Triển Vọng Cây Ca Cao Bến Tre
Đối với người làm kinh tế, doanh nhân và nhà quản lý, đôi khi những yếu tố, vấn đề rất xa nhau, tưởng chừng không có liên hệ gì với nhau, nhưng thực ra lại có mối liên hệ rất mật thiết, cái này chi phối quyết định cái kia và ngược lại.
Chẳng hạn như đến mùa Noel - Giáng sinh năm 2013, du khách đi chơi nhiều, mức tiêu thụ loại kẹo sô-cô-la (chocolate) tăng. Các chuyên gia kinh tế thế giới dự báo các nước ở châu Á đang gia tăng mạnh nhu cầu loại kẹo này.
Chuyện vừa nêu có liên quan gì đến cây ca cao đang trồng ở Bến Tre? Nếu tính thời gian, cây ca cao xuất hiện như một loại cây nông nghiệp được trồng tại Bến Tre đã tròn 30 năm, nhưng được các tập đoàn kinh tế lớn thế giới quan tâm nghiên cứu, hợp tác đầu tư và khai thác qui mô nhỏ mới chỉ 8 năm.
Và thời điểm cuối năm 2013 vừa qua có 3 sự kiện “tôn vinh” hạt ca cao Bến Tre. Thứ nhất, cuối tháng 10-2013, tại Thủ đô Paris (Cộng hoà Pháp) Công ty Puratos Grand - Place Việt Nam nhận giải thưởng Ca cao quốc tế với danh hiệu Ca cao tốt nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương với sản phẩm chính là hạt ca cao trồng tại Bến Tre.
Hạt ca cao Bến Tre sẽ là nguyên liệu chính để tập đoàn Puratos khai thác, sử sụng để phát triển dòng sản phẩm sô-cô-la nguồn gốc Việt Nam, dự kiến sẽ được giới thiệu ra thị trường quốc tế trong năm 2014.
Thứ hai, giữa tháng 11 vừa qua, Công ty Puratos Grand - Place Việt Nam cùng lãnh đạo địa phương đã khánh thành Nhà máy lên men ca cao và Trung tâm phát triển ca cao tại Khu công nghiệp Giao Long. Đại sứ Vương quốc Bỉ và lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đến dự. Riêng Trung tâm phát triển ca cao khi đi vào hoạt động còn có sự tham gia hợp tác của các chuyên gia từ tập đoàn kinh doanh, chế biến ca cao Mars (Hoa Kỳ).
Thứ ba, tại một diễn đàn hợp tác kinh tế vừa qua, giám đốc Chương trình Phát triển ca cao của tập đoàn Mars tại Việt Nam phân tích: Các công ty quốc tế kinh doanh, chế biến ca cao sẽ cùng vào đầu tư tại các địa phương có trồng ca cao, đây là thời điểm tiền cạnh tranh trong ngành hàng này nhưng lại có lợi cho sự phát triển của ca cao Việt Nam.
Như vậy, cuối năm 2013, qua 3 sự kiện nêu trên cho thấy ca cao và các sản phẩm từ ca cao, nhất là ca cao có xuất xứ từ Bến Tre đang được quan tâm, bởi chất lượng nguyên liệu cao, khả năng đầu tư sinh lợi khả thi. Điều này càng trở nên cần thiết “vào cuộc” khi nhu cầu nguyên liệu ca cao đang khan hiếm dần trên thế giới ít nhất cho đến năm 2020. Riêng năm nay, ngành sản xuất sô-cô-la thế giới thiếu khoảng 160 nghìn tấn nguyên liệu ca cao, đến năm 2020 sẽ thiếu khoảng 1 triệu tấn.
Năm 2013, cả nước có trên 22.000 ha trồng ca cao nguyên liệu, trong đó diện tích trồng ca cao tại Bến Tre hơn 10.000 ha, và năm 2012 doanh thu từ ca cao của Bến Tre đạt trên 90 tỷ đồng. Mô hình trồng ca cao xen vườn dừa, xen vườn nhãn, thu mua, xơ chế hạt ca cao tại địa phương đã đúc kết nhiều kinh nghiệm bước đầu.
Việc đốn bỏ một phần diện tích trồng ca cao tại địa phương trong khoảng từ tháng 5 đến tháng 8 vừa qua (khoảng 500 ha) chủ yếu do tác nhân từ quá trình nước mặn xâm nhập sâu, đất nhiễm mặn không phù hợp thổ nhưỡng cây ca cao.
Giá các loại trái cây có múi (bưởi, cam..) có thời điểm nhích lên cao hơn giá ca cao đã gây ảnh hưởng tâm lý phần nào đến độ bền vững kinh tế của loại cây nông nghiệp này. Cũng có khả năng là nhà nông thiếu thông tin về sự quan tâm của các tập đoàn kinh doanh ca cao lớn thế giới đang và sẽ đến đầu tư, hợp tác làm ăn lâu dài tại địa phương.
Thời cơ lớn cho ca cao Bến Tre cất cánh đang đến rất gần, cũng đồng nghĩa với các hoạt động sản xuất, thương mại sôi động hơn bao giờ hết. Vấn đề đặt ra hiện nay là: Làm sao người lao động, sản xuất trực tiếp ra nguyên liệu ca cao có lợi nhiều nhất? Phương châm liên kết “4 nhà” đang rất cần vai trò chủ đạo của “nhạc trưởng”- Nhà nước, trong qui hoạch, điều tiết giá cả, lựa chọn đối tác, mang đến cả cơ hội cho người nông dân tiếp cận ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, đồng thời tranh thủ phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ như công nghệ chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, từng bước tăng nội lực của nền sản xuất địa phương… Ca cao Bến Tre chắc chắn sẽ có điều kiện “lên ngôi” trong thời gian tới.
Với các chuyên gia, giá trị kinh tế, xã hội của loại cây này còn rất nhiều tiềm năng và lợi thế bởi nhu cầu thị trường đang tăng, bởi tư duy về chuỗi giá trị từ ca cao cho phép cơ quan chủ quản và doanh nghiệp quan tâm đầu tư đến nơi đến chốn, hạn chế kiểu làm ăn nhỏ lẻ, manh mún dễ bị tổn thương trong nền kinh tế thị trường.
Tại kỳ họp thứ 8 HĐND khoá VIII của tỉnh, 2 vấn đề được đại biểu quan tâm nhiều và nhất trí biểu quyết cao, đó là tiếp tục và quyết liệt thực hiện Đồ án qui hoạch xây dựng vùng và triển khai hiện thực hoá Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Cây ca cao và ngành công nghiệp chế biến ca cao sẽ là một trong những yếu tố tạo “lực đẩy” cho quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung và loại hình cây công nghiệp nói riêng. Cùng với dừa, ca cao Bến Tre sẽ “lên ngôi” trong thời gian tới khi trở thành thương hiệu trong và ngoài nước.
Related news
UBND tỉnh đã có văn bản số 5580/UBND-KTN đồng ý giới thiệu địa điểm để Công ty TNHH Thành Ly chuẩn bị đầu tư xây dựng Khu nuôi tôm thương phẩm ứng dụng công nghệ cao tại xã Cát Thành và xã Cát Hải (huyện Phù Cát) với diện tích trên 480 ngàn m2.
Trong 5 năm qua, huyện Vĩnh Thạnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM);
Đó là đánh giá của Liên minh HTX tỉnh tại Hội nghị tổng kết hoạt động HTX năm 2015 do Liên minh HTX tỉnh tổ chức ngày 24.11 tại TP Quy Nhơn.
Sẽ có 6 trung tâm nghề cá lớn được đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2016-2020 tại địa bàn các tỉnh Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ, Hải Phòng, Khánh Hòa, Kiên Giang. Tổng mức vốn đầu tư các trung tâm nghề cá này dự kiến khoảng 14.595 tỷ đồng.
Những năm gần đây, việc sản xuất, kinh doanh (SXKD) phân bón giả, kém chất lượng trên địa bàn tỉnh ta diễn biến khá phức tạp. Để ngăn chặn có hiệu quả, cần có các giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn.