Home / Tin tức / Tin nông nghiệp

Trái đắng từ trồng chuối theo phong trào

Trái đắng từ trồng chuối theo phong trào
Author: Nguyên Vỹ
Publish date: Thursday. February 16th, 2017

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá chuối tại Đồng Nai đã giảm chỉ còn 2.000 đồng/kg. Điều đáng nói, nguyên nhân giá chuối giảm do nguồn cung vượt quá cầu bởi từ đầu năm 2016, thấy giá chuối được “ăn”, nhiều người dân ở Đồng Nai đã lao vào trồng...

Trong ảnh: Anh Tuấn lo âu cho vườn chuối của mình sắp vào thời điểm thu hoạch. Ảnh: N.V

Giá chuối lao dốc

Tại xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom), anh Nguyễn Thanh Tuấn nghe phóng viên hỏi liền than giá chuối đang xuống với tốc độ lao dốc. Năm ngoái, chuối bán 15.000 đồng/kg. Trước tết, giá xuất khẩu được 4.000 đồng/kg nhưng hiện chỉ còn 2.000 đồng/kg.

Đây là mùa đầu tiên anh Tuấn làm chuối. Anh đang trồng 1 mẫu (1ha) với 2.200 gốc. Mẫu đất hiện tại, anh thuê thời hạn 5 năm, đã đầu tư hơn 100 triệu đồng từ đường điện, hệ thống tưới… Anh còn đang thuê thêm 1 mẫu đất khác nhưng chưa phát quang. “Hiện giá tiêu xuống, cây điều đang sâu bệnh, đã đầu tư trồng chuối thì phải tiếp tục. Nhưng mẫu đất bên kia chưa biết phải trồng tiếp thứ gì” - anh Tuấn rầu rĩ.

Anh Đinh Ngọc Năm (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) cho biết hiện thương lái chỉ thu mua chuối rải rác. Đến cuối tháng Giêng âm lịch chuối mới chín rộ đồng loạt. Lúc đó, giá thấp cũng phải bán vì không thể phơi khô hay chế biến như điều, tiêu…

Anh Năm nhớ hồi đầu vụ, mỗi cây giống giá 9.000 đồng vẫn không đủ bán. Các mối bán lẻ tăng lên 10.000 – 11.000 đồng/cây vẫn còn người tranh mua. Hiện ở một số nơi, chuối đã chín đầy vườn phải chặt bỏ. Có vườn chín rụng 3 – 4 tấn, coi như lỗ. Cây giống cho vụ tới chắc chắn sẽ giảm.

“Việc giá xuống hiện nay do không xuất khẩu được và thương lái còn đang ép giá. Năm trước, người ta chặt tiêu trồng chuối. Năm sau không khéo lại chặt chuối trồng tiêu” - anh Năm nói.

Nguồn cung dư thừa

Có nhiều năm trồng chuối cấy mô, anh Nguyễn Văn Diệm (xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) thừa nhận nếu chuối không xuất khẩu được thì chỉ chặt bỏ cho tốt đất vì biếu cũng không ai nhận. “Năm ngoái, nông dân trồng chuối trúng lớn nên nhiều người tăng diện tích trồng ồ ạt. Các hộ đầu tư trồng mới, chưa có mối lái ổn định; gặp lúc dội chợ, cung nhiều hơn cầu là quy luật của thị trường” - anh Diệm giải thích.

Bà Hoàng Thị Bích Hằng-Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai cho biết, giá chuối, bom (táo), tiêu… cũng có lúc trồi sụt nhưng người trồng không lo đầu ra vì ngoài ăn tươi còn có thể chế biến. Chuối cấy mô không phải cây chủ lực của địa phương nhưng người dân đổ xô trồng khiến diện tích tăng vọt. Tỉnh chưa có chính sách hỗ trợ nào cụ thể cho người trồng cây này.

Hiện anh Diệm trồng 4.000 gốc trên 1,5 mẫu. Anh cho biết một số vựa nhỏ vẫn đang thu mua nhưng mỗi ngày chỉ xuất đi được 1 – 2 container thì không đáng kể. Anh cho rằng vì mưa nhiều, chuối chậm lớn nên thương lái đóng hàng trễ. Vựa chuối có truyền thống thu mua mỗi ngày 20 – 30 container, lớn nhất vùng vẫn chưa khởi động.

Là người chuyên cung cấp giống đồng thời thu mua chuối nhiều năm, anh Vũ Xuân Tú  (huyện Trảng Bom) cho biết, năm 2016, số lượng giống tăng lên hàng vạn cây. Nhiều người lại trồng sớm hơn so với thời vụ bất chấp khuyến cáo. Trong khi đầu ra vẫn chưa “ăn hàng” nên tiêu thụ chậm là đương nhiên. Hiện Tú đi thu gom và giao mối mỗi tuần trên 15 tấn nhưng vẫn không giải quyết xuể nguồn cung.

Anh kể do nguồn cung quá dư, phải chia nhỏ đơn hàng cho mỗi người thay vì tập trung mua ở một vườn. Nhưng việc thu mua cũng không đơn giản vì nông dân thích bán trực tiếp cho vựa hơn cho trung gian như anh vì sợ giá thấp. “Có thời điểm, nhiều nhà vườn gọi bán với giá 1.000 đồng/kg mà tôi không dám nhận. Hiện tại tôi thu ở mức 1.800 đồng/kg đã bao công chặt, vác, chuyên chở; nông dân vừa chê thấp lại vừa năn nỉ mua dùm các đợt tiếp” - anh Tú kể.

Theo anh này giải thích, nông dân chê thấp là vì đang so sánh với mức quá cao từ đầu năm 2016. “Thực ra với giá 2.000 đồng/kg, nông dân không lỗ. Nhưng việc đồn thổi thông tin giá xuống thấp phải chặt bỏ cây khiến nông dân chán nản. Các thương lái sẽ tiếp tục ép giá và chính các nhà vườn chịu thiệt” - anh Tú nhận định.

Thêm một hệ lụy nữa, anh Tú phân tích, khi giá chưa chuyển biến tích cực, nhiều nhà vườn bỏ bê, không tưới nước, bón phân, chuối càng mau chín. Đến lúc nguồn cung tăng lên mà sản phẩm kém giá trị thì càng thua lỗ.

Đồng tình quan điểm này, anh Diệm cho rằng việc tiêu thụ hiện tại chỉ mang tính thời điểm. Anh vẫn hy vọng giá sẽ lại tăng trong vòng 1 – 2 tuần tới khi các đầu mối kéo về đóng hàng xuất khẩu. “Nhưng chuối cấy mô chỉ nhất thời được giá, tiêu vẫn là cây chủ lực của vùng này. Từ năm 2016, tôi đã bắt đầu trồng tiêu xen giữa vườn. Sau 3 năm sẽ thu hoạch tiêu, không trồng chuối nữa” - anh Diệm chia sẻ.


Related news

Nuôi bò BBB, thu hàng trăm tỷ Nuôi bò BBB, thu hàng trăm tỷ

Hà Nội đang là địa phương đi đầu cả nước về chăn nuôi bò thịt BBB. Theo thống kê của Công ty CP Giống gia súc Hà Nội - đơn vị được thành phố giao nhiệm vụ.

Wednesday. February 15th, 2017
Trái đắng từ trồng chuối theo phong trào Trái đắng từ trồng chuối theo phong trào

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá chuối tại Đồng Nai đã giảm chỉ còn 2.000 đồng/kg. Điều đáng nói, nguyên nhân giá chuối giảm do nguồn cung vượt quá cầu.

Wednesday. February 15th, 2017
Vì sao su su 300 đồng/kg vẫn ế phải đổ cho bò ăn, ủ làm phân bón? Vì sao su su 300 đồng/kg vẫn ế phải đổ cho bò ăn, ủ làm phân bón?

Hiện tại giá quả su su ở thị trường Nghệ An chỉ còn 300 đồng/kg. Giá thấp và tiêu thụ khó khăn khiến cho hàng trăm hộ dân ở xã Quỳnh Liên, thị xã Hoàng Mai...

Wednesday. February 15th, 2017