Trồng Cây Giảo Cổ Lam Hướng Phát Triển Kinh Tế Mới Ở Chợ Đồn (Bắc Kạn)
Cây giảo cổ lam là dược liệu quý, sẵn có trong tự nhiên, với rất nhiều công dụng như bình ổn huyết áp, chống kết tụ tiểu cầu, làm tan huyết khối, ngăn ngừa sơ vữa mạch… Qua phân tích điều kiện tự nhiên, năm 2014, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) đã thực hiện mô hình trồng thí điểm cây giảo cổ lam tại xã Phương Viên.
Nhằm phát triển giảo cổ lam thành cây hàng hóa, đồng thời bảo tồn cây dược liệu quý đang ngày càng cạn kiệt trong tự nhiên do người dân thu hái nhưng không phát triển. Năm 2014, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thực hiện mô hình thí điểm với diện tích 0,7 ha/13 hộ tham gia tại thôn Nà Đon, xã Phương Viên, chủ yếu trồng ở đất vườn, đồi rừng có bóng râm.
Tham gia mô hình, người dân được hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Hiện mô hình trồng giảo cổ lam đã cho thu hoạch và có những kết quả ban đầu đáng ghi nhận, mở ra thêm một hướng phát triển kinh tế góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ban đầu gia đình ông Lăng Văn Duy, thôn Khuổi Đải, xã Phương Viên hái giảo cổ lam từ rừng về làm thức ăn, rồi thấy nhiều nhặt mang ra chợ bán cùng các loại rau khác, nhận thấy thị trường ưa dùng nên gia đình ông bắt đầu mở rộng diện tích.
Sau khi tìm hiểu biết được công dụng của giảo cổ lam, gia đình ông đã phát triển chỉ từ 2 - 3 khóm ban đầu, đến nay gia đình ông đã có vườn giảo cổ lam rộng hơn 4.000m2.
Cây giảo cổ lam có thể tận thu cả ngọn, lá, thân. Ngọn, lá tươi bán giá 30 nghìn đồng/kg; lá già, thân sao khô thành chè giá dao động khoảng 200 nghìn đồng/kg, mỗi năm gia đình ông có thu nhập trên dưới một trăm triệu đồng từ loại cây này.
Cây giảo cổ lam thường mọc ở những nơi có khí hậu mát mẻ, đất ẩm, bóng râm dọc các khe đồi, núi; mỗi ngày cần có ánh nắng mặt trời khoảng hai, ba tiếng. Trồng giảo cổ lam không mất chi phí đầu tư phân bón chỉ mất công nhổ cỏ, thu hái. Giảo cổ lam là một loại dây leo vì vậy nên trồng ở nơi có những mỏn đá, diện tích rộng hoặc sườn dốc để cây phát triển tốt.
Cây phát triển mạnh từ tháng 2 đến tháng 7, mùa đông cây giảo cổ lam phát triển chậm. Một năm nên cắt cành cách gốc khoảng 20cm để cây ra nhánh non. Công đoạn chế biến chè cũng cần lưu ý khi cắt cả dây về cần rửa sạch, phơi khô, ngắt lá, băm dây mỗi đoạn dài 1 - 2cm sao riêng, sau đó trộn và đóng gói.
Đồng chí Ma Đình Tuyến - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chợ Đồn cho biết: Là mô hình thí điểm nên một số diện tích được trồng thử nghiệm xuống ruộng không chủ động được nguồn nước, tuy nhiên nếu thành công sẽ là bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, đồng thời cây giảo cổ lam phù hợp với điều kiện khí hậu ở Phương Viên cũng như nhiều địa phương trên địa bàn huyện Chợ Đồn.
Để giảm công sức, thời gian cho người dân trong việc chế biến cây giảo cổ lam làm chè thảo dược, UBND huyện đã cấp mô tơ máy sao chè, máy hàn miệng túi và hỗ trợ xi măng cho đại diện nhóm hộ để thực hiện lắp đặt máy chế biến chè tại thôn Khuổi Đải. Là huyện vùng cao nên diện tích khe rạch, bóng râm, đất mùn phù hợp để phát triển loại cây dược liệu này còn rất nhiều nếu đầu ra ổn định thì đây sẽ là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện nay, sản phầm chè giảo cổ lam trên địa bàn huyện Chợ Đồn vẫn chủ yếu do người dân tự tiêu thụ từ việc đi giao, bán trên địa bàn tỉnh, chưa có một doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm. Phát triển cây dược liệu giảo cổ lam thành rau, chè là một hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng và có triển vọng về giá trị kinh tế cao.
Tuy nhiên các cấp chính quyền cũng cần có một “chiến lược” trong việc mở rộng diện tích cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm chè giảo cổ lam để cây dược liệu này thực sự là cây trồng góp phần vào công cuộc giảm nghèo của địa phương.
Related news
UBND tỉnh Phú Yên vừa đồng ý việc Sở NN-PTNT lập dự án Quy hoạch nuôi trồng thủy sản nước lợ, mặn vùng ven biển tỉnh Phú Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Thời gian gần đây, tình hình nuôi tôm gặp nhiều khó khăn do thời tiết bất lợi cộng với dịch bệnh kéo dài, một số nông dân trên địa bàn huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) đã bước đầu chuyển đổi sang mô hình nuôi trồng hải sản khác như: nuôi hàu, ghẹ, cá… nhưng nổi bật hơn là mô hình trồng rong nho (hay còn gọi là rong cầu lục bi).
Ông Phan Thanh Sơn ở ấp Quý Thạnh xã Tân Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang được nhiều người dân biết đến bởi sự cần cù, siêng năng, chịu khó. Từ 2 bàn tay trắng, ông đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, một mái ấm gia đình nhiều người mơ ước nhờ nuôi gà nòi thả vườn.
Sau khi Philippines hủy thầu mua 500 ngàn tấn gạo (đợt đấu thầu ngày 27/8) do giá bỏ thầu cao hơn so với giá trần, những tưởng giá lúa gạo ở Việt Nam sẽ giảm. Tuy nhiên, trên thực tế, giá lúa gạo ở nước ta không những không giảm mà vẫn vững ở mức cao.
Trước tình hình bệnh đốm nâu đang gây hại cây thanh long trên diện rộng, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát vừa ra quyết định thành lập Tổ chỉ đạo phòng chống bệnh đốm nâu trên cây thanh long, do ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục BVTV làm Tổ trưởng.