Triệu phú vườn đồi
Bằng sự nỗ lực, sáng tạo, chịu thương chịu khó, anh Hồ Sỹ Phú và chị Lê Thị Mai, thị trấn Nông trường Việt Trung (Bố Trạch) đã vươn lên làm giàu với mô hình phát triển kinh tế vườn đồi.
Vườn ổi nhà anh Phú có đến 400 gốc nhưng chưa một lần nào anh chị phải đem ra chợ bán mà luôn trong tình trạng không có ổi để bán tại vườn. Giống ổi này ít hạt, ngọt hơn ổi bình thường nên giá bán cũng cao, dao động từ 15 ngàn-17 ngàn đồng/kg.
Thị trấn Nông trường Việt Trung hôm nay ngoài những đồi cao su xanh mát, còn có những vườn ổi sai trĩu quả, được bao bọc cẩn thận trong bao xốp và túi nilon trắng. Trái ổi màu vàng xanh, hình dáng giống trái lê, có xuất xứ từ Đài Loan nên bà con gọi là ổi lê Đài Loan.
Gia đình anh Phú, chị Mai là một trong những người tiên phong đưa giống ổi lê Đài Loan về trồng trên địa bàn. “Mấy năm gần đây, giá dưa hấu lúc được, lúc mất, không ổn định, lúc trồng lại tốn nhiều chi phí và công chăm sóc, nên tôi nghĩ cần tìm một giống cây ăn trái mới để thay thế cây dưa.
Trong một lần xem ti vi, tôi biết đến mô hình trồng ổi lê và sau nhiều lần tìm hiểu ở các địa bàn lân cận, tôi đã quyết định nhập giống ổi lê về trồng trong vườn nhà”, anh Phú chia sẻ.
Vườn ổi của gia đình anh Hồ Sỹ Phú ở tổ dân phố Dũng Cảm, thị trấn Nông trường Việt Trung cho thu nhập bình quân 200 triệu đồng/năm.
Ban đầu, gia đình anh Phú chỉ trồng thử vài chục gốc, sau thời gian thấy có hiệu quả, nên vườn ổi của anh hiện nhân rộng lên 400 gốc. Anh Phú cho biết, ổi lê là giống ổi có thể trồng bất cứ mùa nào trong năm, thời gian sinh trưởng ngắn, tỷ lệ đậu trái và năng suất cao, cho thu hoạch quanh năm.
Ổi lê quả to, ngọt và giòn, được thị trường ưa chuộng nên người dân xung quanh và thương lái đến mua ngay tại vườn, khâu tiêu thụ rất thuận lợi. Đặc biệt, ổi lê có nhiều ưu điểm, nhất là bộ rễ mạnh, thân cành rất chắc, khỏe nên có khả năng chống chịu thời tiết khắc nghiệt của miền Trung.
Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả, vấn đề quan trọng nhất là phải luôn có sẵn nguồn nước tưới cho cây, thường xuyên vun gốc và xới tơi đất để rễ cây phát triển. Để cho quả không bị cháy nắng, có hình dáng đẹp, sáng bóng cũng như chống được ruồi vàng đục quả làm hư hỏng, cần dùng túi nilon bọc từng quả lại từ khi quả còn nhỏ.
“Tôi luôn tự tin nói với khách hàng ổi nhà mình là ổi sạch vì hoàn toàn không phun bất cứ một loại thuốc bảo vệ thực vật nào. Chỉ cần thấy trái có dấu hiệu bị sâu chích, tôi liền giã tỏi hòa vào nước để phun cho cây, vừa chống sâu bệnh lại vừa bảo đảm an toàn”, anh Phú chia sẻ.
“Thu nhập từ vườn ổi rất ổn định, bình quân mỗi ngày tôi thu từ 300 ngàn đến 1 triệu đồng từ tiền bán ổi. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm, gia đình tôi thu nhập từ vườn ổi gần hai trăm triệu đồng. Thời gian tới, vợ chồng tôi sẽ đầu tư kinh phí để trồng thêm 2 ha ổi lê trên diện tích đất đồi của gia đình”, chị Mai cho hay.
Theo chị Mai, trồng ổi là hướng phát triển kinh tế của gia đình mới vài năm trở lại đây, còn cao su và sắn mới là cây chủ lực giúp cho gia đình chị thoát nghèo. Anh chị bắt tay vào trồng cao su và sắn từ năm 1995 trên chính mảnh đất do hai vợ chồng vất vả khai hoang.
Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", ban đầu ,chị Mai chỉ trồng vài trăm cây cao su, sắn để ổn định cuộc sống gia đình. Thời gian sau đó, thấy được hiệu quả từ mô hình này, nên anh chị đã quyết định vay thêm vốn để mở rộng quy mô trồng trọt. Vừa trồng trọt, anh chị vừa dành thời gian để tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, vừa học hỏi kinh nghiệm của chị em trong xã.
Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật và chú ý chăm sóc nên diện tích cao su, sắn của gia định chị phát triển rất nhanh. Hiện tại, gia đình chị Mai đã trồng được 6 ha cao su và 2 ha sắn, cho thu nhập ổn định từ 200-250 triệu đồng.
Từ một hộ thuộc diện khó khăn, đến nay, gia đình chị Mai đã trở thành hộ làm ăn kinh tế giỏi của thị trấn Nông trường Việt Trung. “Người nông dân cứ bám lấy đất làng mà sống, biết tổ chức sản xuất hợp lý thì không bao giờ nghèo đói. Vợ chồng tôi cố gắng tạo dựng cơ nghiệp cho con cái để chúng không phải bỏ xứ đi làm ăn xa mà vẫn có việc làm và thu nhập ổn định, bảo đảm cuộc sống”, chị Mai tâm sự.
Khi được hỏi về kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình, chị cho biết, ngoài sự cần cù chịu khó thì người nông dân cần phải đổi mới tư duy, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng vật nuôi, đưa những giống cây mới vào sản xuất. Yếu tố quan trọng nữa là phải biết áp dụng đúng khoa học kỹ thuật thì mới đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Cùng với việc phát triển kinh tế, vợ chồng chị cũng luôn quan tâm xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con tốt. Các con chị đều có công ăn việc làm ổn định. Công việc tuy bận rộn nhưng anh chị vẫn nhiệt tình tham gia đầy đủ các hoạt động của địa phương, sống chan hòa, tình cảm và được bà con lối xóm yêu mến.
Related news
Diện tích trồng màu 10 công cho thu nhập tầm 3 - 4 triệu đồng/ngày và không tốn một xu thuê lao động phụ giúp, số tiền bán rau, màu
Sâu cuốn lá nhỏ: Sâu non tiếp tục gây hại diện hẹp. Rầy lứa 7 gia tăng mật độ trên đồng ruộng và gây hại trên trà lúa muộn...
Cây siêu quả Magic-S hay còn gọi cà chua thân gỗ, đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có khoảng 30ha sản xuất loại cây trồng này.