Trồng hoa xen rau để dụ côn trùng
Trồng hoa trong vườn ươm cây giống để đánh lạc hướng côn trùng gây hại ẢNH: LÂM VIÊN
Để hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác rau, trang trại Kim Bằng, tổ Phước Thành, P.7, TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) áp dụng nhiều biện pháp như trồng xen canh rau và hoa, thủy canh...
Với diện tích gần 6 ha, nằm trên địa hình đồi dốc không mấy thuận lợi, nhưng bà Nguyễn Thị Huệ (chủ trang trại Kim Bằng) đã “phủ” nhà kính gần hết để canh tác nhiều loại rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài 1 ha chuyên sản xuất xà lách thủy canh thì diện tích còn lại được phân thành nhiều khu vực canh tác cà chua, ớt ngọt, cà rốt, củ dền, củ cải, khoai tây, rau thơm… và khu ươm cây giống. Tham quan khu vườn ươm cây giống của trang trại, nhiều người ngạc nhiên khi thấy có những luống hoa trồng xen các giàn ươm cây có vẻ rất “vô duyên”. Ông Đặng Hiếu, quản lý việc sản xuất tại trang trại Kim Bằng, giải thích: “Các luống hoa rực rỡ sắc màu được trồng để “mời gọi” côn trùng, đánh mất phương hướng đối với các loài côn trùng dịch hại, nhằm bảo vệ vườn ươm cây giống mà không cần phun thuốc bảo vệ thực vật”. Quả vậy, trong khi những chùm hoa đỏ vàng có khá nhiều sâu, nhện, ruồi, bướm đeo bám... thì những khay ươm cây giống bên cạnh nảy mầm đâm lá non tơ, khỏe khoắn.
Tại một khu vườn khác, chủ nhân trồng rau thơm xen các loại rau, thoạt nhìn có vẻ “bát nháo”. Ông Hiếu cho biết giống rau thơm roméri có chứa tinh dầu phát ra mùi thơm đặc trưng khiến côn trùng “ưa thích” kéo nhau đeo bám mà “quên” đến gần các luống rau nên không cần sử dụng thuốc trừ sâu bệnh. Giải pháp sinh học này đã giữ cho sản phẩm rau nhà kính thu hoạch luôn đạt chuẩn sạch bệnh, không bị dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Không chỉ canh tác nhiều loại rau theo giải pháp sinh học, trang trại Kim Bằng còn được đánh giá là một trong những trang trại đi đầu trong canh tác rau thủy canh. Bà Huệ chia sẻ, cách đây gần 4 năm, khi thấy chất lượng rau sạch trồng trên đất giảm sút, bà đã bỏ ra nhiều tiền để cải tạo đất, nhưng chất lượng rau vẫn không cải thiện được nhiều. Từ đó bà quyết định chuyển hướng đầu tư nhà kính và thiết bị để trồng rau thủy canh. Ban đầu vào năm 2014 chỉ trồng thử nghiệm 300 m2. Một năm sau đó diện tích rau thủy canh được nâng lên 4.000 m2 và đến nay Kim Bằng đã có 1 ha rau thủy canh. Với diện tích này, ngày nào trang trại cũng luân phiên xuống giống, thu hoạch rau. Mỗi vụ rau từ khi cấy giống vào giàn thủy canh đến khi thu hoạch kéo dài 25 - 30 ngày. Hiện nay trang trại có 17 giống xà lách các loại, mỗi ngày cung cấp cho thị trường 700 kg rau sạch, với giá từ 30.000 - 50.000 đồng/kg...
Theo ông Đặng Hiếu, vốn đầu tư trồng rau thủy canh tốn kém hơn trồng rau trên giá thể khoảng 40% trên cùng một diện tích đất, nhưng cho chất lượng và sản lượng ổn định, một năm có thể xoay vòng canh tác 12 vụ. Tuy nhiên, trồng rau thủy canh phải đầu tư hệ thống bơm và lọc nước sạch liên tục cung cấp nước tuần hoàn cho cây, tuân thủ kỷ luật sản xuất, từ khâu ươm giống, vệ sinh trang trại, đưa giống lên giàn thủy canh, đo dinh dưỡng trong nước, độ ẩm nhà kính...
Related news
TS Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết, để đảm bảo vườn cây trong giai đoạn mang trái đầy đủ dinh dưỡng, cần hạn chế bón nhiều phân
Minh Sáng là xưởng chè hộ cá thể đầu tiên ở Nghệ An đầu tư trồng và chế biến trà theo hướng VietGAP. Nông hộ sản xuất chè an toàn
Nằm ven sông Hồng với không khí trong lành, đất phù sa màu mỡ với đặc trưng “3 không” (không nhà máy, không gần quốc lộ, không bệnh viện)