Triển Vọng Về Một Quy Trình Tái Canh Cà Phê
Không trồng luân canh cây hoa màu để cải tạo đất trong 3 năm theo quy trình tái canh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số nông dân ở xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột đã tái canh trực tiếp theo kinh nghiệm và bước đầu đã thành công, mở ra hướng đi mới đầy triển vọng trong việc giải quyết bài toán tái canh cà phê hiện nay.
Hiệu quả bước đầuGia đình ông Trần Văn Ngoạn ở thôn 12, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột có 4,7 sào cà phê bị già cỗi, năng suất thấp, sản lượng hằng năm không đủ chi phí đầu tư sản xuất nên năm 2010 ông đã phá bỏ vườn cây để trồng mới. Quy trình tái canh của ông như sau: sau khi thu hoạch xong cà phê niên vụ 2009 – 2010 ông đã nhổ bỏ vườn cây, cày đất, múc hố, phơi đất 6 tháng, sau đó tiến hành xả hố, đào đất và xuống giống.
Sau 4 năm chăm sóc, tỷ lệ cây sống đạt 98% và hiện vẫn phát triển đồng đều, năng suất cao, ổn định, năm 2013 cho thu bói được 1,7 tấn, (tương đương mức năng suất 3,5 tấn/ha), năm 2014 là 2,1 tấn, (năng suất 4,2 tấn/ha).
Ông cho biết, đất trồng cây công nghiệp hơn 20 năm, dùng phân hóa học nhiều nên bị cằn cỗi, khi nhổ bỏ cà phê, đất kết thành từng tảng lớn, chứa nhiều rễ, cầm trên tay thì khô khốc, chai sạn nếu trồng bắp, hoa màu cây cũng kém phát triển nên mất mùa là điều tất yếu.
Do vậy thay vì trồng luân canh hoa màu ông đã chọn phương pháp tái canh trực tiếp, sử dụng phân chuồng, phân hữu cơ, không sử dụng phân hóa học. Tương tự, gia đình ông Lê Văn Dũng trú cùng thôn cũng có 2 sào cà phê tái canh theo phương pháp trồng mới trực tiếp. Ông cho biết, vườn cà phê của gia đình trên 20 năm tuổi, già cỗi, năng suất mỗi năm chỉ đạt khoảng 1,5 tấn/ha.
Năm 2013, sau khi thu hoạch xong cà phê ông đã phá bỏ vườn cây, phơi đất trong thời gian 5 tháng sau đó tiến hành tái canh bằng phương pháp trồng mới với giống TR4, TR9 mua tại Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên. Đến nay, vườn cà phê của gia đình ông vẫn phát triển tốt, không xảy ra hiện tượng vàng lá thối rễ, tỷ lệ sống đạt 100%.
Việc xử lý đất cà phê tái canh bằng phương pháp phơi, đảo trong khoảng thời gian 6 tháng của một số người dân đã được các nhà khoa học đánh giá khá cao.
Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, cà phê tái canh có rất nhiều vấn đề cần phải chú ý từ cách làm đất, đào hố, bón phân, giống, cách chăm sóc… tuy nhiên tuyến trùng là căn bệnh nguy hiểm nhất khiến tỷ lệ thành công của các vườn cà phê tái canh thấp. Các loài tuyến trùng có sẵn trong đất và sẵn sàng gây hại những vườn cà phê sinh trưởng tốt nếu có điều kiện, do vậy những cây cà phê mới trồng sức đề kháng yếu khiến căn bệnh này càng nguy hiểm.
Tuy nhiên, qua kết quả nghiên cứu của Viện thì phần lớn các loài tuyến trùng trong tầng đất 50cm sẽ bị tiêu diệt ở mức nhiệt 45 - 50 độ C cho nên cách làm trên của bà con là một trong những cách làm đơn giản, chi phí thấp, góp phần hạn chế sự phát triển của tuyến trùng trong một thời gian.
Cần phải có sự nghiên cứu cụ thể
Bà Dương Thị Côi, cán bộ khuyến nông xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột cho hay, phương pháp tái canh trực tiếp, không qua thời gian trồng luân canh hoa màu, cải tạo đất tự phát trong dân khoảng 3 năm trở lại đây và chiếm khoảng 10% diện tích tái canh của toàn xã.
Qua quá trình theo dõi vườn cây cho thấy chi phí đầu tư tái canh cao hơn nhưng thời gian tái canh đến thu hoạch rút ngắn từ 6 năm xuống còn hơn 3 năm; các vườn cà phê của các hộ gia đình tái canh trực tiếp sinh trưởng, phát triển tốt hơn những vườn cà phê tái canh bằng phương pháp luân canh các cây ngắn ngày trong 3 năm đã đem đến nhiều triển vọng mới.
Tuy nhiên đây vẫn là cách làm tự phát theo kinh nghiệm, bà con rất mong có một công trình nghiên cứu cụ thể để đưa ra quy trình mới, rút ngắn thời gian mà vẫn bảo đảm hiệu quả tái canh. Còn về lâu dài, bà con nên thay đổi thói quen sản xuất, hướng đến sự bền vững bằng cách hạn chế sử dụng phân hóa học, bón nhiều phân hữu cơ vi sinh để phát triển số lượng vi sinh vật hữu ích, thu hẹp môi trường sống của các loại tuyến trùng khiến chúng không có khả năng gây hại.
Còn về giống, hiện tại Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã nghiên cứu và cho ra các giống cà phê mới TR6, TR7, TR8… có năng suất cao từ 4,2 – 7 tấn nhân/ha, chất lượng tốt, có cỡ hạt lớn đạt loại 1 trên 65%, kháng bệnh gỉ sắt, tăng khả năng cạnh tranh của mặt hàng này trên thị trường xuất khẩu; đặc biệt là 4 dòng cà phê vối chín muộn TR9, TR11, TR12, TR13 nhằm chuyển dần thời gian thu hoạch cà phê vào đúng mùa khô, thuận lợi trong việc thu hoạch, không bị mưa trong quá trình phơi sấy, góp phần giảm lượng nước tưới cho cà phê trong mùa khô…
Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Dak Lak hiện có 203.000 ha cà phê, trong đó diện tích nhỏ lẻ trong dân chiếm tới 80%, do vậy nếu tái canh trực tiếp có thể rút ngắn thời gian tái canh, gián tiếp thay đổi thói quen sử dụng phân bón, cách chăm sóc cho bà con nông dân.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là một số diện tích được thực hiện theo kinh nghiệm, do vậy bà con nông dân không nên nhân rộng mô hình này theo hình thức đại trà mà nên thử nghiệm với diện tích nhỏ.
Ông cũng khuyến cáo các doanh nghiệp khi tái canh nên tham khảo các giống cà phê tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên để lựa chọn các giống cà phê chín sớm, chín muộn đa dạng, tránh tình trạng cà phê già cỗi đồng loạt trong tương lai.
Related news
Trả lời thêm về vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế trong phiên chất vấn, trả lời chất vấn của Quốc hội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã tham gia 10 Hiệp định thương mại tự do, chuẩn bị tham gia vào cộng đồng kinh tế ASEAN…
Gần 2 năm nay, một số hộ dân Bình Đông, Bình Thạnh (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) tận dụng thế mạnh khu vực biển phía sau bờ chắn sóng Nhà máy đóng tàu Dung Quất (giáp cửa biển Sa Cần), phát triển nghề nuôi cá bớp trong lồng bè.
Đã chục năm nay, cam Cao Phong (Hòa Bình) nức tiếng cả nước giúp hàng trăm nông dân nơi đây kiếm tiền tỷ. Nhà bà Đặng Thị Thu ở khu 2, do có hơn 300 gốc cam, quýt nên đều đặn từ năm 2010 đến nay thu lãi 2-5 tỷ đồng/năm.
“Nói rằng Việt Nam hưởng lợi nhiều nhất từ TPP là cái nhìn… méo mó”. Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về cơ hội và thách thức của Việt Nam khi tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Với "ngoại hình" nhiều màu cực bắt mắt, củ cải mini là một ứng viên để những người có "máu làm nông" nơi Thủ đô thử ngay tay nghề trồng trọt tại gia.