Trồng nấm sạch kiếm tiền tỷ mỗi năm
Mạnh dạn chuyển đổi sang trồng nấm sạch, trung bình mỗi năm ông Phạm Quốc Hương – Giám đốc Trung tâm sản xuất nấm Hương Nam ở xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) có thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng.
Kiếm tiền tỷ từ nấm sạch
Có trụ sở tại Xóm 4, xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh (Ninh Bình), Trung tâm sản xuất nấm Hương Nam do ông Phạm Quốc Hương làm Giám đốc đã và đang trở thành một trong những đơn vị cung cấp giống nấm, nấm ăn, nấm dược liệu uy tín, chất lượng số một ở tỉnh Ninh Bình.
Trong ảnh: Ông Phạm Quốc Hương – Giám đốc Trung tâm sản xuất nấm Hương Nam đang kiểm tra giống nấm tại xưởng của gia đình ở huyện Yên Khánh (Ninh Bình).
Ông Hương cho biết, năm 1993 sau khi tốt nghiệp trường Đại học Nông nghiệp I (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam), ông trở về làm Chủ nhiệm HTX Khánh Nhạc. “Thời điểm đó, nông dân tại địa phương chủ yếu cấy lúa, trồng ngô, khoai thu nhập rất bấp bênh, mất mùa liên tục, thấy vậy tôi đã quyết định đưa nghề trồng nấm về quê để phát triển, vừa là để tận dụng rơm rạ sẵn có tại xã, vừa nhằm tạo ra sản phẩm nấm sạch cung ứng cho thị trường” – ông Hương nhớ lại.
Để có được thành quả như ngày hôm nay, ông Hương và gia đình đã từng phải trải qua rất nhiều khó khăn, thách thức. “Thiệt hại nặng nhất là năm cuối năm 1998, do làm quá nhiều loại nấm lại gặp đúng vào năm thời tiết bất thường khiến cả trại nấm chết hết, tính cả vốn đầu tư gia đình tôi phải mất cả tỷ đồng” – ông Hương kể.
Dù thất bại nặng song ông Hương không nản chí mà tiếp tục đi vay vốn ngân hàng, bạn bè về tiếp tục đầu tư làm. “Rút kinh nghiệm từ thất bại, tôi triển khai làm từng loại nấm, làm đến đâu đưa đi tiếp thị tại các nhà hàng, khách sạn trong và ngoài tỉnh. Do làm sạch, hàng tốt nên sản phẩm của tôi nhanh chóng được các bạn hàng tiếp nhận, đặt hàng nhiều” – ông Hương chia sẻ.
Trong ảnh: Công nhân đang chăm sóc nấm linh chi tại Trung tâm sản xuất nấm Hương Nam ở huyện Yên Khánh (Ninh Bình).
Năm 1999, ông Hương tiếp tục đầu tư mở rộng nhà xưởng, thuê thêm công nhân sản xuất quy mô lớn lên đến 2,5ha, cùng với đó, ông mạnh dạn đầu tư tiền nhập thiết bị, máy móc hiện đại từ Châu Âu về nâng công suất hàng chục tấn/năm. “Đặc biệt, trong thời gian này sản phẩm của tôi còn được xuất khẩu sang thị trường các nước Đông Âu, mang về nguồn thu nhập lớn cho gia đình” – ông Hương khoe thêm.
Năm 2002, tình hình kinh tế có nhiều biến động, tình trạng giải thể các nước Đông Âu khiến thị trường xuất khẩu nấm gặp nhiều khó khăn, tỉnh Ninh Bình quyết định thành lập Trung tâm sản xuất nấm và cử ông Hương làm Giám đốc. Được sự ủng hộ tín nhiệm của các cấp lãnh đạo địa phương, ông Hương tiếp tục đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại vào sản xuất nấm. Cùng với đó, Trung tâm đã thực hiện đúng theo 3 nhiệm vụ của dự án đã đề ra và chuyển giao kỹ thuật gồm Sản xuất giống nấm cấp 2, cấp 3 cho người sản xuất nấm, tổ chức thu mua và bao tiêu sản phẩm nấm đảm bảo chất lượng cho người sản xuất nấm, tổ chức sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu ngay tại trung tâm.
Ngoài việc sản xuất nấm linh chi, Trung tâm còn làm thêm nhiều loại nấm như nấm sò, nấm kim phúc, nấm mèo… Hiện, sản phẩm của Trung tâm sản xuất nấm Hương Nam đã có mặt ở nhiều tình thành trong cả nước. Từ việc sản xuất và bao tiêu sản phẩm nấm cung cấp cho thị trường cả nước, gia đình ông Hương có thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng/năm.
Giúp nhau làm giàu
Ngoài việc sản xuất tại trung tâm tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương, gia đình ông Hương còn mở rộng các trang trại vệ tinh trong và ngoài tỉnh. Hàng năm, ông Hương ký hợp đồng cung ứng, giống tiêu thụ với trên 3.000 cơ sở từ quy mô nông hộ đến các hợp tác xã ở Ninh Bình và các tỉnh lân cận.
Từ việc mở rộng vệ tinh sản xuất nấm, đến nay Trung tâm nấm Hương Nam đã thúc đẩy phong trào trồng nấm tại tỉnh Ninh Bình phát triển mạnh mẽ. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có khoảng 8.000 người tham gia sản xuất nấm, sử dụng khoảng 14.000 tấn rơm rạ và mùn cưa. Mỗi năm cho thu hoạch cung cấp ra thị trường cả nước khoảng 5.000 tấn nấm tươi các loại với trị giá khoảng 100 tỷ đồng.
Điển hình trong số các trang trại sản xuất nấm vệ tinh của ông Hương có nhiều cơ sở hộ có thu nhập hàng tỷ đồng/năm như hộ ông Nguyễn Văn Quang ở xã Khánh An (huyện Yên Khánh), Nguyễn Văn Mỹ ở xã Khánh Vân….
Ông Nguyễn Văn Quang, chủ cơ sở sản xuất nấm ở xã Khánh An cho biết: “Việc sản xuất nấm đang có thị trường rất tiềm năng, được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Nhờ thế mà đến nay việc sản xuất nấm của gia đình tôi rất thuận lợi, sản phẩm làm ra bao nhiêu cũng không đủ bán”.
Ông Phạm Quốc Hương - Giám đốc Trung tâm sản xuất nấm Hương Nam: Trồng nấm là một trong những nghề rất có triển vọng vì nấm là thực phẩm sạch, giàu dinh dưỡng. Nghề làm nấm không đòi hỏi vốn lớn, kỹ thuật quá cao mà chỉ cần có tâm huyết với nghề, cần cù, tỉ mỉ. Người trồng cần lựa chọn được giống tốt, hiểu rõ đặc điểm sinh học và chăm sóc nấm theo đúng quy trình mới có thể thành công được.
Related news
Không có tiền mua cây cảnh, ông Nguyễn Văn Quý đã bán chiếc xe máy đang đi, toàn bộ quả cưới để mua cây cảnh về trồng. Giờ đây, mỗi năm ông thu về cả tỷ đồng
Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất chuyển đổi năm 2016, do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT TP.Cần Thơ tổ chức ngày 23.11.
Mô hình trồng tiêu xen canh cà phê theo phương pháp hữu cơ trên cùng một diện tích của chàng trai quê Gia Lai cho lợi nhuận gấp 3 lần