Triển Vọng Nghề Chăn Nuôi Gà Bán Công Nghiệp Thả Vườn Đồi

Phát triển chăn nuôi gia cầm tập trung theo hình thức bán công nghiệp đang là sự lựa chọn của nhiều hộ gia đình, giúp duy trì và ổn định nguồn cung sản phẩm ra thị trường. Từ hướng phát triển kinh tế này đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả, điển hình là mô hình chăn nuôi gà bán công nghiệp kết hợp thả vườn đồi của gia đình bà Nguyễn Thị Thu thôn Cường Bắc, Xã Nam Cường, TP Yên Bái.
Trước đây, kinh tế gia đình bà Thu chủ yếu dựa vào việc buôn bán nhỏ lẻ, thu nhập chỉ đủ để trang trải các chi phí trong gia đình. Việc buôn bán bấp bênh, thu nhập không đều đã khiến bà Thu nhiều đêm trăn trở. Nhận thấy, đất đai nhà mình rộng rãi, với tổng diện tích hơn 3ha lại có diện tích mặt nước gần 6.000 m2 cùng với đồi cây quanh năm có bóng mát, năm 2006 bà Thu bàn với gia đình gom góp toàn bộ vốn tích lũy được để xây dựng chuồng trại đầu tư vào chăn nuôi gà.
Ban đầu gia đình bà Thu chăn nuôi gà đẻ trứng, sau đó chuyển sang nuôi giống gà trắng thương phẩm. Song do giá cả trứng bấp bênh, tình hình dịch bệnh xảy ra nhiều, việc chăn nuôi không đem lại hiệu quả, nên gia đình bà đã dừng hoạt động từ năm 2011.
Cứ nghĩ đến khoản tiền đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng chuồng trại giờ lại bỏ không, đã thôi thúc bà Thu quyết tâm phải gây dựng lại chăn nuôi. Bà bắt đầu làm lại từ đầu từ việc học hỏi kiến thức chăn nuôi khoa học, đi đến đâu Bà Thu cũng chăm chỉ ghi lại những kinh nghiệm từ việc chăn nuôi gà.
Đầu năm 2013, được sự hỗ trợ một phần về kinh phí, con giống, thuốc thú y của Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh, bà Thu đã mạnh dạn nhận 5.000 con gà ri lai của Công ty cổ phần Giống gia cầm Lượng Huệ về nuôi. Đến nay quy mô của trang trại đã lên tới 1,1 vạn con. Trong đó có khoảng 5.000 con chuẩn bị cho xuất bán, với cân nặng từ 2,5 kg đến hơn 3kg/con.
Kết hợp phương pháp chăn nuôi gà truyền thống là thả đồi rừng với phương pháp chăn nuôi hiện đại trong chuồng, bà Thu đã tiến hành chăn nuôi theo hình thức bán công nghiệp gà thả vườn đồi; trong đó đặc biệt quan tâm đến khâu kiểm soát vật nuôi. Toàn trang trại được rào chắn an toàn đảm bảo cách ly đàn gà khỏi các yếu tố nguy hại. Trong quá trình chăn nuôi, bà Thu cũng tuân thủ theo các yêu cầu kỹ thuật về môi trường, chuồng trại luôn đảm bảo khô thoáng, sạch sẽ. Khu vực chuồng úm luôn đảm bảo có đủ ánh sáng và nhiệt độ phù hợp.
Theo bà Thu, yếu tố quan trọng nhất trong quá trình nuôi gà là phải luôn kiểm soát được sức khỏe của đàn vật nuôi, do đó bà Thu đặc biệt chú trọng đến việc thường xuyên theo dõi sức khỏe của đàn gà, khi có biểu hiện lạ được đưa ra cách ly theo dõi nhằm phát hiện nguyên nhân và có hướng xử lý kịp thời. Nhờ cách làm này mà đàn gà của trang trại luôn khỏe mạnh, có tỷ lệ sống và trưởng thành cao.
Theo tính toán của bà Thu mỗi lứa gà ri lai nuôi theo hình thức gà thả vườn đồi, từ khi mới nở đến khi xuất bán khoảng trên 3,5 tháng, trọng lượng mỗi con từ 2,5 kg trở lên, với giá bán trên thị trường khoảng 90.000 đến 100.000 đồng/kg như hiện nay thì sau khi trừ các chi phí bà có lãi trên 40.000 đồng/con.
Chăn nuôi gà thả vườn đồi không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình bà Thu mà trang trại của bà còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho từ 3 đến 5 lao động trong xã với thu nhập từ 3, 5 đến 4 triệu đồng/tháng.
Từ hiệu quả mô hình chăn nuôi gà thả vườn đồi của gia đình bà Thu, bà con nhân dân trên địa bàn thành phố Yên Bái đã đến học hỏi và được bà Thu nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm. Nhờ đó mà đã xuất hiện thêm nhiều gia đình mạnh dạn áp dụng phương pháp nuôi mới vào thực tiễn đem lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra một hướng đi mới trong chăn nuôi gà tại địa phương, giúp bà con nhân dân xóa đói, giảm nghèo tiến đến vươn lên làm giàu, xây dựng cuộc sống gia đình sung túc.
Related news

Năm 2012, Trung tâm Giống thủy sản An Giang tổ chức được 108 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi lươn, cá lóc, ếch Thái Lan... cho 2.160 hộ nghèo và cận nghèo; thực hiện 60 mô hình (31 mô hình nuôi lươn, 16 mô hình nuôi ếch, 13 mô hình nuôi cá lóc) tại thị xã Tân Châu và các huyện: Tịnh Biên, Phú Tân, Châu Phú, Chợ Mới và An Phú... đạt kết quả tốt.

Trước thực trạng diễn ra của bệnh tôm, đặc biệt là hội chứng tôm chết sớm (viết tắt EMS hoặc AHPNS) chưa xác định tác nhân gây ra, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản (NTTS) tỉnh Ninh Thuận đã đề xuất người nuôi triển khai nuôi tôm theo mô hình mới. Gọi là mới vì mô hình áp dụng các biện pháp kỹ thuật khác hẳn cách nuôi truyền thống và tuy chỉ là bước khởi động nhưng cho thấy dấu hiệu ban đầu đã kiểm soát được dịch bệnh, hạn chế 100% hiện tượng tôm chết trong tháng đầu do hội chứng EMS.

Giá tôm trên thị trường hiện nay tại ở các tỉnh ĐBSCL đang ở mức khá cao. Tôm sú 30 con/kg, giá bán từ 190.000 – 195.000 đồng/kg, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg, 85.000 - 90.000 đồng/kg, tăng hơn 10% so với cùng kỳ.

Cá chép Nhật có tên theo tiếng Nhật là Nishiki Koi (có nghĩa là cá chép có màu gấm). Nét độc đáo mà cá chép Nhật thu hút các nghệ nhân và những người thưởng ngoạn cá cảnh là sự đa dạng về màu sắc, hình dạng và kiểu vẩy, vây của cá, nhất là vây đuôi. Cá sống vùng nước ngọt, có thể sống trong môi trường nước có độ mặn 6%o, hàm lượng oxy trong bể nuôi tối thiểu: 2,5 mg/l, độ pH từ 4 - 9, (thích hợp nhất: pH = 7,6), nhiệt độ nước: 20 -> 27OC. Cá chép Nhật rất thích hợp và sinh trưởng tốt với điều kiện nuôi tại Việt Nam.

Hiện nay, người nuôi cá tra ở ĐBSCL lâm vào cảnh điêu đứng, gian nan. Đã có người treo ao, bán đất vì làm ăn thua lỗ, nợ nần bủa vây. Một số người cố gắng duy trì nuôi cá theo hình thức gia công cho DN để trả nợ ngân hàng. Họ chờ đợi, và cầm cự. Trước mắt người nuôi cá mong muốn ngân hàng sớm vào cuộc giải cứu...