Trồng củ sắn thắng lớn
Nông dân trồng củ sắn (củ đậu) ở huyện biên giới An Phú và thị xã Tân Châu (An Giang) vô cùng phấn khởi trúng mùa và bán giá cao kỷ lục.
Củ sắn được giá cao, người trồng phấn khởi.
Những ngày này về các xã vùng biên giới An Giang mới thấy không khí nhộn nhịp của người thu hoạch củ sắn trên đồng, khí thế lao động, mua bán rất sôi động. Có nhiều thương lái đậu ghe dưới kênh đợi thu mua.
Anh Nguyễn Thanh Phong ở xã Phú Hữu, huyện An Phú trồng 2ha củ sắn vừa thu hoạch xong vui mừng cho biết, hai vụ rồi trồng bắp lai lãi không cao, nên chuyển sang trồng củ sắn, không ngờ cuối vụ thu hoạch sắn đạt 55 - 60 tấn/ha, bán củ tại ruộng cho thương lái với giá từ 9.500 - 12.000 đồng/kg (tùy loại lớn nhỏ), tăng gấp 3 - 4 lần so với cùng kỳ năm rồi. Với giá bán này và trừ hết chi phí 2ha sắn của anh lãi trên 400 triệu.
Còn ông Trần Văn Thu ở xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu vui mừng kể: Hơn 13 năm trong nghề trồng củ sắn, đa phần lỗ nhiều hơn lời. Vì vùng đất xứ cồn này chỉ thích hợp trồng bắp và củ sắn thôi, chứ trồng các loại cây màu khác không phù hợp. Vậy nên nhiều năm bám cây sắn để trồng. Đặc biệt năm nay trồng củ sắn trúng lớn, bù lại mấy năm trước lỗ quá nặng.
"Nếu như các năm trước thương lái chỉ mua với giá từ 1.700 - 2.000 đồng/kg lại còn làm khó nông dân nhiều thứ, thì nay họ đến tận rẫy thu mua với giá từ 9.000 - 12.000 đồng/kg mà không còn để bán. Năm nay tui chỉ trồng được 3 công củ sắn, 2 công còn lại trồng bắp mà vụ này do sâu bệnh nhiều nên năng suất kém. Riêng 3 công củ sắn thu hoạch đạt năng suất 5,5 tấn/công, bán tại ruộng thu lãi trên 100 triệu đồng", ông Thu chia sẻ.
Theo một số nông dân nơi đây, trồng củ sắn gay go nhất là tới vụ thu hoạch nhưng không bán được vì loại nông sản này không thể neo lại chờ giá lên cao. Từ đó buộc phải bán rẻ cho thương lái vì không có cách nào hơn. Củ sắn xuống giống sau khoảng 4 tháng cho thu hoạch. Hiện thị trường tiêu thụ chính là các tỉnh ĐBSCL và TP.HCM, nay xuất sang Campuchia, Trung Quốc...
Giá thuê nhân công đào củ sắn, phân loại, vô bao hiện từ 200.000 - 220.000 đồng/người/ngày, tăng từ 30.000 - 50.000 đồng so với cùng kỳ năm 2018. Thời điểm thu hoạch củ sắn rộ từ tháng 7 - 9.
Ông Mai Văn Bộ, Trưởng phòng NN-PTNT An Phú cho biết, toàn huyện có gần 25ha củ sắn tập trung trồng nhiều ở các xã Phú Hữu, Vĩnh Lộc, Phước Hưng… Tuy nhiên bà con chủ yếu trồng tự phát, chưa được tập huấn kỹ thuật, đầu ra sản phẩm bấp bênh. Nếu củ sắn bán ở mức giá cao và ổn định như hiện nay, Phòng khuyến cáo người dân mở rộng chuyển đổi cây trồng phù hợp theo tái cơ cấu của ngành, đất gò chuyển sang trồng củ sắn cho lợi nhuận cao gấp nhiều lần lúa.
Ngoài ra, trồng củ sắn không tốn nhiều công sức, ít phải chăm sóc, không yêu cầu kỹ thuật cao. Sau vụ trồng củ sắn, đất để lại một lớp phân tơi xốp giúp nông dân có thể trồng hoa màu khác hoặc trồng thêm một vụ lúa rất có hiệu quả. Từ đó Phòng đề nghị UBND huyện có phương án hỗ trợ về vốn vay và tập huấn kỹ thuật để nông dân an tâm đầu tư sản xuất...
Theo Sở NN-PTNT An Giang, nhiều năm qua bà con trồng củ sắn luôn gặp khó khăn do giá cả bấp bênh, có năm giá sắn xuống còn 300 - 500 đồng/kg nhiều nơi bỏ ruộng không thu hoạch, nếu thuê nhân công sẽ càng lỗ thêm. Vì vậy diện tích củ sắn chỉ còn vài chục héc ta. Từ đầu năm đến nay người dân Campuchia sang các huyện biên giới nhập củ sắn khá nhiều nên giá tăng cao.
Related news
Trồng trọt theo hướng hữu cơ đã được áp dụng nhiều tại Việt Nam, giúp bà con nông dân nâng cao giá trị nông sản.
Dự báo, các tháng cuối năm nay, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ gặp sự cạnh tranh khốc liệt từ các nước Thái Lan, Campuchia
Bọ xít xanh là một loại côn trùng chuyên gây hại trên nhóm cây trồng có múi như cam, quýt, bưởi... và ở cả cây lúa.