Triển vọng từ mô hình trồng bưởi da xanh
Mặc dù mới được đưa về trồng ở huyện Gia Bình chưa lâu nhưng bưởi da xanh đã từng bước được khẳng định là một trong những cây ăn quả thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Một trong những hộ đầu tiên đưa cây bưởi da xanh về sản xuất theo hướng hàng hóa là gia đình anh Nguyễn Đình Triệu ở thôn Xuân Lai, xã Xuân Lai.
Gần 3.000 gốc bưởi da xanh một năm tuổi của gia đình anh Triệu xã Xuân Lai (Gia Bình).
Là người năng động, nhạy bén với các mô hình kinh tế mới, sau quá trình tìm tòi, tham quan, học tập ở miền Nam, anh Triệu quyết tâm đưa giống bưởi da xanh về trồng tại quê hương. Được sự trợ giúp, ủng hộ từ các cấp chính quyền và người dân, anh tiến hành dồn điền đổi thửa, đầu tư hàng tỷ đồng chuyển đổi 5ha diện tích ruộng trũng sang xây dựng trang trại trồng cây ăn quả vào đầu năm 2017. “Khi bắt tay xây dựng, nhìn khu đồng mênh mông nước nhiều chỗ cỏ mọc um tùm, cũng nản lắm. Hơn nữa, lại phải đi vận động hàng chục hộ dân chấp thuận cho mình dồn điền đổi thửa, thuê đất trong thời gian dài… Song, nhận thấy được tiềm năng phát triển của bưởi da xanh cũng như một số loại cây ăn quả tại đây, gia đình tôi quyết tâm biến khu đất trũng này thành trang trại trù phú”, anh Triệu chia sẻ.
Theo anh Triệu, bưởi da xanh ưa nước nên thích hợp trồng ở những khu trũng. Đến nay, gần 3.000 gốc bưởi được anh trồng theo phương pháp cây cách cây 5m, hàng cách hàng 5m để thuận lợi cho việc tưới tiêu, đồng thời không làm ảnh hưởng đến bộ rễ. Ngoài ra, anh còn trồng xen canh các loại rau để nâng cao hiệu quả sản xuất. Hiện các loại cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, hứa hẹn bội thu. Khu trang trại của gia đình anh cũng tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định.
Theo anh dự kiến, mô hình trồng bưởi sau 4 năm sẽ cho thu hoạch lứa đầu. Lứa từ 5 đến 10 năm sẽ cho năng suất 40-100 quả/cây lứa từ 10 năm trở lên sẽ cho từ 200-300 quả/cây. Bưởi được chăm bón theo quy trình kỹ thuật cao, sử dụng phân vi sinh nhằm tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng. Trang trại của gia đình anh Triệu cũng đi đầu trong việc ứng dụng KHKT mới vào sản xuất, tiêu biểu như công nghệ tưới phun tự động. Anh đầu tư hơn 300 triệu đồng lắp đặt máy bơm tăng áp và hệ thống đường ống dẫn nước. “Nếu như trước đây, để tưới đủ nước cho các gốc bưởi thì cần đến 10 lao động thủ công, nhưng áp dụng phương pháp này chỉ cần 1 người điều khiển là có thể hoàn thành công việc, lại tiết kiệm thời gian và nước tưới. “Tôi mong muốn được tạo điều kiện về vốn và đất đai để tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất”, anh Triệu cho biết.
Ông Nguyễn Đình Nam, trưởng thôn Xuân Lai đánh giá: “Những năm gần đây, nhờ năng động, cần cù chịu khó, nhiều hộ nông dân mạnh dạn đưa thành công các cây, con giống mới năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Trồng bưởi da xanh theo hướng hàng hóa của gia đình anh Triệu cũng là một trong những mô hình tiêu biểu, rất có triển vọng của địa phương. Chúng tôi tiếp tục theo dõi mô hình. Sự thành công của mô hình là cơ sở để nhân ra diện rộng, từ đó góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất cho bà con nông dân”.
Related news
ông Quang nuôi lươn mẹ, sau khi lươn đẻ trứng, ông bán cả trứng lươn cả lươn mẹ rồi lại nuôi lứa mới. Với cách làm này, mỗi năm ông Quang lời hàng trăm triệu
Cùng với cây màu truyền thống là hành tỏi và cà rốt, tỉnh Hải Dương mấy năm nay mở rộng sản xuất các loại dưa, bí cùng nhóm rau họ thập tự.
Tại các tỉnh phía Bắc, bệnh huyết dụ, lùn sọc đen, sâu đục thân gây hại tăng trên ngô; bọ nhảy, sâu xanh, rệp,... gây hại nhẹ đến trung bình trên rau màu.