả cao hơn so với trồng ngô thu hạt truyền thống. Ngô sinh khối thời gian sinh trưởng ngắn, ít chịu ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết hơn so với ngô hạt nên thuận lợi cho bố trí thời vụ. Thị trường tiêu thụ ngô sinh khối hiện nay rất thuận lợi, kỹ thuật trồng cơ bản áp dụng quy trình trồng ngô lấy hạt nên người dân dễ dàng nắm bắt thực hiện. Đây là các yếu tố rất tốt để phát triển trồng ngô sinh khối tại Quảng Ninh.
Ảnh: Mô hình ngô sinh khối giống NK4300
Ngô là cây trồng có vai trò quan trọng trong cơ cấu cây trồng ở nước ta nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Cây ngô có khả năng chịu hạn tốt, thích nghi rộng, năng suất cao, ít sâu bệnh và thị trường tiêu thụ ổn định nên có lợi thế trong việc bố trí mùa vụ cũng như các vùng trồng để nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân.
Theo số liệu thống kê diện tích trồng ngô hàng năm tại Quảng Ninh khoảng 6.000 ha, sản lượng khoảng 22.000 tấn/năm, sản phẩm chủ yếu là ngô hạt được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và phục vụ một số nhu cầu khác. Dù hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đều trồng ngô, tuy nhiên năng suất hiện nay còn thấp trong đó nguyên nhân chủ yếu do kỹ thuật canh tác chưa đảm bảo, thời gian sinh trưởng dài, chịu nhiều rủi ro do thời tiết, dịch bệnh khiến chất lượng ngô hạt không cao, sản lượng không lớn lại thiếu sự liên kết tạo đầu ra cho sản phẩm vì vậy chưa khai thác hết lợi thế của cây ngô.
Cùng với định hướng của nhà nước về chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp từ trồng trọt sang chăn nuôi, để nâng cao hiệu quả sản xuất ngô và giải quyết vấn đề đầu ra sản phẩm, một hướng đi mới mở ra đó là trồng ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi.
Từ mô hình trồng ngô sinh khối đầu tiên tại Quảng Ninh được Công ty Phú Lâm và Trung tâm Khuyến nông phối hợp triển khai năm 2016 trên diện tích 10ha tại Đầm Hà, Tiên Yên cho hiệu quả cao hơn so với trồng ngô lấy hạt. Năm 2017, diện tích trồng ngô sinh khối vụ xuân đã mở rộng thêm 157,6 ha trong đó Hải Hà 30,3 ha, Tiên Yên 13,3 ha, Đầm Hà 114 ha.
Với kết quả khả quan trên, năm 2017 Trung tâm Khuyến nông tiếp tục triển khai mô hình trồng 05 ha ngô sinh khối giống NK4300 tại huyện Ba Chẽ. Để đảm bảo hiệu quả mô hình, ngay khi vào đầu vụ Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với các đơn vị khảo sát lựa chọn địa điểm, đối tượng tham gia đáp ứng được yêu cầu mô hình, đồng thời phân công cán bộ kỹ thuật bám sát chỉ đạo, đôn đốc nông dân thực hiện tốt các nội dung triển khai.
Đối với giống, vật tư, Trung tâm cũng đã ký hợp đồng mua bán giống, vật tư với các đơn vị có uy tín trên thị trường để cung cấp cho các hộ thực hiện mô hình đảm bảo về số lượng, chất lượng theo yêu cầu. Mô hình tiến hành trồng tập trung đảm bảo thời vụ với kỹ thuật làm đất lên luống (rộng 120-140cm, cao 20cm), lượng giống trồng là 18-20kg/5ha. Quá trình thực hiện ngoài bón lót toàn bộ lượng phân chuồng, phân lân, phân đạm, cây ngô còn được bón thúc 2 lần vào các thời điểm khi cây ra 3-4 lá thật và khi cây được 7-9 lá, kết hợp vun gốc, làm cỏ sau các đợt bón thúc.
Các hộ nông dân tham gia mô hình đã thực hiện tốt các khâu kỹ thuật nên ngô sinh trưởng, phát triển tốt mặc dù mô hình triển khai vào vụ hè thu là thời vụ tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với việc trồng ngô. Từ điều kiện thực tế tại Ba Chẽ, qua theo dõi đánh giá sinh trưởng phát triển của giống ngô NK4300 (vụ xuân hè) cho thấy, giống NK4300 có nhiều đặc tính tốt thích hợp trồng ngô sinh khối như có đường kính thân lớn, bộ rễ phát triển mạnh, khả năng chịu hạn và chống đổ tốt, thời gian sinh trưởng để khai thác sinh khối khoảng 70-75 ngày, ngắn hơn so với trồng ngô thu lấy hạt 25-30 ngày.
Năng suất bình quân đạt được là 35 tấn/ha. Đánh giá hiệu quả kinh tế mô hình cho thấy, trồng ngô sinh khối cho thu nhập 33.040.000 đ/ha (ngô hạt 29.400.000đ/ha), sau khi trừ các khoản chi phí ngô sinh khối cho lợi nhuận 4.648.000đ/ha cao hơn so với trồng ngô hạt (2.296.000đ/ha). Đối với ruộng chăm sóc tốt năng suất đạt 42 tấn/ha cho thu nhập tới 39.900.000đ/ha lợi nhuận thu được tương đương 11.200.000 đ/ha.
Mô hình trồng ngô sinh khối là mô hình sản xuất có sự liên kết của các bên gồm nông dân, doanh nghiệp thu mua sản phẩm, cơ quan chuyên môn và cơ quan quản lý. Đối với mô hình trồng ngô tại Ba Chẽ, Trung tâm Khuyến nông đã làm tốt công tác thông tin, kết nối giữa người nông dân và doanh nghiệp thu mua là công ty TNHH Phú Lâm nên phía doang nghiệp đã tổ chức mua sản phẩm kịp thời, nhanh gọn tạo được lòng tin với nông dân; công ty Phú Lâm cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người trồng bằng cách đa dạng phương thức thu mua sản phẩm theo 2 cách là mua tại ruộng giá 950đ/kg, mua tại công ty (Móng Cái) giá 1350 đ/kg qua đó người nông dân có thể chủ động trong việc bán sản phẩm đem lại hiệu quả cao nhất.
Để chủ trương trồng ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi phát huy hiệu quả và mở rộng trong những năm tới, các địa phương cần tuyên truyền về hiệu quả của trồng ngô sinh khối. Rà soát, đánh giá các yếu tố sản xuất, tiêu thụ để quy hoạch vùng trồng ngô sinh khối phù hợp với điều kiện của địa phương. Các đơn vị chuyển giao kỹ thuật cần tiếp tục triển khai mô hình trồng ngô sinh khối ở các mùa vụ khác nhau, với các giống có triển vọng giúp người dân nắm bắt kỹ thuật áp dụng vào thực tế sản xuất đem lại hiệu quả.
Bên cạnh đó, trồng ngô sinh khối và thu mua sản phẩm là công việc cần có sự tổ chức, phối hợp tốt giữa người sản xuất và người thu mua. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi cho các bên, đối với người sản xuất cần hình thành các tổ, nhóm sản xuất và xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể để bên mua có kế hoạch thu mua hợp lý; đối với đơn vị thu mua cần thông tin về nhu cầu nguyên liệu để người sản xuất xây dựng kế hoạch, có cam kết rõ ràng đảm bảo thu mua hết sản phẩm. Các địa phương cần hỗ trợ nông dân hình thành các tổ hợp tác, nhóm liên kết sản xuất.
Related news
Ở Nghĩa Đàn, mô hình trồng chanh gai của gia đình anh Trần Quốc Việt ở xóm 2 xã Nghĩa Đức đang phát huy hiệu quả, mang lại mức thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
Ông Trương Văn Hòa đầu tư xây dựng hệ thống 2 nhà lưới tại xóm 2, xã Hội Sơn để trồng dưa lưới và các loại rau, quả sạch theo công nghệ Israel.
Thời tiết diễn biến bất thường trong những năm gần đây gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân, thiệt hại cho ngành chăn nuôi.