Trồng ngô lấy cây hơn lấy hạt
Những năm gần đây, ngoài trồng ngô lấy hạt thì trồng ngô lấy cây (ngô sinh khối) phục vụ chăn nuôi nông hộ và cung ứng cho các trang chăn nuôi bò, trở thành hướng đi mới, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho nông dân.
Ngô NK66 Bt/GT được trồng theo hướng chỉ lấy cây (76 nghìn cây/ha) tại Diễn Phong, Diễn Châu
Theo thống kê sơ bộ, năm 2017 tỉnh Nghệ An gieo trồng khoảng 7.750ha ngô sinh khối, kế hoạch vụ xuân 2018 là 3.000ha, tập trung tại các huyện như Anh Sơn, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Diễn Châu và Nghi Lộc…
Thuận lợi của trồng ngô sinh khối là linh hoạt về thời vụ, do thời gian thu hoạch sau gieo trồng chỉ dao động từ 85 - 95 ngày, tùy giống. Ngoài ra ít rủi ro hơn trước điều kiện thời tiết bất lợi, kể cả kết hạt kém hay đổ ngã cũng có thể bán được, tuy giá không cao nhưng không đến mức mất trắng.
Ngoài ra, không ít khó khăn, đó là công chặt, bốc vác, vận chuyển lớn. Trung bình năng suất sinh khối từ 40 - 50 tấn/ha, một số giống có sinh khối lớn như NK7328, NK6253 trung bình 60 - 70 tấn/ha. Nên để thu hoạch được 1 sào 500m2, người nông dân phải vận chuyển khối lượng từ 2 - 3 tấn từ ruộng ra đến xe trung chuyển. Khoảng cách khá xa, thường là trục đường chính xe trọng tải lớn được phép lưu thông.
Các diện tích ký cam kết với các đơn vị bao tiêu chưa nhiều, chủ yếu trồng tự do, nên vào thời điểm thu hoạch tập trung, nông dân thường bị ép giá, giá cao 1.000 - 1.100 đ/kg, trung bình 750 - 900 đ/kg, thấp thì từ 500 - 700 đ/kg. Thường ở mức trung bình bao gồm công thu hoạch, nên lợi nhuận không đáng kể.
Hiện vùng trồng ngô tập trung của Nghệ An là các vùng bãi ven sông. Đất được phân chia cho các nông hộ theo hàng, trung bình mỗi hộ từ 2 - 6 hàng, kéo dài từ ven làng ra đến bờ sông, có nơi hàng ngô dài trên 500m. Nên công việc vận chuyển ngô cây từ bãi trồng lên bờ rất khó khăn. Vì vậy để phát triển nghề trồng ngô theo hướng sinh khối cần tìm ra giải pháp phù hợp trong cơ cấu diện tích nông hộ.
Trồng ngô sinh khối hiện nay theo hai hình thức, một là gieo theo mật độ chỉ để lấy sinh khối, hình thức này thường có hợp đồng bao tiêu với các trang trại bò sữa. Hai là gieo trồng như bình thường, được giá cây thì bán cây, không được giá thì đợi lấy hạt.
Theo ông Nguyễn Văn Linh, một người chuyên thu mua tại Nghệ An cho biết: “Điều kiện để các trang trại bò sữa thu mua là cây phải có bắp, bắp phải có hạt, bộ lá xanh và sạch sâu bệnh”.
Còn ông Tạ Đình Trợ, cán bộ kỹ thuật nông học của TH TrueMilk chia sẻ thêm: “Ngoài năng suất tươi, hàm lượng vật chất khô, năng suất khô cũng là các chỉ tiêu quan trọng trong việc lựa giống ngô để trồng làm thức ăn cho bò sữa”.
Vì vậy, phát triển trồng ngô sinh khối dù rất tiềm năng song cũng không ít thách thức và đòi hỏi khá cao về tiêu chuẩn, trong đó giống và kỹ thuật trồng đóng vai trò quyết định trong thành công của trồng ngô theo hướng này.
Về giống, nếu theo hình thức chỉ trồng lấy cây, thích hợp với các giống chịu trồng dày như NK6101, NK6410, NK66 Bt/GT, CS71… Và trồng có thể vừa lấy cây hoặc lấy hạt đều cho hiệu quả cao, thích hợp với các giống có sinh khối lớn và năng suất cao như NK7328, NK4300, NK6253… Hiện nông dân chủ yếu lựa chọn giống NK7328 để trồng theo hình thức này.
Quá trình thu hoạch ngô sinh khối rất vất vả tại Diễn Mỹ, Diễn Châu
Ông Nguyễn Xuân Vân, Trạm trưởng Trạm Trồng rọt & BVTV Anh Sơn chia sẻ: “Anh Sơn là một trong những huyện có diện tích ngô hàng năm lớn nhất tỉnh. Vụ xuân 2018 này, huyện phấn đấu gieo trồng khoảng 2.400ha ngô, chủ yếu trên đất bãi ven sông, trong đó có 860ha ngô sinh khối. Vụ đông 2017 gieo trồng thêm 450ha ngô trên đất hai lúa, hiện đang thu hoạch bán cây, hiệu quả kinh tế cao. Chủ lực là giống NK7328 và NK4300 vì các giống này sinh khối lớn và năng suất hạt cũng cao”.
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Tường Sơn, Anh Sơn chia sẻ: “Vụ đông 2017, Tường Sơn trồng 250 ha ngô. Giai đoạn này đang thu hoạch cây, chủ yếu bán cho các hộ chăn nuôi, giá bán tại ruộng, trung bình 1,4 - 1,6 triệu đồng/sào 500m2, nông dân rất phấn khởi, đây là một năm vụ đông thắng lợi”.
Với điều kiện tiêu thụ thuận lợi nhờ các trang trại chăn nuôi bò, trồng ngô sinh khối đã mở thêm hướng đi mới cho nông dân.
Ngoài các thuận lợi thì vẫn còn không ít khó khăn kể trên, tuy nhiên đây là một hướng đi tiềm năng, cần được định hướng, phát triển phù hợp với đặc thù từng địa phương, để khai thác tối đa hiệu quả kinh tế từ cây ngô tại một tỉnh mà khí hậu hàng năm rất khắc nghiệt, luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro với nông nghiệp nói chung và cây ngô nói riêng.
Related news
Cỏ dại luôn là mối quan tâm hàng đầu của các nhà trồng trọt đặc biệt là trồng lúa. Hiểu biết rõ về cỏ dại, nhà nông sẽ quản lý tốt cây trồng bằng những biện pháp phòng trừ cỏ dại thích hợp, có hiệu quả, góp phần làm giảm chi phí sản xuất.
Để giúp bà con nông dân tranh thủ được thời gian gieo trồng kịp thời vụ, nhất là sau đợt mưa to, lúa ngập nặng của nhiều tỉnh trong những ngày giữa tháng 9 vừa qua, chúng tôi giới thiệu kinh nghiệm làm đất tối thiểu-một TBKT đã được Bộ NN-PTNT công nhận và đưa vào áp dụng sản xuất vụ đông trong những năm qua.
Hiện nay diện tích ngô ở Nghệ An hằng năm khoảng 60-70 nghìn ha. Trong đó diện tích ngô vụ xuân chiếm trên dưới 16.000ha, ngô hè trên 12.000ha bố trí chủ yếu trên các chân đất bãi ven sông. Mặc dù không chiếm ưu thế về diện tích nhưng đây là vùng ngô tập trung làm hàng hoá của Nghệ An.