Trái Cây Tết Nhà Vườn Kẻ Cười, Người Kém Vui
Những ngày qua, thị trường trái cây tết bắt đầu “nóng” lên từng ngày. Trong các vườn, nông dân cũng bắt đầu tranh thủ đưa nông sản mà mình đã xử lý, chăm chút bao lâu nay ra thị trường cuối năm âl.
Thất mùa bù được giá
Sôi động nhất là những loại trái cây được ưa chuộng dùng chưng trên mâm ngũ quả thờ cúng tổ tiên. Cùng với sự “nóng” lên của thị trường tết, trong các vườn, không khí thu hoạch, trái cây tết cũng nhộn nhịp, hối hả.
Anh Nguyễn Hiếu Nghĩa, ấp Phú Hòa, xã Long Khánh (TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết, đợt này anh có 1.000 trái bưởi da xanh được bao trái chuẩn bị thu hoạch bán tết. Theo anh Nghĩa, năm nay bưởi bị sâu đục trái gây hại rất lớn, làm giảm khoảng 20% sản lượng trái so với mọi năm, nhưng bù lại giá bưởi rất cao nên nhà vườn rất phấn khởi. Dự kiến, số bưởi tết này sẽ xuất vườn vào ngày 26 tháng Chạp” - anh Nghĩa cho biết.
Tình trạng bưởi da xanh nói chung và bưởi nói riêng bị ảnh hưởng bởi sâu đục trái gây hại cũng xảy ra ở nhiều vườn khác trong và ngoài khu vực. Lượng bưởi giảm trong khi nhu cầu trái cây tết nói chung và bưởi nói riêng bắt đầu tăng mạnh trong nhiều ngày qua làm cho giá bưởi tăng cao, đạt khoảng 50.000 đồng/kg.
Theo nhiều nhà vườn, từ nay đến tết, giá bưởi sẽ còn tăng thêm do nhu cầu bưởi chưng tết trong dân tăng mạnh. Trước diễn biến giá cả này, nhiều nhà vườn trồng bưởi quyết định “neo” trái lại chờ giá tăng thêm.
Cùng với bưởi, quýt, xoài cũng là những trái cây truyền thống của miền Tây rất được ưa chuộng để dùng chưng trong những ngày tết đang có giá rất cao. Theo ghi nhận, quýt hiện nay có giá từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, xoài có giá từ 40.000 - 50.000 ngàn đồng/kg.
Nguyên nhân là do sản lượng của 2 loại trái cây này năm nay không dồi dào như mọi năm do ảnh hưởng của thời tiết bất thường cộng với năm nhuận. Từ tình hình này, nhiều người dự báo, giá của 2 loại trái cây này sẽ còn tiếp tục tăng thời gian tới.
Sau thời gian giảm giá mạnh, thanh long cũng tăng giá rất nhanh cùng với nhịp độ sôi động của thị trường tết. Ông Võ Ngọc Diệp, Tổ trưởng Tổ hợp tác thanh long Lương Phú C (xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo) cho biết, giá thanh long tăng mạnh hơn nửa tháng qua. Hiện tại, thanh long ruột trắng có giá khoảng 20.000 đồng/kg. Với giá này, nhà vườn trồng thanh long có thể lời 10.000 đồng/kg.
“Thanh long là loại trái cây có hình dáng đẹp, tên cũng rất kêu nên được người dân ưa chuộng để chưng trong ngày tết với biểu thị đầu năm rồng đến nhà sẽ thuận lợi, may mắn suốt cả năm. Vì thế, từ nay đến tết, giá thanh long có thể tăng lên 25.000 đồng/kg do nhu cầu chưng tết trong dân tăng cao” - ông Diệp dự đoán.
Ông Diệp cũng cho biết, hiện tại ông có 2 công trồng thanh long xử lý cho thu hoạch bán tết. Dự kiến, ngày 25 (âl) tới, ông sẽ thu hoạch 2 tấn thanh long để cung ứng thị trường tết. Với giá này và khả năng giá tiếp tục tăng trong thời gian tới, ông cũng như nhà vườn trồng thanh long xử lý nghịch vụ đợt cuối năm âl này đang phấn chấn trông chờ đến ngày thu hoạch.
Còn tại Tân Phú Đông, dù mãng cầu Xiêm bắt đầu thu hoạch bán tết từ ngày 20 tháng Chạp trở đi (có thể bán trái non), nhưng hiện nay nhiều thương lái đã đến dọ hỏi mua hay đặt cọc trước với giá khá cao. Xét thấy giá mãng cầu Xiêm tết năm nay sẽ rất cao nên nhiều hộ không chấp nhận đặt giá trước thu hoạch sau. Hơn lúc nào hết, họ đang háo hức chờ “trình làng” đặc sản huyện “đảo” ra thị trường tết.
Thất thu vú sữa, sa pô tết
Không giống như nhiều loại trái cây tết đang trúng giá, mùa vú sữa năm nay lại diễn biến theo chiều hướng không thuận lợi cho nhà vườn khi vừa thất mùa, gián đoạn thu hoạch đợt tết, lại vừa không được giá.
Anh Nguyễn Văn Hòa, ấp Mỹ, xã Kim Sơn cho biết, nếu như năm rồi thời điểm này vú sữa chín rộ, thu hoạch mỗi ngày trên 200 kg, còn năm nay hầu hết cây đều bị “treo” trái đợt tết này. Đã vậy, giá vú sữa cũng khá thấp. Từ đầu vụ đến giờ, tiền bán vú sữa chưa đến 20 triệu đồng, trong khi mọi năm anh bán trên 50 triệu đồng.
Ở các vườn sa pô không khí thu hoạch đợt tết năm nay cũng yên ắng hơn mọi năm. Trong các vườn, sa pô cho trái lưa thưa. Theo nhiều nông dân nơi đây, mọi năm vào thời điểm này, các vườn sa pô ở xã Kim Sơn, xã Phú Phong (huyện Châu Thành) không khí thu hoạch, vận chuyển rất tất bật, rôm rả đưa ra chợ Vĩnh Kim đóng gói để tiêu thụ. Năm nay, đến giờ trong các vườn không khí vẫn còn êm đềm.
Bà Bông, xã Kim Sơn cho biết, không riêng gì vườn sa pô nhà bà mà nhiều vườn xung quanh cũng thế. Theo bà Bông, năm rồi 2 công sa pô của bà thu hoạch đợt tết bán được 30 triệu đồng, năm nay đến giờ chỉ trên 10 triệu đồng. Năng suất giảm nhưng giá sa pô cũng tăng rất chậm. Mãi đến khoảng 1 tuần qua, giá sa pô mới tăng lên được 13.000 - 16.000 đồng/kg.
“Năm nay nhuận, sa pô cho thu hoạch rộ vào tháng rồi nên tháng này không còn bao nhiêu. Mới lúc sáng, tôi “mót” bán được 100 kg với giá 13.000 đồng/kg. Giá này chỉ mới tăng khoảng 1 tuần qua thôi. Từ nay đến ngày 20 âl, vườn của tôi không có sa pô để bán. Chỉ từ ngoài ngày 20 trở đi, vườn mới có trái chín nhưng chỉ khoảng 400 kg. Năm nay, nhà vườn trồng sa pô thất thu nặng trong đợt tết này” - bà Bông than.
Đến thời điểm này, năng suất trái cây tết đã rõ nhưng giá cả, thị trường của loại nông sản này vẫn còn là “ẩn số” khi giờ G chưa điểm. Các nhà vườn vẫn đang chờ và dõi về thị trường những ngày giáp tết.
Related news
Hàng ngàn hộ dân tại Trà Vinh có thu nhập khá từ mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng, đồng thời rừng ngập mặn hồi sinh.
Tiền Giang được mệnh danh là một trong những trung tâm lớn của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về sản xuất, cung ứng con giống thủy sản, đặc biệt là sinh sản giống nhân tạo.
Hiện nay, người nuôi cá tra phải đối diện với nhiều thách thức. Đặc biệt giá cá tra thương phẩm đang sụt giảm mạnh khiến người nuôi thua lỗ. Để giúp sản phẩm có thể đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước, tỉnh Đồng Tháp tích cực tìm những hướng đi cho ngành hàng chủ lực.
Mỹ là thị trường NK lớn nhất cua ghẹ của Việt Nam, chiếm gần 45% tổng giá trị XK. Trong 4 tháng đầu năm nay, XK cua ghẹ của Việt Nam sang Mỹ đạt 12,6 triệu USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù được xem là sản phẩm đặc trưng của tỉnh Bình Thuận, nhưng nghề làm cá cơm ở làng chài Mũi Né (TP Phan Thiết) đang gặp rất nhiều khó khăn vì sự vất vả của nghề, đầu ra thì bấp bênh, thiếu vốn đầu tư và nguồn lợi thủy sản đang ngày dần cạn kiệt. Làng nghề đang đứng trước nguy cơ bị mai một nếu không có biện pháp kịp thời.