Trái Cây Thái Lan Vào Chợ Việt
Có thể thấy, nông sản của Thái Lan đang có mặt khắp các chợ lớn, nhỏ trong tỉnh và lấp khoảng trống sau khi hàng Trung Quốc bị người tiêu dùng dè dặt.
Tâm lý người tiêu dùng ngày càng e dè với hàng Trung Quốc, đặc biệt là sau khi có thông tin các loại nông sản có nguy cơ “ngậm” hóa chất.
Nhiều người hiện nay đã chuyển hướng sang dùng trái cây nội địa hoặc hàng nhập khẩu từ nước khác. Nắm lấy cơ hội này, tiểu thương tại các chợ trên địa bàn cũng nhập về nhiều loại rau, củ từ Thái Lan. Hiện, ngoài thị trường, hàng Thái Lan đang lấn át hàng Trung Quốc về số lượng lẫn sức mua.
Chị Lê Thị Lệ Huyền, ở thị trấn Long Mỹ, huyện Long Mỹ, cho biết: “Bản thân tôi rất thích mua nông sản nội, nhưng mùa này trái cây ít, trong khi trái cây Thái lại rộ mà giá cả cũng chỉ nhỉnh hơn chút đỉnh. Từ trước đến giờ, tôi cũng chưa nghe thông tin gì về rau, quả Thái Lan nguy hiểm đến sức khỏe, nên cũng phần nào an tâm”.
Bà Thanh Đạm, một tiểu thương ở chợ Long Mỹ, cho hay: “Nguyên nhân chính là do thời gian gần đây trái cây Trung Quốc ít được người tiêu dùng Việt Nam đón nhận, nên sức mua bị giảm sút.
Thay vì lấy một lượng lớn nho, lê, táo Trung Quốc như trước, thì nay tôi bán hàng Thái nhiều hơn. Một số loại như bòn bon, nhãn, măng cụt, thậm chí là me, người dân cũng rất ưa chuộng, số lượng bán ra tăng gấp đôi.
Trung bình mỗi ngày tôi bán được 10-12kg trái cây các loại có nguồn gốc từ Thái Lan. Nguyên nhân hút hàng một phần vì trái cây nước mình đang ở cuối vụ, một số loại đã hết hàng, nhưng trái cây Thái thì lúc nào cũng có. Những loại trái cây hay rau, củ từ Thái nhập về không khác nhiều so với rau, quả Việt Nam, nên người mua dễ sử dụng hơn, chất lượng cũng tốt”.
Một nguyên nhân khác khiến lượng rau, quả của Thái Lan tăng cao, là do các nhà phân phối giảm nhập khẩu sản phẩm từ Trung Quốc và quay sang các nước trong khu vực Đông Nam Á. Đây là một động thái giúp Việt Nam chuẩn bị cho xu hướng hội nhập và tự do hóa trong ASEAN vào năm 2015.
Theo nhận định của tiểu thương, trên 30% khách hàng đã và đang chuyển sang dùng hàng Thái, sức mua vài ngày gần đây cũng tăng lên. Được biết, tại các chợ như: Cây Dương (huyện Phụng Hiệp), Long Mỹ (huyện Long Mỹ), Nàng Mau (huyện Vị Thủy), Phường III (chợ Vị Thanh), Phường IV, Phường VII (thành phố Vị Thanh),… giá cả các sản phẩm đến từ Thái Lan cũng đang ở mức ổn định, phù hợp với túi tiền người tiêu dùng. Cụ thể, bòn bon dao động ở mức 30.000-35.000 đồng/kg, chôm chôm 18.000-20.000 đồng/kg, me 55.000-65.000 đồng/kg, xoài 27.000-30.000 đồng/kg…
Chị Thanh Ngọc, một tiểu thương tại chợ Nàng Mau, cho biết: “Hiện sạp bày bán nhiều nhất là bòn bon Thái Lan, giá lấy sỉ chỉ ở mức trên 20.000 đồng/kg tại các địa điểm phân phối hoặc các xe bỏ mối”. Còn tại hệ thống Siêu thị Co.opMart, các loại trái cây Thái còn được nhập về ở dạng sấy khô như: mít, đậu, khoai, sầu riêng… Những sản phẩm sấy khô này đang được phản hồi tốt từ khách hàng.
Thực tế cho thấy, các mặt hàng Thái Lan có giá chỉ nhỉnh hơn 15-20% so với hàng Việt Nam, nhưng nếu đặt vế so sánh với các loại trái cây có xuất xứ Hàn Quốc, Nhật Bản hay Mỹ, thì giá còn thấp hơn rất nhiều.
Đại đa số người tiêu dùng khẳng định thích nông sản Thái, nhưng vẫn ủng hộ trái cây Việt nếu được lựa chọn. Tuy nhiên, sức hút của trái cây nhập cũng đặt ra vấn đề đáng quan tâm là loại sản phẩm nhập khẩu này có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Song, trước sức cạnh tranh mạnh mẽ này, nhà vườn Việt cần chủ động chuẩn bị để trái cây nội không bị “lép vế” trên sân nhà. Hơn nữa, ngành chức năng cũng cần có nhiều giải pháp giúp nông dân về khoa học kỹ thuật, điều chỉnh mùa vụ, quy hoạch vùng nguyên liệu,… để từng bước nâng cao chất lượng hàng nông sản, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực của địa phương.
Related news
Những năm gần đây, ngành chức năng đã liên tục cảnh báo về sự suy giảm nguồn nước mặt, nước ngầm, đồng thời kêu gọi sự vào cuộc của cả cộng đồng trong việc quản lý, bảo vệ, sử dụng tiết kiệm hơn tài nguyên nước.
Thời gian qua, để giúp nông dân nắm vững khoa học kỹ thuật, đưa các giống lúa có chất lượng vào sản xuất, ngành nông nghiệp đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực như tập huấn ICM, hội thảo đầu bờ, xây dựng mô hình trình diễn…
Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thì trong giai đoạn 2011-2013, ngành đã triển khai thực hiện được 3 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi, 4 đề tài KH&CN cấp tỉnh và 3 nhiệm vụ hỗ trợ phát triển KH&CN cấp cơ sở.
Tại Hội thảo “Giới thiệu công nghệ sản xuất nông sản an toàn và bảo vệ môi trường” được tổ chức mới đây ở thị xã Gia Nghĩa, Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng đã cho rằng, Đắk Nông có những lợi thế lớn trong việc trồng cây ca cao.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, để giúp người nông dân có giống khoai lang Nhật Bản (KLNB) đạt chất lượng, các ngành chức năng đã hỗ trợ một số hộ triển khai sản xuất giống thuần chủng bằng phương pháp cấy mô. Gia đình anh Bùi Văn Đạt, trú ở thôn Thuận Hải, xã Thuận Hạnh (Đắk Song) đã ứng dụng thành công phương pháp này.