Trang trại VietGAP trù phú vùng trung du
Đó là trang trại tổng hợp rộng 6 ha của ông Trần Thái ở thôn Phú Lâm, xã Tây Phú, huyện trung du Tây Sơn (Bình Định), cho mức lãi ròng hơn 500 triệu đồng/ha.
Ông Thái trong trang trại sản xuất theo hướng VietGAP của gia đình…
Ông Thái cho biết đã duy trì mô hình này hơn 15 năm. Để có được thành quả ngày hôm nay, ông đã dày công cải tạo đất rồi tìm cách dẫn nước từ núi cao, cách nhà chừng 20 km, về tích trữ trong bể xi măng phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Bàn tay và khối óc của con người đã biến vùng đá sỏi, khô cằn hoang hóa ngày nào thành trang trại trù phú, cây cối xanh tươi bốn mùa.
Nói về mô hình sản xuất sạch của mình, ông Thái cho biết ông coi trọng sử dụng phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh, phân xanh trong quy trình sản xuất, cải thiện chế độ dinh dưỡng cho đất. Mặt khác, ông hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các hóa chất khác trong khâu chăm sóc cây, con. Mặc dù phải mất công quản lý, giám sát, thêm chi phí cho việc áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, nhưng sản phẩm làm ra tiêu thụ tốt với giá cao hơn và ổn định. Năm 2020, trang trại của ông Thái đã thu được 18 tấn măng tre điền trúc, trong đó có 3 tấn măng trái vụ giá bán tới 30.000 đồng/kg;
12 tấn trái mít tố nữ hạt lép giống Malaysia; 150 kg hồ tiêu sạch; xuất bán 5 con bê lai, 100 con dúi; 1.500 con gà ta thả vườn. Ngoài ra, ông còn thu hoạch được 500 tấn cây keo lai, 6 cây sưa đỏ với giá bán 15 triệu đồng/cây. Bên cạnh đó, gia đình ông còn có thu nhập khác nhờ tham gia bảo vệ 50 ha rừng phòng hộ đầu nguồn. Tổng thu nhập của trang trại ông Thái đạt gần 1,3 tỉ đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 500 triệu đồng.
Ông Thái cho biết thêm, làm trang trại tổng hợp phải kết hợp lợi thế của các cây trồng, vật nuôi trên cùng một diện tích dựa vào đặc điểm sinh học hoặc tập tính loài và căn cứ vào tín hiệu thị trường. Ví dụ, muốn nuôi con dúi thì phải có vườn tre, vì trong tự nhiên tre và mía là các thực phẩm chính mà con dúi ưa thích. Bình Định là nguồn “cầu” rất lớn về nguyên liệu giấy nên cây keo lai hấp dẫn nông dân, nhất là nông dân trung du, miền núi…
Cùng với làm giàu cho gia đình, ông Thái đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động thời vụ và 5 lao động thường xuyên với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng. Ông quả quyết: “Làm kinh tế trang trại theo hướng VietGAP là cách làm có tính khoa học, bền vững. Trang trại không chỉ có phát triển kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tạo hình ảnh đẹp cho nông thôn”.
Nhờ kinh tế trang trại, ông Thái đã nuôi 2 con và 4 cháu mồ côi học đại học, có công ăn việc làm. Năm 2019, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất; cuối năm 2020 được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định tặng bằng khen về thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Bình Định giai đoạn 2015 - 2020. Ông còn là một trong 6 đại biểu tỉnh Bình Định đi dự Đại hội thi đua yêu nước lần thứ 5 năm 2020 (giai đoạn 2015 - 2020) của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Related news
Những giống như cỏ voi, VA 06, Guatemala được trồng và phát triển tốt trên địa bàn tỉnh Hà Giang thực sự 'cứu sống' ngành chăn nuôi đại gia súc nơi đây.
Ở ĐBSCL, việc áp dụng kỹ thuật sản xuất trái cây rải vụ giúp tăng hiệu quả kinh tế từ 1,5 lần đến 2 lần so với chính vụ.
Nông dân phấn khởi khi lợi nhuận tăng cao hơn hàng năm xấp xỉ 30 triệu đồng/ha nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp trong chương trình canh tác lúa thông minh