Home / Tin tức / Tin nông nghiệp

Tràn lan phân bón giả

Tràn lan phân bón giả
Author: Đình Thi
Publish date: Friday. September 23rd, 2016

Cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng liên tục bắt giữ số lượng lớn phân bón giả từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh trái phép. Trong ảnh: Cơ sở sản xuất phân bón trái phép của bà Kim Mây ở TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng

Giá trị kinh tế từ phân bón giả, kém chất lượng rất lớn nên nhiều cơ sở sản xuất, chế biến phân bón trái phép ở Lâm Đồng liên tục mọc lên khiến nông dân khốn đốn, trong khi các ngành chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý.

Thật giả lẫn lộn

Mới đây nhất, đêm 21-9, lực lượng chức năng TP Bảo Lộc đã mật phục và bắt quả tang hơn 10 tấn phân hóa học đơn có nguồn gốc từ Trung Quốc để pha chế và đấu trộn thành phân hỗn hợp NPK gắn nhãn hiệu của Công ty TNHH Phân bón Bình Đông có trụ sở tại tỉnh Bình Dương. Cơ sở sản xuất phân bón giả này do bà Lê Thị Kim Mây (65 tuổi) làm chủ; địa chỉ tại 684 Quốc lộ 20, thôn Ánh Mai 1, xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc.

Trước đó, tháng 6-2016, tại tổ dân phố 2 (thị trấn Mađagui, huyện Đạ Huoai), cơ quan chức năng đã bắt quả tang 391 bao phân bón giả (tổng trọng lượng gần 20 tấn) trong DNTN Lâm Hoàng. Theo kết quả điều tra, chủ số phân bón này là ông Nguyễn Phong Hải (44 tuổi, ngụ thị trấn Mađagui). Số phân bón này đã được ông Hải giả nhãn hiệu, bao bì sản phẩm phân lân trung lượng (lân - magiê Faba) của Công ty CP XNK Hưng Tường (trụ sở chính đóng tại quận 7, TP HCM).

Cùng thời gian này, Công an huyện Bảo Lâm cũng bắt quả tang một vụ sản xuất phân bón trái phép quy mô lớn trên địa bàn thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm. Chủ cơ sở sản xuất phân bón trái phép này là ông Trương Thượng Nhân (48 tuổi; ngụ huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận). Số phân bón được cơ quan chức năng niêm phong thu giữ là 413 bao với tổng trọng lượng hơn 20,5 tấn. Số phân bón này được ông Nhân sử dụng bùn than trộn với một số loại phân bón có uy tín trên thị trường như Lân Văn Điển và Đạm Phú Mỹ rồi bán cho người tiêu dùng.

Theo thống kê sơ bộ của tỉnh Lâm Đồng, trung bình mỗi huyện, thành phố trong tỉnh có gần 200 cơ sở, đại lý kinh doanh phân bón. Trong đó, đa phần là các cửa hàng, đại lý kinh doanh vừa và nhỏ theo dạng thời vụ. Nhiều cơ sở pha chế, trộn trái phép các loại phân bón, thậm chí làm giả những thương hiệu có tiếng trên thị trường không chỉ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính mà còn gây thiệt hại nặng nề cho nông dân.

Ông Phạm Hữu Lộc (ngụ thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm) bức xúc: “Vụ mùa vừa rồi, gia đình tôi thất thu hơn một nửa sản lượng cà phê, thiệt hại hơn 150 triệu đồng vì phân bón giả, kém chất lượng. Tháng 6-2015, tôi mua nhiều loại phân khác nhau có nhãn hiệu và địa chỉ tại thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà về bón cho vườn cà phê nhưng không thấy phát triển mà bị bệnh vàng lá, rụng trái. Chúng tôi nhiều lần khiếu nại nhưng đến giờ vẫn không nhận được gì. Tiền mất tật mang lại tốn công cải tạo đất và mua phân bón khác nuôi dưỡng cây”.

Gia đình ông Phạm Văn Đủ (ngụ huyện Đức Trọng) bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn khi gần 1,5 ha rau súp lơ xanh và cà chua đen bị héo lá chết hàng loạt. Ông Đủ cho biết thời gian gần đây, ở địa phương thường xuất hiện những doanh nghiệp kinh doanh phân bón về tổ chức hội thảo giới thiệu để bán phân.

Nghe lời họ nói hay quá, nhiều gia đình không ngần ngại mua loại phân vi lượng về bón cây. Kết quả, cây chết hàng loạt. “Khi đem mẫu đi kiểm nghiệm thì phần đất sét và đá vôi nhiều hơn chất dinh dưỡng. Giờ nông dân chúng tôi mua phân bón như đánh bạc, không biết đâu mà lường” - ông Đủ nói.

Khó xử lý triệt để

Ông Đặng Quốc Khánh, Đội trưởng Đội QLTT số 3 (tỉnh Lâm Đồng), cho biết phần lớn các vụ vi phạm bị phát hiện đều do cố tình bày bán phân bón giả, kém chất lượng với giá rẻ, đánh vào tâm lý người tiêu dùng. Những loại phân bón này rất khó nhận biết bằng mắt thường nên nhiều người mua phải phân bón giả mà không hề hay biết.

Theo ông Khánh, để bảo vệ nông dân trước nạn phân bón kém chất lượng, hằng năm, ngoài các đợt kiểm tra, kiểm soát theo kế hoạch, đơn vị còn mở nhiều đợt kiểm tra đột xuất các đại lý, cửa hàng kinh doanh phân bón.

“Tuy nhiên, để tránh mua phải phân bón giả, kém chất lượng, người tiêu dùng cần tìm đến các cửa hàng, đại lý có uy tín để chọn mua sản phẩm. Khi mua cần lựa chọn những sản phẩm có thương hiệu; đặc biệt lưu ý đến các thông số ghi trên bao bì như chủng loại, nguồn gốc, thành phần dinh dưỡng, hạn sử dụng và nhà sản xuất… Khi phát hiện sản phẩm có dấu hiệu bất thường, phải đến ngay cơ quan chức năng để trình báo để cùng vào cuộc điều tra, xử lý” - ông Khánh lưu ý.

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Mẫn, Phó Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bảo Lâm, cho rằng công tác chống nạn phân bón giả còn nhiều khó khăn là do một số quy định của pháp luật chưa rõ ràng. Cụ thể, do Nghị định 163/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 về “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp” không quy định rõ thẩm quyền của lực lượng QLTT trong phạm vi vi phạm kinh doanh phân bón nên QLTT phải áp dụng phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 185 ngày 15-11-2013 về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại với mức phạt chẳng thấm vào đâu so với lợi nhuận khủng mà hành vi kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng mang lại.


Related news

Dân thêm thu nhập, Hội thêm tiếng tốt Dân thêm thu nhập, Hội thêm tiếng tốt

Hàng chục hợp tác xã (HTX) ăn nên làm ra, hàng trăm hộ nông dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng từ chỗ khó khăn đã vươn lên khấm khá, có “của ăn của để” nhờ vốn vay của Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND). Nông dân có thêm thu nhập, Hội ND có thêm tiếng tốt.

Friday. September 23rd, 2016
Phân NPK Ninh Bình và giống ngô lai CP3Q thích hợp với vùng đất Gia Hưng Phân NPK Ninh Bình và giống ngô lai CP3Q thích hợp với vùng đất Gia Hưng

Vào trung tuần tháng 9, nhiều hộ xã viên ở xã Gia Hưng (Gia Viễn) được trực tiếp tham quan mô hình trình diễn sử dụng phân NPK Ninh Bình trên cây ngô tại xứ đồng Mái Bằng. Kết quả bước đầu cho tín hiệu khả quan, ngoài việc mang lại niềm vui vì đã tìm được loại phân bón phù hợp với giống cây trồng trên đồng đất quê hương mà còn thể hiện được sự liên kết giữa “2 nhà”. Đó là sự liên kết giữa nhà sản xuất (Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình) và nhà nông (các hộ được chọn thực hiện mô hình).

Friday. September 23rd, 2016
Việt Nam phải nhập khẩu hơn 70% máy móc, thiết bị nông nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu hơn 70% máy móc, thiết bị nông nghiệp

Qua dự án khảo sát của Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch tại 92 cơ sở chế tạo máy trên 15 tỉnh, thành phố đại diện cho cả 7 vùng kinh tế cả nước cho thấy, các sản phẩm máy móc nông nghiệp nhập khẩu từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan... chiếm tới gần 70%. Trong khi đó sản phẩm sản xuất tại Việt Nam chỉ chiếm từ 15-20%.

Friday. September 23rd, 2016